Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Thứ sáu, 17/10/2014 07:20

(Cadn.com.vn) - Hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2014 diễn ra từ ngày 15 đến 17-10 tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều nhà đầu tư quốc tế, các Quỹ đầu tư mà tập đoàn VinaCapital đang quản lý cùng các đối tác khác. Tại Hội nghị, các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận thông tin cập nhật nhất về toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thị trường vốn, thị trường bất động sản, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và tầm nhìn dài hạn trong lĩnh vực phát triển công nghệ - điện tử... cũng như mô hình mới về việc đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Hội nghị là một dịp tốt để các nhà đầu tư trao đổi, nhìn nhận về các triển vọng phát triển trong thời gian tới của nền kinh tế để có được những đánh giá, nhận định phù hợp, từ đó tìm kiếm được những cơ hội đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho mình”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các nhà đầu tư tham dự hội nghị.

Phó Thủ tướng nhận định, Việt Nam là một trong 20 nước ổn định chính trị nhất trên thế giới. Về tăng trưởng kinh tế, trong suốt 10 năm qua Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng GDP ở mức 7-8%/năm và gần đây trong khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chịu tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP bình quân 5-6%/năm và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô với tỷ lệ lạm phát thấp, khoảng 6-7%.

* Tại báo cáo đầu tư thế giới năm 2014 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), dựa trên kết quả điều tra 164 Tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) lớn trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 9 trên thế giới về mức độ hấp dẫn đầu tư, tăng 2 bậc so với năm 2013 (năm 2013 xếp thứ 11).

Về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014, Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp vị trí 68/144 quốc gia, tăng 2 bậc. Trong đó có các tiêu chí cải thiện gồm: kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hiệu quả hoạt động, cơ sở hạ tầng giao thông - năng lượng, mức độ công nghệ, thị trường lao động và chống tham nhũng.

Việt Nam đã trở thành một địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài (đã có 101 quốc gia, lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với hơn 17.000 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 242 tỷ USD). Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn có nhiều khó khăn thách thức: lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; nợ xấu ngân hàng thương mại còn cao (khoảng 4,17%), hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng là 48.330 doanh nghiệp...

Phó Thủ tướng cho biết, trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để đạt được các mục tiêu: GDP sẽ tăng khoảng 6,2% so với năm 2014; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2014 trong khi tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; FDIs thực hiện khoảng 9 tỷ USD; ODA ký kết năm 2015 dự kiến đạt hơn 5 tỷ USD...

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ và các bộ, ngành đang tiếp tục rà soát hệ thống luật pháp chính sách để sửa đổi các mâu thuẫn, chồng chéo và giảm thiểu các thủ tục hành chính nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn và tăng cường quản lý hiệu quả đầu tư công. Đẩy mạnh công tác theo dõi, đánh giá các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút vốn FDI, nhất là các dự án lớn, các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

“Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020, theo đó chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2015 và 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam lần lượt đạt trên 55% và 70%”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam đã tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do với EU, Khối thương mại tự do Châu Âu, Hàn Quốc và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt, năm 2015 khi cộng đồng ASEAN được hình thành sẽ đưa ASEAN thành một thị trường chung với sự tự do di chuyển của vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động... tới năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.

“Việc này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư để xuất khẩu hàng hóa sang các nước đối tác của Việt Nam với mức thuế suất thấp và các hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ”- Phó Thủ tướng nói. “Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực chỉ đạo để hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực đầu tư với mục đích là tạo môi trường thuận lợi tối đa cho các Nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đánh giá cao và hỗ trợ hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với các nhà đầu tư để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, từ đó có các biện pháp hỗ trợ kịp thời”.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đánh giá cao năng lực, tính chuyên nghiệp trong các hoạt động gây quỹ, huy động vốn, hoạt động tìm kiếm, triển khai các dự án đầu tư, cũng như tính cam kết, tầm nhìn lâu dài của Tập đoàn VinaCapital tại Việt Nam. Đây là Hội nghị Thường niên các nhà đầu tư lần thứ 9 của VinaCapital, kể từ lần đầu tiên được tổ chức năm 2003.

Đặc biệt năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã dành rất nhiều quan tâm cho các cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam và hiện đã có gần 20 đại diện của các tập đoàn tài chính và đầu tư quy mô lớn đăng ký tham dự các chương trình của Hội nghị của tập đoàn VinaCapital.

B.T