Phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng
Cùng tham dự hội thảo, về phía TP Đà Nẵng có ông Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.
Cơ sở quan trọng để Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu
Hội thảo quan trọng có sự tham gia của 250 đại biểu, đã tập trung đi sâu, phân tích, làm rõ kết quả đóng góp của ngành dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH của Việt Nam trong 35 năm đổi mới; đồng thời, nhận diện những xu thế phát triển và vận động chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển các ngành dịch vụ trong đó bao gồm ngành dịch vụ mới trong quá trình CNH, HĐH; phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ.
Dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng: Đà Nẵng rất vui mừng và vinh dự được Ban Kinh tế Trung ương chọn là địa phương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia này, bởi hiện đang là thời điểm Đà Nẵng trên đà khôi phục tăng trưởng nền kinh tế sau 2 năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã tiếp tục xác định chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố trở thành trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á. “Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, theo đó thống nhất tập trung xây dựng phát triển TP trên 3 trụ cột, đều liên quan đến lĩnh vực dịch vụ và du lịch, đó là: Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế. Kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn, trong đó công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, gắn với nền kinh tế số. Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn, trong đó cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quy mô khu vực. Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm quan điểm “Phát triển văn hóa, ngang tầm với chính trị, KT-XH gắn với phát triển du lịch” là một trong các trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp thu bổ sung vào quy hoạch TP”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng khẳng định: Qua 25 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Đà Nẵng được đầu tư tương đối đồng bộ và toàn diện phục vụ cho các ngành dịch vụ, công nghiệp. Một số dự án đang được chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt,TP đang báo cáo các bộ, ngành để trình Chính phủ Đề án Trung tâm tài chính quy mô khu vực và xây dựng Đề án thành lập Khu phi thuế quan. “Những chủ trương, định hướng và những bước đi của TP rất phù hợp với chủ đề Hội thảo lần này, và sẽ là nền tảng, động lực để thúc đẩy xây dựng phát triển ngành dịch vụ nói riêng và KT-XH của TP nói chung trong thời gian đến. Chúng tôi tin tưởng, với gần 60 bài báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và những người làm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau tại hội thảo, sẽ đưa ra được những giải pháp, những ý kiến góp ý thiết thực để hoàn thiện được những chủ trương, chính sách về phát triển ngành dịch vụ để phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cũng là cơ sở quan trọng để TP Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng TP theo yêu cầu Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đã đề ra”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, CNH, HĐH đất nước không đồng nhất CNH với phát triển công nghiệp, mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ. Đối với phát triển ngành dịch vụ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao”, trong đó nêu rõ một số loại dịch vụ cần tập trung ưu tiên phát triển, như du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ - thông tin, vận tải, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý.
Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH, bởi kết quả đánh giá CNH, HĐH giai đoạn vừa qua cho thấy, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa đạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm cho thấy, hiện đang chiếm trên 40% GDP. Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, và Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Trong khi đó, thương mại điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thay thế dần thương mại truyền thống và dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng, đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên theo ông Trần Tuấn Anh, trong quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra, như: Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao. Một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 3,37%), khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%). Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao. Nhiều mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống. Thực tế các tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, để xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn trong tiến trình thực hiện CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới.
Lưu ý một số biện pháp nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tin tưởng: “Là nền kinh tế phát triển năng động, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 60 đối tác lớn và có thị trường nội địa gần 100 triệu dân. Trong khi đó, dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, có tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ kiên định, nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Công Hạnh