Phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực

Thứ bảy, 24/04/2021 23:27

Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2021, tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại kinh tế, tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, đặc biệt là thế mạnh từ các cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu.

Cà-phê là một trong những loại cây trồng chủ lực ở Gia Lai.

Sau khi khống chế được dịch COVID-19 trên địa bàn, để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững, năm 2021, tỉnh Gia Lai tập trung vào 4 chương trình trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển lâm nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có năng lực và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Quý I/2021, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 77 nghìn ha cây trồng các loại, có 7/17 địa phương đã chuyển đổi hơn 300 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác và ngừng sản xuất gần 400 ha do không chủ động được nước tưới. Xác định nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tiếp tục khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các diện tích phù hợp sang các cây trồng khác có lợi thế hơn. Điển hình như một số mô hình chuyển đổi từ lúa, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao.

Cùng với việc giảm dần diện tích cao su tại những vùng đất không phù hợp; ổn định diện tích cây công nghiệp dài ngày; phát triển các hình thức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín hoặc liên kết giữa các khâu theo chuỗi, tỉnh đẩy mạnh thông tin, dự báo về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đồng thời triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết hay đang tham gia đàm phán.

Cùng với đó, Gia Lai cũng định hướng phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững phù hợp yêu cầu của thị trường quốc tế. Năm 2021, tỉnh Gia Lai phấn đấu trồng đạt 8.000 ha rừng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng (kể cả cây cao su) lên 47%.

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn tăng cường thiết lập cơ hội tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm đặc trưng địa phương, quảng bá thương hiệu hình ảnh đặc trưng Tây Nguyên, như Gạo Ba Chăm, tiêu Lệ Chí, cà phê Lamant... Đến nay, tổng số sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh có 149 sản phẩm từ 3 đến 4 sao. Một số sản phẩm địa phương đã có thương hiệu trong nước và quốc tế, điển hình như việc tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận "Phở khô Gia Lai" lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, "Mật ong rừng Gia Lai" lọt vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam...

Theo ông Hồ Phước Thành - Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu năm, nhưng khi khống chế được dịch bệnh, tỉnh Gia Lai đã thực hiện mục tiêu kép, vực dậy nền kinh tế, nhanh chóng lấy lại thế cân bằng. Theo kế hoạch, trong năm 2021, tỉnh Gia Lai phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) 8%, GRDP bình quân đầu người đạt 55,99 triệu đồng/người, kim ngạch xuất khẩu đạt 610 triệu USD, góp phần nâng tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến trên địa bàn lên trên 5.000 tỷ đồng, ước tăng hơn 9% so với cùng kỳ...

Tận dụng các lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Gia Lai sẽ đẩy nhanh việc hoàn tất các thủ tục đầu tư, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư sớm hoàn thành đưa vào vận hành các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được Trung ương cho phép bổ sung quy hoạch; tiếp tục kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án năng lượng tái tạo triển khai trên địa bàn.

Nhờ những quyết sách đúng đắn, phù hợp, kinh tế của Gia Lai giai đoạn 2016-2020 tăng 7,55%, quy mô kinh tế năm 2020 tăng gấp 1,63 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 51,9 triệu đồng, tăng 1,48%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn cũng có những bước phát triển tương đối ổn định.

Trong 18 chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, trong 5 năm (2016-2020), tỉnh Gia Lai đã đạt và vượt 15 chỉ tiêu, còn 3 chỉ tiêu không đạt là thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hạn hán, nông sản bấp bênh nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Gia Lai vẫn duy trì ở mức cao, tăng 7,55% qua từng năm (giai đoạn 2016-2020); quy mô kinh tế năm 2020 gấp 1,63 lần so với năm 2015. 

H.Đ