Phía sau cánh cửa phòng bệnh (2)
Bài cuối: “Người nhà” của bệnh nhân
(Cadn.com.vn) - “Tài giỏi, đức cao, tâm sáng, hết lòng phục vụ bệnh nhân không kể giàu nghèo, cứu sống bệnh nhân thập tử nhất sinh thì sẽ được nhớ đời. Không có phần thưởng nào cao quý, ý nghĩa hơn lời khen của chính người bệnh và thân nhân người bệnh dành cho người thầy thuốc. Chính vì vậy, đội ngũ y bác sỹ, từ người đứng đầu cho đến nhân viên hộ lý phải hết sức lưu ý đến vấn đề y đức, đạo đức nghề nghiệp, lấy bệnh nhân làm đối tượng trung tâm để phục vụ cho tốt, thuận lợi nhất. Bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo khi đã vào bệnh viện thì luôn có tâm lý lo sợ mà gặp phải những nhân viên nóng nảy, phục vụ thái độ cằn nhằn, nói năng không cẩn trọng thì họ sẽ buồn và bệnh tật sẽ càng nặng hơn...”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ trong lần làm việc với một BV lớn trên địa bàn thành phố.
Hết lòng chăm sóc bệnh nhân. |
Hơn 30 năm nay, chị Lâm Thị Minh Liên - Kỹ thuật viên phục hồi chức năng (PHCN), Bệnh viện PHCN Đà Nẵng đã góp phần giúp nhiều bệnh nhân lấy lại sự chủ động của cơ thể, từ chỗ không thể nhấc nổi cánh tay hay bàn chân. Hầu hết những bệnh nhân cần PHCN đều lớn tuổi bị di chứng từ các bệnh như: tai biến mạch máu não, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm...
Sự bất lực khi không thể co duỗi ngón tay, ngón chân, không nhấc nổi cánh tay của bản thân khiến các bệnh nhân bực dọc, cáu bẳn và bị sốc tâm lý. Hiểu được tâm lý của bệnh nhân, chị luôn quan tâm, ân cần trò chuyện, thăm hỏi và động viên. Ngoài các bài tập cơ bản, chị còn thường xuyên tìm các trò chơi, bài tập từ sự vận động trong cuộc sống thường nhật để bệnh nhân không cảm thấy nhàm chán.
Những sáng kiến của chị Liên như: cải tiến thanh tập khớp vai, dụng cụ tập tạ, bàn tay quay... đã cải thiện đáng kể tình hình bệnh tật và nâng cao hiệu quả tập luyện của nhiều bệnh nhân trong thời gian qua. Dù hiện tại đang ở cương vị Trưởng khoa PHCN nhưng chị vẫn tự nguyện trực tiếp điều trị. Với những ca bệnh nặng, không có người chăm sóc, chị luôn đứng ra đảm nhận.
Bệnh nhân hằng ngày được chị chăm sóc chống loét do tỳ đè bằng việc thực hiện các kỹ thuật lăn trở, di chuyển trên giường, những bài tập thụ động. Song song với các bài tập, chị còn chú trọng chuyện trò, giúp đỡ bệnh nhân về cách hoạt động trị liệu như: làm vệ sinh thân thể cho bệnh nhân nặng, liệt tứ chi, thay y phục, khăn trải giường, cách mặc quần áo cho người liệt, cách độc lập trong cuộc sống...
Cũng với tinh thần phục vụ người bệnh nhiệt tình, tận tâm và thương yêu bệnh nhân như người thân, điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ (BV Đà Nẵng) đã để lại ấn tượng tốt đẹp với đồng nghiệp và bệnh nhân. Hằng ngày, ngoài công việc chuyên môn được giao, chị Huệ thường xuyên ở bên cạnh những bệnh nhân bị xơ gan vỡ tĩnh mạch trướng thực quản, loét dạ dày nôn ra máu liên tục để an ủi, động viên. Ngoài ra, chị còn nhiệt tình chăm sóc vết loét do tỳ đè, thông tiểu, tiêm truyền dịch, phát thuốc, giúp lấy phân ở bệnh nhân táo bón kéo dài nhiều ngày, vệ sinh thân thể cho bệnh nhân nặng, liệt tứ chi...
Thường xuyên tiếp xúc và cứu sống những ca bệnh nhân nặng, nguy kịch, có hoàn cảnh khó khăn nên bác sỹ Nguyễn Tiến Hưng - Khoa khám cấp cứu (Bệnh viện Đà Nẵng) thấu hiểu được tâm trạng của người nhà bệnh nhân. Chính vì vậy, anh không bao giờ phân biệt đối xử với bất kỳ bệnh nhân nào. Có những thời điểm phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội nhưng anh vẫn bình tĩnh, tận tình chăm sóc và xử lý các ca bệnh với tinh thần vì tính mạng bệnh nhân, hoàn thành công việc cứu người là quan trọng. Ngoài ra, anh còn thường xuyên hỗ trợ về mặt vật chất cho những trường hợp bệnh nhân gặp khó khăn về kinh tế.
“Nhiều đêm trong khi kíp trực đang nỗ lực chạy chữa cho bệnh nhân thì ở ngoài tiền sảnh, một số người liên tục hét to, đòi phải chăm sóc đặc biệt cho người nhà mình. Nhiều ca cấp cứu trong hy vọng mong manh giữa sự sống và cái chết, tâm lý của người nhà chỉ muốn được các bác sĩ quan tâm, chăm sóc, nhưng nhiều khi họ không thể hiểu được ca nào cần xử lý trước, ca nào cần phải theo dõi dẫn đến sự hiểu lầm, có nhiều trường hợp còn đe dọa, chửi bới, hành hung y, bác sĩ. Nhưng với trách nhiệm phải cứu bằng được bệnh nhân và xem bệnh nhân như người thân của mình, chúng tôi luôn cố gắng vượt qua tất cả...”, Bác sỹ Nguyễn Tiến Hưng tâm sự.
Xem bệnh nhân như chính người thân của mình. |
Là người phụ trách và trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân nghiện chích heroin có nhiều bệnh nguy hiểm kèm theo như nhiễm HIV, lao, viêm gan B, C,... tính tình hung hăng, thất thường nhưng bác sỹ Nguyễn Phúc Đoan Trinh (Trưởng cơ sở điều trị Methadone số 2) vẫn không ngần ngại hay dè dặt. Hằng ngày, bác sỹ Trinh luôn tìm hiểu hết sức kỹ càng về tiền sử sử dụng heroin và các chất gây nghiện khác, tiền sử bệnh tật của bệnh nhân để quyết định liều methadone điều trị phù hợp; tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, tâm lý của bệnh nhân để kịp thời hỗ trợ thêm về tâm lý, cảm thông và thường xuyên động viên giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Anh luôn xem bệnh nhân như con em của mình, khi bệnh nhân gặp trở ngại luôn tìm mọi cách để hỗ trợ giúp đỡ. Luôn hết lòng cứu chữa và chăm sóc đến cùng những bệnh nhân nặng. Luôn có mặt kịp thời để chẩn đoán và điều trị, cứu sống nhiều trường hợp cấp cứu bất kể giờ nào trong ngày. Luôn động viện người bệnh và gia đình kịp thời, tìm cách giảm thiểu chi phí phải trả cho bệnh nhân vì đa số họ đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc điều trị lại phải kéo dài...
Với những y bác sỹ tận tâm và thương yêu bệnh nhân như người thân của mình thì sau những giây phút vất vả, đều cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đã làm. Có tận mắt chứng kiến sự vất vả, nhiệt tình và yêu thương bệnh nhân như người nhà của mình của những người thầy thuốc mới thấy hết tấm lòng trách nhiệm và hiểu thêm ý nghĩa 2 chữ “ lương y”.
T.Dũng