Phát huy giá trị văn hóa tộc họ

Thứ sáu, 20/01/2017 10:10

(Cadn.com.vn) - Mô hình "Tộc họ văn hóa" ở nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) đã có từ lâu nhưng phát triển mạnh từ thực tiễn triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và là một trong những mô hình vận động sức dân một cách sáng tạo, có hiệu quả. Truyền thống văn hóa tộc họ đã có lâu đời và đó là một truyền thống tốt đẹp cần được duy trì và phát huy. Tuy hình thức tổ chức, hoạt động của mỗi tộc họ khác nhau nhưng đều là sự tập hợp con cháu cam kết thực hiện những quy ước về truyền thống gia tộc, phẩm chất đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng.

Được biết, hơn 15 năm qua, văn hóa làng xã, văn hóa tộc họ ở Hòa Vang dần được khôi phục thông qua các phong trào thi đua do UBMTTQ các cấp chủ trì, phát động. Nhiều tộc họ đã chủ động tập hợp con, cháu đóng góp công sức xây mới từ đường, trùng tu mồ mả tổ tiên, hoàn chỉnh gia phả, tổ chức lễ mừng thọ... Theo thống kê, Hòa Vang hiện có khoảng 600 dòng tộc, trong đó hơn 300 tộc đã hình thành Hội đồng gia tộc (HĐGT) và có Tộc ước, Tộc họ hưởng ứng thực hiện quy ước xây dựng "Tộc họ văn hóa" gắn với các chương trình "5 không, 3 có" và "4 an" của TP. Qua đó mỗi thành viên trong dòng tộc soi rọi, điều kiện rèn luyện, sống và làm việc theo đúng pháp luật của Nhà nước và hướng tới chân, thiện, mỹ…

Các thế hệ tộc Đỗ thôn Gò Hà (xã Hòa Khương) tham gia trồng cây xanh.

Có làm được điều đó, mỗi tộc họ mới không ngừng phát triển, văn minh, tiến bộ và góp phần vào xây dựng cộng đồng dân cư. Trong quá trình thực hiện quy ước, các tộc họ đã không ngừng phát huy truyền thống dòng tộc, hưởng ứng tuyên truyền vận động con cháu tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp công sức và vật chất vào xây dựng, phát triển quê hương, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm; xây dựng các nguồn quỹ khuyến học, khuyến tài và nâng cao ý thức trách nhiệm trong xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Ngoài ra, dòng tộc còn giữ vai trò quan trọng trong việc giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình; đồng thời thực hiện hiệu quả chức năng hòa giải, tăng cường mối gắn kết trong gia tộc với cộng đồng. "Hàng năm, vào những ngày trọng đại của dòng họ như ngày giỗ tổ, ngày lễ, ngày tết, con cháu từ khắp nơi hội tụ về từ đường để tưởng nhớ vong linh tổ tiên, các cụ già trong tộc đều nhắc nhở con cháu mối quan hệ thiêng liêng gắn bó họ hàng, ngợi khen những gia đình tiêu biểu nhất để làm tấm gương về nhân cách, đạo đức cho dòng họ noi theo", cụ Đỗ Hữu Ninh- Trưởng tộc Đỗ thôn Gò Hà (xã Hòa Khương) chia sẻ.

Tại xã Hòa Phước, sau nhiều năm triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn kết với quy ước hoạt động của HĐGT trong công tác phòng chống tội phạm với phương châm "lấy sức dân xây dựng cuộc sống bình yên cho dân", các tộc họ trên địa bàn đã từng bước tạo nếp sống văn hóa, hướng thiện, tôn trọng pháp luật trong cộng đồng dân cư. Nhiều tộc họ đã đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng; trong đó các tộc Đinh (thôn Quá Giáng), Trần (thôn Giáng Nam), Nguyễn Thành (thôn Miếu Bông)… đã lấy việc phát huy vai trò tộc họ và truyền thống cách mạng quê hương làm trọng tâm giáo dục con cháu hướng thiện.

Cụ Đinh Viết Thành - Trưởng tộc Đinh cho biết: "Văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tộc họ có xu hướng phục hồi, nhiều giá trị cũ đang sống lại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tộc họ văn hóa là một mô hình hay, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc, bảo tồn được những nếp sinh hoạt truyền thống của người dân. Bộ mặt nông thôn sẽ toàn diện hơn nếu chúng ta biết gìn giữ và phát huy vai trò tộc họ"… Bên cạnh đó, một nét riêng về tính nhân văn mà các tộc họ ở xã Hòa Phong đã thể hiện, là khơi nguồn, động viên con cháu thành đạt góp sức giúp đỡ các hộ nghèo mà hiệu quả nhất là việc đóng góp, xây dựng quỹ khuyến học để động viên con cháu không có điều kiện được tiếp tục trên con đường học vấn, tổ chức phát thưởng cho các cháu hiếu học, học giỏi và cưu mang đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những người lầm lỗi vươn lên trong cuộc sống.

Thật vậy, cái tình, cái nghĩa của người dân nông thôn gìn giữ bao đời, nay nhờ chủ trương của Đảng và chính quyền các cấp, nên người dân cùng các tộc họ không những thông suốt mà còn tích cực tự giác thực hiện. Tự hào về quá khứ của cha ông, từ trong suy nghĩ, con cháu của các tộc họ luôn nhận thức được rằng quá khứ vinh quang của dòng tộc chỉ được trân trọng và phát huy khi hiện tại con cháu tiếp tục làm đẹp cho đời. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa tộc họ cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người, mọi nhà…

Vy Hậu