Philippines ngày quyết chiến

Thứ ba, 30/05/2017 08:02

(Cadn.com.vn) - Lá cờ màu đen của tổ chức khủng bố IS đã bay trên nóc các tòa nhà chính quyền và các trường học bị phiến quân Hồi giáo chiếm giữ ở thành phố Marawi của Philippines. Cho đến nay, ít nhất 103 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 7 ngày qua giữa nhóm phiến quân Maute có liên hệ với IS và quân đội chính phủ Philippines.

Ngày 29-5, các lực lượng an ninh Philippines bắn súng hạng nặng nhằm vào các phiến quân Hồi giáo tại thành phố Marawi nhằm chiếm lại Marawi càng sớm càng tốt, trong bối cảnh bùng nổ những lo ngại về khả năng 2.000 người bị mắc kẹt tại khu vực do phiến quân kiểm soát.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi lực lượng Hồi giáo ly khai và phe nổi dậy tại nước này tham gia cuộc chiến của chính phủ chống những tay súng có quan hệ với IS. Với những quan ngại đang gia tăng về việc IS đang tìm cách hiện diện tại Philippines, ông Duterte đề nghị trả tiền, thậm chí là cung cấp nơi ở cho các phiến quân thuộc những nhóm từ lâu đã chống đối nhà nước Philippines, nếu họ tham gia chiến đấu nhằm đánh bại kẻ thù chung là nhóm phiến quân Maute. Theo ông Duterte, ý tưởng về việc binh sĩ chính phủ và các lực lượng phiến quân chiến đấu cùng nhau xuất phát từ thủ lĩnh một trong những nhóm ly khai.

Phe phiến quân treo cờ đen của IS lên nóc một ngôi trường mà chúng chiếm giữ ở Marawi.
Ảnh: CNN

HƠN 2.000 NGƯỜI BỊ MẮC KẸT

Đã 7 ngày trôi qua, các cuộc chiến trên đường phố và chiến dịch ném bom quân sự vẫn không thể giúp kết thúc cuộc khủng hoảng ở Marawi, một trong những thành phố Hồi giáo lớn nhất ở Philippines. Trong khi đó, các nhà chức trách báo động về số phận của những người bị mắc kẹt.

AFP dẫn lời ông Zia Alonto Adiong, phát ngôn viên Ủy ban quản lý khủng hoảng cấp tỉnh, cho biết: “Người dân đã nhắn tin cho chúng tôi và kêu gọi giúp đỡ. Khoảng 2.000 người mắc kẹt tại những khu vực bị các phiến quân chiếm giữ”. Theo nguồn tin, họ không thể rời đi vì sợ bị chặn tại các trạm kiểm soát do các tay súng phiến quân lập ra. Các tay súng phiến quân đã giết chết ít nhất 19 dân thường, gồm cả phụ nữ và trẻ em. Myrna Bandung, một phụ nữ Công giáo, đã nói với các phóng viên tại một trạm kiểm soát hôm 29-5 rằng, cô đi cùng với một nhóm người ra khỏi thành phố nhưng nhóm người này đã bị giết. “Họ không giết tôi vì tôi có thể đọc kinh cầu nguyện Hồi giáo, những người khác không may mắn như vậy. Hầu hết cư dân thành phố đã chạy trốn đến các thị trấn gần đó”, Bandung nói.

Mối lo xung đột leo thang ngày càng tăng khi quân đội tuyên bố sẽ tăng cường chiến dịch ném bom tại các khu vực do các phiến quân kiểm soát. Khi được hỏi về mối lo sợ thường dân bị trúng bom, phát ngôn viên quân đội Restituto Padilla nhấn mạnh, các cuộc không kích được thực hiện với độ chính xác cao. Trong khi đó, một phóng viên của AFP nghe thấy tiếng súng dữ dội vào chiều 29-5 gần trường đại học chính ở Marawi, và thấy khói mù mịt bay lên dù ở khoảng cách xa.

Cho đến nay, hầu hết cư dân thành phố đã tháo chạy. Hình ảnh ở Marawi là hàng dài ô-tô chồng chất người và vật dụng chờ di tản trong khi xe tăng và thiết giáp quân đội đi theo hướng ngược lại.

Người dân tháo chạy khỏi Marawi. Ảnh: CNN

MỐI NGUY HIỂM ĐẾN TỪ IS

Cờ màu đen của tổ chức khủng bố IS đã bay trên nóc các tòa nhà chính quyền và các trường học bị phiến quân Hồi giáo chiếm giữ ở thành phố Marawi của Philippines.

Mặc dù các nhóm Hồi giáo và các nhóm tội phạm hoạt động trong khu vực biên giới giữa Philippines, Malaysia và Indonesia trong nhiều năm, một cuộc tấn công táo bạo và mạnh mẽ như thế này từ các phiến quân trung thành với IS khiến giới quan sát thật sự bất ngờ. Điều này làm gia tăng mối lo hình thành nhánh IS ở Đông Nam Á. “Những gì đang xảy ra ở Mindanao không còn là cuộc nổi dậy của người dân Philippines, nó đã chuyển hóa thành sự xâm nhập của những kẻ khủng bố nước ngoài. Chúng muốn biến Mindanao thành một phần của vương quốc Hồi giáo”, Luật sư trưởng Chính phủ Philippines Jose Calida nói tại cuộc họp báo.

Trong khi IS vẫn chưa tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo ở Philippines như đã làm ở Libya và Saudi Arabia, nhiều nhà phân tích tin rằng, đây chỉ là vấn đề thời gian. Theo ông Rohan Gunaratna, người đứng đầu Trung tâm Bạo lực Chính trị ở Singapore, ảnh hưởng của IS lan rộng khắp Đông Nam Á trong những năm gần đây, với hơn 60 nhóm trong khu vực cam kết trung thành với thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi.

Vụ tấn công tự sát hồi tuần trước ở thủ đô Jakarta của Indonesia, vốn khiến 3 cảnh sát thiệt mạng, là một ví dụ. Trong khi ở Malaysia, 6 nghi phạm phiến quân IS đã bị Bộ phận chống Khủng bố của Mỹ đưa vào chiến dịch hoạt động đặc biệt. Các vụ tấn công gần đây khác bao gồm vụ nổ lựu đạn ở một quán bar gần Kuala Lumpur, cũng được cho là do mạng lưới khủng bố của IS gây ra.

Khả Anh