Phiên chợ trâu bò...
(Cadn.com.vn) - Chợ Nhe nằm ở một vùng quê nghèo (thuộc xã Vĩnh Lộc, H. Can Lộc, Hà Tĩnh) nhưng mỗi phiên có hàng trăm con trâu, bò từ khắp các vùng quê khác nhau đổ về đây, tạo nên một phiên chợ sầm uất. Chợ được họp vào các ngày 2, 7, 12... âm lịch hằng tháng.
Độc đáo chợ trâu bò
Ngày 17-9 (âm lịch), chúng tôi có mặt tại chợ Nhe. Mới mờ sáng, nhưng khắp các ngả đường từng đoàn người dắt trâu, bò vào cổng chợ và kẻ mua người bán diễn ra náo nhiệt cả một vùng quê. Ông Nguyễn Hồng Thái - Phó BQL chợ cho biết: "Phiên bắt đầu từ hôm nay, nhưng trâu bò được nông dân ở khắp các xứ dắt về từ mấy ngày trước. Chợ họp mỗi tháng 5 phiên vào các ngày 2, 7, 12, 17, 27 âm lịch hằng tháng. Lượng trâu, bò tại mỗi phiên từ 200-300 con.
Chợ nằm ở ngay trung tâm xã Vĩnh Lộc, diện tích chừng 10.000m2, là khu chợ trâu bò rộng, đông nhất tại địa bàn Hà Tĩnh. Từ chợ này, trâu, bò được mua đi bán lại cho các vùng trong và ngoài huyện. Đặc biệt, chợ này là nơi phù hợp cho các nông dân “ít tiền” mua trâu, bò về chăn dắt, làm giống. Mỗi lúc phiên chợ diễn ra, người dân địa phương tỏ ra rất háo hức đến chợ vì có họ là những người nông dân chỉ buôn bán nhỏ lẻ 1-2 con.
Trước khi mang ra chợ bán, những con trâu, con bò được tắm rửa sạch sẽ, cho ăn căng cứng trông rất bắt mắt. Anh Phạm Xuân Lương- một tay buôn nhỏ trong làng cho biết: Chợ trâu bò này là nơi diễn ra mua bán của những người nông dân, các tay buôn làm ruộng không đủ trang trải cuộc sống cũng đổ xô đi buôn trâu bò. “Nói là buôn chứ thật ra là vỗ béo trâu bò và bán vào những phiên kế tiếp kiếm ít tiền lời mà thôi”- anh Lương tâm sự.
Ở chợ này, chuyện cả nhà “đi buôn” là điều dễ nhận thấy. Chồng đi tìm hàng (chủ yếu là trâu bò gầy ốm), con cái chăn dắt, vợ thì cắt cỏ. Nếu gặp con nào hạp ăn thì họ sẽ vỗ béo trong 2-3 tuần rồi bán, lãi thu về từ 300.000 - 500.000 đồng. Nếu gặp phải con nào kén ăn hay bệnh tật thì họ sẽ bán tháo vào phiên kế tiếp với bất cứ giá nào.
Đối với nhiều nông dân, đi chợ còn là một thói quen để... nhìn trâu bò. Họ xem đây như một thú vui vì được nhìn thấy nhiều trâu bò đẹp, tốt giống. Những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, những cái bắt tay, tiếng kêu rống của trâu bò, tiếng mặc cả, cãi vã giữa dòng người bước vội... được biểu hiện qua phiên chợ.
Cú “vỗ mông” bạc triệu
Trong các thương lái tham gia mua trâu, bò ở phiên chợ này người ta phải kể đến lão D., 64 tuổi đời nhưng lão đã có thâm niên gần 40 năm ở phiên chợ bò này. Giờ tuổi đã cao, lão đến chợ bò để xem tướng chọn giống cho khách và nếu thấy con trâu, bò nào được giá thì lão cũng mua rồi về bán lại kiếm lời. Hôm chúng tôi đến, lão cũng có mặt. Đứng trên mô đất cao, lão mắt cứ chằm chằm quan sát con bò “hoa hậu” (con bò đẹp nhất - P.V) trong phiên chợ mà không nói một lời.
Phía dưới, đám người cứ vây quanh con bò cái ra nhiều giá khác nhau nhưng ông chủ dắt bò vẫn chưa hài lòng. Khi mọi người đi hết, lão D. bước xuống và tiến gần lại con bò “hoa hậu” rồi nheo mắt ngắm nhìn một cách đắm đuối. “Đốp”- lão giơ tay vỗ một phát mạnh vào mông, con bò “hoa hậu” chồm 2 chân trước lên cao, hai chân sau khuỵu xuống. Lão D. gật gật đầu rồi lên tiếng “con này nuôi nái được, năm triệu tám bán không?”.
![]() |
Một góc chợ trâu bò. |
Nghe lão D. trả, ông Hòe chủ bò phàn nàn: “Con bê đẹp ri mà lại trả có năm triệu tám, thêm ít giá nữa tui mới bán”. Không chịu xuống nước, lão D. xoay quanh con bò nhìn một lượt nữa rồi phán lại: "Đúng sáu triệu hai! Giá cuối!". Nghe vậy, ông Hòe bảo cậu con trai mở dây thừng dắt bê ra chỗ đất rộng, vuốt bộ mượt trên lưng rồi gật đầu: "Ừ! Vì hai đứa con học đại học cứ gọi điện về giục cha gửi tiền ra nạp lệ phí tui đành bán cho ông vậy.
Nuôi nó 3 năm hơn hai lứa, nay bán tiếc thật”. Nói rồi hai người ngồi xổm xuống đất tính tiền, viết giấy biên nhận sau đó dắt nhau lại quán uống xị rượu cho “suôn sẻ” đôi bên. Nhìn theo con bò của lão D. vừa mua, nhiều thương lái khác thèm thuồng nuối tiếc: “Con này “ngon” đấy, loại bò này về làm giống thì tốt. Vụ này lão D. về bán ít nhất cũng hốt bạc triệu rồi”. Phía ngoài chợ, khắp các ngả đường từng đoàn người dắt theo trâu bò đổ vào cổng chợ. Khi mặt trời đã ló dạng, phiên chợ được nêm chật kín người và la liệt trâu bò được buộc thành từng nhóm...
Bí quyết chọn trâu bò...
Người mua trâu bò về làm giống thường chọn mua trâu của người dân đem đến bán vì nó “thật giống” hơn, nó không bị “độ” và “sơn tút” các nhược điểm như trâu bò của thương lái. Ông Mai Văn Sới, một người rành chọn trâu bò cho biết, muốn mua trâu bò về thịt thì phải nhìn dáng, nhìn xương, con nào to béo, lông xù xì và sừng ngắn thì chọn, có thế thịt mới săn chắc, ít mỡ, xương nhỏ... Bí quyết là vậy, nhưng nếu người đi mua không rành, rất dễ bị đánh lừa, vì thông thường trước lúc đem bán, trâu bò đã được “tẩm bổ” một thời gian cho mập và bắt mắt, thậm chí một số người còn dùng sơn quét và cạo rửa để “tạo bong” cho trâu bò bán được giá.
Đấy là bí quyết để mua trâu bò thịt, việc chọn trâu bò giống phức tạp hơn nhiều, chỉ có “dân trong nghề” mới mua được con giống tốt, căn cứ vào màu lông, dáng, các chi tiết như đuôi, vú, răng... Việc đi chọn lựa giống trâu bò của người mua, người bán trong chợ ai cũng đều thuộc nằm lòng câu “Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà/Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”, đó là tiêu chí cần tránh hàng đầu vì thế họ lựa chọn rất cẩn thận.
Ngoài ra, họ rất kỵ loại “trâu cười” (đêm đến khi dùng đèn soi vào mặt thì nó nhe răng), hay trâu “tam tinh” (ba mắt - có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ ba), bò “bạch thiệt” (trắng lưỡi) hay bò “đốm đuôi” (đuôi bị trắng)... Loại trâu bò được ưa chuộng nhất là “mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”, là giống tạp ăn, dễ nuôi. Nếu ai mua nhầm phải trâu bò “nghịch” thì sẽ phải “thẩm mỹ” cho nó để che mắt thiên hạ, nếu không được thì phải chịu bán giá “bèo bọt” cho các thương lái.
Xế trưa, phiên chợ tan dần. Chỉ còn lại mùi ngai ngái của chất thải từ hàng trăm trâu bò để lại... Có tiếng ai đó hẹn nhau: “5 ngày sau gặp lại”...
V.Tuân