“Ngày tận thế” ở Philippines

Thứ hai, 11/11/2013 09:42

* Có thể hơn 10.000 người đã chết vì siêu bão Haiyan

(Cadn.com.vn) - Những cảnh tượng mang tính hủy diệt tưởng chừng chỉ có trong phim về “ngày tận thế 2012” lại hiện diện thực tế ở Philippines sau khi siêu bão Haiyan quét qua.

Mặc dù Tổng thống Aquino đã tuyên bố chuẩn bị và đối phó với siêu bão Haiyan như “thời chiến”, mọi việc dường như đã vượt quá khả năng của con người. Philippines thật tang thương và tội nghiệp.

Hội Chữ thập đỏ Philippines ước tính, ít nhất 1.200 người thiệt mạng vì siêu bão Haiyan, song Thị trưởng thành phố Tacloban, ông Alfred Romualdez nói với CNN rằng, 10.000 người “có thể” đã chết. Mặc dù vậy, theo nhiều nguồn tin, số người chết còn có thể tăng cao hơn nữa. Bởi lẽ, hiện hầu hết các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề và các đảo khác bị cắt đứt liên lạc khiến giới chức Manila gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực thống kê con số thương vong.

Thảm họa thảm khốc nhất lịch sử Philippines

Haiyan là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Philippines và có thể là cả thế giới. “Tính chất đặc biệt” này của Haiyan khiến không chỉ Philippines và nhiều nước, trong đó có Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhà Trắng trong những ngày qua “đứng ngồi không yên”. Và nó thật sự chứng tỏ khả năng hủy diệt kinh hoàng.

Một cảm giác xót xa xen lẫn sợ hãi khi xem những hình ảnh chết chóc trên đường phố Tacloban thuộc đảo Leyte – nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hầu hết số người chết theo ước tính 10.000 đều là dân thành phố Tacloban này. Đài truyền hình ABS-CBN chiếu cảnh hàng loạt xác người nằm ngổn ngang dưới những đống đổ nát trên các tuyến phố. Đài truyền hình ABS-CBN dẫn lời Ted Failon, người duy nhất báo cáo tình hình ở Tacloban ngay sau khi bão đổ bộ, cho biết, sức tàn phá của Haiyan “như sóng thần ở Nhật Bản năm 2011”. Thật sự, cảnh tượng trên đảo Leyte giống như vừa bị sóng thần quét qua.

Hàng loạt thi thể trong một nhà thờ tại thành phố Tacloban...

Trong khi đó, tại làng Torotoro, hàng loạt thi thể nằm rải rác dọc theo con đường chính lầy lội trong khi những người may mắn sống sót giành giật nhau những gì còn sót lại của những ngôi nhà đổ nát. Phó Thị trưởng Jim Pe của thị trấn Coron ở Busuanga, hòn đảo cuối cùng bị siêu bão tàn phá trước khi tiến vào biển Đông, cho biết, hầu hết các nhà và các tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hỏng. “Cảm giác như một máy bay 747 bay ngay trên mái nhà vậy”, ông mô tả về những cơn gió rít và gào thét với hãng tin AP.

Đài truyền hình ABS-CBN chiếu những hình ảnh cho thấy, gió quật ngã những ngôi nhà trong khi ô-tô bị ném đi như những nhúm cỏ lăn lóc trên đường. Đường phố tràn ngập đống đổ nát và nước. Hình ảnh những người may mắn sống sót khóc lóc thảm thiết bên thi thể người thân thật nhói lòng. Đường phố hoang tàn với cây đổ, nhà sập, xe ngổn ngang sau cơn cuồng nộ của Haiyan. Phóng viên James Reynolds – chuyên gia “săn bão” của hãng tin CNN mô tả mọi việc xảy ra ở thành phố Tacloban như “ngày tận thế”. “Khi trời tối, thành phố bốc cháy. Nước và nước, ở khắp mọi nơi - nhưng cũng không đủ dập tắt đám cháy”, Reynolds mô tả. Theo phóng viên Reynolds, nước biển sau đó dâng cao lên hơn 10m, càn quét cả thành phố nhỏ này và khiến nhiều người chết đuối.

...trong khi hàng chục ngàn người may mắn sống sót đang cần cứu trợ khẩn cấp. Ảnh: Reuters

Người dân kêu cứu, cướp bóc

Sau siêu bão, nỗi lo thiếu đói và bệnh tật đang rình rập Philippines.

Cơ quan cứu trợ thiên tai Philippines ngày 10-11 cho biết, khoảng 4,4 triệu người trở thành vô gia cư và cần giúp đỡ. 403.503 người đang phải sống tại 1.425 trung tâm sơ tán, Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro thảm họa quốc gia (NDRRMC) cho biết thêm. Đến chiều 10-11, nhiều nơi vẫn chưa có điện. Hệ thống thông tin liên lạc tại thành phố Tacloban và các khu vực bị ảnh hưởng khác tại Leyte vẫn tắc nghẽn. Hệ thống giao thông trắc trở khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn. Phát ngôn viên NDRRMC Rey Balido cho biết, sân bay Tacloban vẫn đóng cửa. “Chỉ có duy nhất một máy bay hạ cánh, đó là máy bay quân sự mang hàng cứu trợ đến Leyte”, ông nói.

Việt Nam viện trợ khẩn cấp 100.000 USD cho người dân Philippines

Ngày 10-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Benigno Aquino đồng thời quyết định trước mắt viện trợ khẩn cấp 100.000 USD cho người dân Philippines bị nạn do siêu bão Haiyan. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện thăm hỏi tới người đồng cấp Albert F. Del Rosario.

Tuy nhiên, cho đến nay, đã 3 ngày sau bão, rất nhiều người sống sót sau trận bão không tiếp cận được cứu trợ. Tình hình nguy cấp này làm bùng nổ nạn cướp bóc. Theo báo Inquirer, người dân địa phương giống như những con thiêu thân lao vào trung tâm mua sắm Gaisano, các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng trong thành phố để cướp đồ ăn, nước uống và những vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Họ còn lấy cắp tiền từ máy rút tiền ATM trong thành phố. Dường như, mọi luật lệ đang trở nên vô nghĩa trong thời điểm này.

Tổng thống Benigno Aquino III tuyên bố, ưu tiên của chính phủ hiện nay là để khôi phục lại điện và thông tin liên lạc trong các khu vực bị cô lập để có thể cứu trợ và trợ giúp y tế cho các nạn nhân. Rõ ràng, đó là điều người dân ở những khu vực ảnh hưởng do bão Haiyan cần nhất vào lúc này. Ngày 10-11, Tổng thống bay đến Tacloban và Roxas để kiểm tra những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phân phối hàng cứu trợ. Quân đội điều 100 binh sĩ cùng tham gia nỗ lực khôi phục an ninh trật tự tại Tacloban cùng với cảnh sát.

Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ mạnh mẽ cho Philippines. Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ cung cấp hỗ trợ về nguồn lực hải quân và hàng không sau khi có đề nghị trực tiếp từ chính quyền Manila để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn khẩn cấp. Vương quốc Anh cũng cho biết viện trợ ít nhất 414 triệu peso (9,58 triệu USD) cho Philippines.                

Khả Anh