Phát hiện tàu cổ bị đắm có niên đại gần 1 thế kỷ
(Cadn.com.vn) - Gần một tháng nay, sau khi phát hiện một vùng cổ vật được cho là của một con tàu bị đắm, hàng chục ngư dân xã Tam Hải (H. Núi Thành, Quảng Nam) đã tiến hành trục vớt được hàng nghìn bình gốm, mảnh gốm bán cho các lái buôn, thu hàng chục triệu đồng.
Ngày 24-8, theo chân các thợ lặn thôn Thuận An, Tam Hải, chúng tôi ra vùng biển rạn Nhọn, cách bờ biển Thuận An khoảng 300m. Anh Nguyễn Vỹ (thôn Thuận An) cho biết: Cách đây gần 1 tháng, một số thợ lặn săn đồ cổ Quảng Ngãi ra thăm dò và phát hiện địa điểm có nhiều cổ vật trên. Thấy họ khai thác nên CAX và CAH Núi Thành ra đẩy đuổi. Tuy nhiên xét thấy cổ vật đa số bị bể, vỡ nên lực lượng chức năng không khoanh vùng bảo vệ. "Trước đây các cao niên trong làng cũng đã phát hiện nhiều mảnh gốm, sứ bị bể nằm ở khu vực này. Tuy nhiên họ cứ nghĩ đó là các mảnh vỡ từ đất liền bị vứt trôi dạt ra chứ không phải cổ vật. Sau khi đám thợ lặn Quảng Ngãi đi, anh em ngư dân chúng tôi lặn xuống khu vực trên với độ sâu khoảng 3m nước. Qua nhiều ngày chúng tôi phát hiện và đã đưa lên bờ gần 100 bình gốm nhỏ cùng hàng tấn mảnh vỡ chén, bát, đĩa sứ... Theo đó mỗi bình gốm nhỏ bán giá từ 150 đến 200 nghìn đồng, còn mảnh vỡ bán mỗi ký 15 nghìn đồng", anh Vỹ cho biết thêm.
Sau một lúc các thợ lặn ngoi lên khỏi mặt nước với những mảnh gốm bể. |
Sau 5 phút đi thuyền ra khu vực được cho là nơi có con tàu chở cổ vật bị đắm, sau khi mang vào người các thiết bị, dụng cụ lặn, các thợ lặn lần lượt xuống nước sục tìm cổ vật. Khoảng 30 phút sau, họ đem lên rất nhiều lọ bằng gốm sứ nhỏ còn nguyên vẹn và những mảnh bát, đĩa vỡ. Sau đợt lặn ban đầu, anh Vỹ mang lên được 5 lọ gốm sứ còn nguyên bị sinh vật biển bám chặt vào. Các lớp hoa văn bên ngoài đã bị bào mòn. Anh Vỹ cho biết, do không có máy móc nên nhóm anh chỉ lặn thủ công và moi tìm cổ vật bằng tay. Khác với cánh thợ lặn chuyên nghiệp, họ dùng máy thổi có công suất lớn để thổi bay lớp bùn cát dưới đáy biển để cổ vật lộ ra. Nhưng như vậy cổ vật dễ bị vỡ.
Cách đó vài trăm mét, khu vực Cửa Lở, nơi con sông Trường Giang đổ ra biển cũng có một nhóm thợ lặn đang tìm kiếm cổ vật. Ông Đinh Tấn Tàu (thôn 2, xã Tam Hải) cho biết: Tại khu vực này biển nông nên chỉ cần bơi trên mặt nước đã có thể nhìn thấy các mảnh gốm vỡ bên dưới và dễ dàng lặn xuống tìm. Trước số cổ vật quá lớn được tìm thấy có liên quan đến con tàu đắm tại khu vực này, chúng tôi đã báo tin đến Bảo tàng Quảng Nam để cơ quan chức năng xuống hiện trường khảo sát chi tiết. Theo tin báo từ ông Tàu, đoàn chức năng của tỉnh Quảng Nam đã có mặt tại khu vực này để khảo sát. Theo các nhà khoa học, căn cứ vào các hiện vật gốm sứ cổ được tìm thấy tại khu vực rạn Nhọn, Cửa Lở của biển Tam Hải, kết hợp với việc tỉnh Quảng Ngãi đang khai quật 2 đến 3 con tàu cổ tại khu vực biển Châu Thuận thì đây rất có thể có một mối liên quan mật thiết và giả thuyết về một nghĩa địa tàu cổ ở khu vực biển Quảng Nam - Quảng Ngãi bị đắm là điều rất dễ xảy ra. Cũng theo các nhà khoa học thì đây rất có thể là một trong những địa điểm của hành trình con đường tơ lụa, con đường gốm sứ trên biển, nên việc xác định chính xác giá trị cổ vật được tìm thấy sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm lại những giá trị to lớn về con đường gốm sứ trên biển tại vùng biển phía tây tỉnh Quảng Nam.
Cổ vật được vớt lên. |
Đặc biệt ngoài số cổ vật trên, các thợ lặn còn tìm thấy nhiều mảnh gỗ thân tàu cổ bị vùi lấp dưới cát. Nhiều mảnh gỗ tròn dài hơn 3,5m, đường kính hơn 0,4m, có nhiều họa tiết và chữ Hán cổ. Theo các thương lái chuyên mua đồ cổ, các cổ vật được ngư dân Tam Hải trục vớt có niên đại gần 1 thế kỷ. Đây được xem là những hiện vật của con tàu đắm cổ nhất tại nước ta cho đến thời điểm hiện tại được tìm thấy ở vùng biển miền Trung.
Theo người dân thì sự việc trên đã diễn ra gần 1 tháng qua nhưng không hiểu vì sao các ngành chức năng Quảng Nam vẫn chưa có phương án khoanh vùng, bảo vệ.
Bão Bình