Phát triển toàn diện y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ hai, 25/01/2021 15:50

Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) bao gồm y tế thôn, bản; xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất. Đến thời điểm này, mạng lưới YTCS được duy trì rộng khắp cả nước với 99,6% các xã, phường, thị trấn có trạm y tế xã. Với hơn 65,6% số dân sống ở vùng nông thôn, YTCS đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe và giảm thấp nhất chi phí cho người dân.

Khám chữa trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền.

Theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời

Hoạt động củng cố hệ thống YTCS và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu luôn là những ưu tiên trong chính sách phát triển y tế Việt Nam, góp phần quan trọng trong cải thiện tình trạng sức khỏe nhân dân (SKND). Trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, trong khi YTCS vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKND, việc xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5-12-2016 đã xác định đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS; bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn... Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2020: ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Việc thực hiện được các mục tiêu của Đề án chính là một trong những bước đi cụ thể góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết 20 - NQ/TW ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao SKND trong tình hình mới. 

Góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 3 năm thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới, 5 mục tiêu cụ thể của Đề án được cải thiện rõ rệt so với năm năm 2016.

Đặc biệt, YTCS đã góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch. Nhiều BV tuyến huyện đã trở thành bệnh viện vệ tinh của BV Trung ương và tuyến cuối, được chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ. Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2019 cho thấy, chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện lót tay nhân viên y tế (năm 2016: 17%). Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên tổng số lượt khám chữa bệnh chung được cải thiện, tại tuyến huyện tăng từ 8,96% năm 2016 lên 13,8% năm 2019; tuyến xã tăng từ 28,5% năm 2016 lên 30,3% năm 2019.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã. YTCS vẫn chưa thực hiện tốt việc quản lý SKND, tầm soát phát hiện bệnh sớm, quản lý bệnh nhất là các bệnh mạn tính. Các phần mềm còn phân mảnh, không thống nhất do không cùng nền tảng giải pháp kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp nên việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn.

Nâng cao chất lượng dịch vụ YTCS

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế đề ra 5 mục tiêu. Đó là hoàn thiện tổ chức mạng lưới YTCS theo hướng trung tâm y tế huyện đa chức năng, quản lý toàn tiện và điều phối nguồn lực của các trạm y tế xã, huy động sự tham gia của y tế tư nhân.

Nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của YTCS theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép, đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thông qua tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên hai chiều, khám chữa bệnh từ xa. Ngành Y tế đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính cho YTCS, thực hiện phương thức thanh toán theo định suất, hoàn thiện gói dịch vụ y tế bản, cơ chế giá và đồng chi trả BHYT, khuyến khích sử dụng dịch vụ YTCS; tập trung đầu tư cho YTCS đồng bộ cơ sở vật chất... Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo theo vị trí việc làm, thu hút và duy trì nguồn nhân lực YTCS, tăng cường chuyển giao kỹ thuật (trực tiếp, từ xa), luân phiên theo hai chiều (từ dưới lên trên, trên xuống dưới). Định hình nhóm nhân lực y tế thực hiện đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã (không chỉ nhân viên cơ hữu mà cả luân phiên, từ xa).

B.T