Philippines chật vật cứu trợ
(Cadn.com.vn) - Người dân Philippines đang đếm ngược từng giờ chờ cứu trợ khi họ đã 4 ngày sống “không điện, không nước, không thực phẩm”.
Có lẽ, không ai có thể nói trước được rằng, phải mất bao nhiêu thời gian, người dân Philippines mới có thể hồi phục và đứng dậy sau siêu bão Haiyan.
Họ đã bất lực trước sức tàn phá của thiên nhiên. Không điện. Không thức ăn. Không nước. Nhà cửa và các tòa nhà san bằng. Các bệnh viện quá tải. 4 ngày trôi qua. Hàng loạt thi thể vẫn nằm rải rác trên các đường phố ở Tacloban, dưới ánh mặt trời nóng nực làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Nhói lòng khi các con số thống kê cho thấy, cứ 5 xác chết tìm thấy, có đến 2 là trẻ em.
Quân đội Mỹ chuyển hàng cứu trợ đến thành phố Tacloban từ sân bay Manila. Ảnh: CNN |
“Hãy cứu chúng tôi”
Một không khí hỗn loạn bao trùm Philippines khi các lực lượng an ninh địa phương phải vật lộn để trấn áp tình trạng cướp bóc, hôi của ở Tacloban.
Ngày 11-11, những người sống sót kéo về trung tâm Tacloban, cầu xin sự giúp đỡ, vơ vét thực phẩm, nước uống, thuốc men; đe dọa, cướp bóc hàng hóa từ lực lượng quân sự và cứu hộ. Mặc dù Tổng thống Benigno Aquino triển khai hàng trăm binh sĩ tại thành phố cảng này để dập tắt nạn cướp bóc, song “lực bất tòng tâm”. “Tacloban bị phá hủy hoàn toàn. Một số người đang mất đi lý trí vì đói hoặc mất gia đình”, giáo viên trung học Andrew Pomeda, 36 tuổi, nói với AFP, cảnh báo về sự tuyệt vọng ngày càng tăng của những người sống sót. Ông cho biết, “mọi người đang trở nên bạo lực. Tôi sợ rằng trong một tuần, mọi người sẽ giết nhau vì đói”.
Reuters đưa hình ảnh hàng chục người dân giơ những bàn tay yếu ớt cầu xin giúp đỡ tại cửa sân bay Tacloban. “Hãy giúp chúng tôi. Tổng thống Aquino ở đâu. Chúng tôi cần nước”, một phụ nữ hét lên. “Khi nào chính phủ mới thu dọn các tử thi trên các đường phố”, một người khác gào lên.
Bão khác đang tới, cứu hộ gặp khó
Mọi việc đang rất hỗn loạn nhưng hy vọng sẽ sớm ổn định hơn khi nguồn cung thực phẩm và nước uống đến nhiều hơn, một quan chức Tacloban nói với Reuters. Các con đường hiện đã được giải tỏa một phần, cho phép nhân viên cứu trợ đến các khu vực ảnh hưởng nặng nhất.
Hiện, máy bay Mỹ cùng với lực lượng thủy quân lục chiến đã có mặt tại Philippines, dấu hiệu cho thấy, một nỗ lực cứu trợ quốc tế quy mô lớn đã được thiết lập. Ngoài Việt Nam, là một trong những quốc gia đầu tiên gửi tiền hỗ trợ Philippines, các nước như Australia, Anh... cũng cam kết quyên góp hàng triệu USD cho Manila.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cam kết đáp ứng nhanh chóng mọi nhu cầu của Manila. Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) đang xây dựng đường ống hậu cần để vận chuyển thực phẩm và các mặt hàng cứu trợ khác đến cho người dân ở vùng thảm họa Tacloban. Phát ngôn viên WFP Bettina Luescher cho biết, họ đã chuẩn bị nguồn lực để gửi đủ lương thực nuôi 120.000 người
Tuy nhiên, các lực lượng cứu hộ phải vật lộn để có thể đến được một số thị trấn và làng mạc vốn bị cô lập kể từ sau bão. Hiện đường sá, sân bay, cầu cống bị phá hủy hoặc bị bao phủ trong đống đổ nát. Nỗi lo hậu siêu bão Haiyan chưa qua, Philippines lại chuẩn bị gồng mình đón cơn bão mới - bão Zoraida - được dự báo sẽ hoành hành nước này từ hôm nay (12-11) mang theo những trận mưa lớn hơn, cản trở nỗ lực cứu trợ. Sự chán nản bao trùm khi bão dự kiến sẽ đổ bộ lên phía nam Mindanao cuối ngày 12-11, sau đó di chuyển trên các hòn đảo trung tâm của Bohol, Cebu, Negros và Panay, tất cả đều đã bị thiệt hại sau bão Haiyan.
Số người chết có thể tăng cao
Tổng thống Aquino, phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất kể từ khi lên cầm quyền năm 2010, từng tuyên bố chuẩn bị “như thời chiến” để hạn chế thương vong thấp nhất. Vì thế, ông đã tỏ ra rất bực tức khi có những báo cáo mâu thuẫn về số người thương vong.
Chính quyền Manila hiện không xác nhận con số ước tính 10.000 người đã chết, nhưng tổng số người chết do siêu bão Haiyan, một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi lại, rõ ràng là cao hơn so với con số chính thức hiện tại là 255. Lực lượng vũ trang ở miền Trung Philippines hôm 11-11 báo cáo số người chết là 942. Tuy nhiên, theo Reuters, số người chết có thể tăng cao nhanh chóng khi đội cứu hộ tới các làng xa dọc theo bờ biển, chẳng hạn như Guiuan, một thị trấn ở tỉnh Đông Samar với dân số 40.000 đã bị phá hủy phần lớn.
Trong khi đó, gần 500 người được xác định đã chết tại Samar. Đó là chưa kể đến Baco, một thành phố có 35.000 người thuộc tỉnh Oriental Mindoro, 80% bị chìm trong biển nước, một nhóm viện trợ của Mỹ cho biết. Một quan chức của một nhóm Tầm nhìn Thế giới, cho biết, đã có báo cáo đầu tiên cho thấy, gần như 90% phía bắc Cebu đã bị phá hủy.
Rõ ràng, xem những báo cáo sơ bộ này, có thể thấy, số người chết không dừng lại ở con số 10.000.
Khả Anh