Phòng Bảo vệ chính trị CATP Đà Nẵng: "Nuôi quân ba năm, dụng một giờ"…

Thứ năm, 21/01/2016 09:00

(Cadn.com.vn) - Đắn đo, cân nhắc mãi, Đại tá Nguyễn Duy Lân- Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị (BVCT) CATP Đà Nẵng - một trong 3 đơn vị được Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen vì đã có thành tích xuất sắc tham gia điều tra vụ án giết người Trung Quốc vừa qua mới đồng ý kể cho tôi ít nhiều tình tiết phía sau chiến công xuất sắc của đơn vị. Cũng dễ hiểu thôi, bởi, với một đơn vị nghiệp vụ hết sức đặc thù trong lực lượng an ninh, việc kể về thành tích hay chiến công còn khó hơn cả quá trình lập được chính nó.

Năm 2015, Phòng BVCT là một trong những tập thể thuộc CATP Đà Nẵng được Tổng cục Chính trị CAND tặng "Cờ thi đua xuất sắc".

Nói ít, làm nhiều!

Khác hẳn khi viết về chiến công của các lực lượng cảnh sát, theo chủ quan của người cầm bút, tôi cho rằng dễ thể hiện hơn vì những chiến công của họ thường gắn liền với các vụ án, đối tượng hình sự cụ thể, và sau mỗi vụ việc viết bài tuyên truyền cũng khá thuận lợi và có thể công khai. Tuy nhiên, khi viết về lực lượng an ninh, cụ thể ở đây là Phòng Bảo vệ chính trị, do đặc thù nên không thể nói nhiều về công việc đã làm, nhất là với báo chí. Với họ, khi bước vào cuộc chiến phải lặng lẽ, âm thầm tận hiến những giọt mồ hôi, cả những hy sinh đời thường ít ai biết đến. Và rồi khi thành công, thì chiến công đó cũng hoàn toàn nằm trong vòng "không để ai biết". Lời nói "thật như đùa" của Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Phòng BVCT cũng đã hàm chứa tất cả: "Cỡ khoảng vài chục năm sau, nếu chúng tôi được công khai kể lại những việc đã làm chắc khi ấy viết báo hay phải biết!".

Trở lại câu chuyện đang còn dang dở, tôi hỏi Đại tá Nguyễn Duy Lân, rằng anh có thể sơ bộ một vài chi tiết nào đó, ví như trong công tác phối hợp điều tra vụ giết nạn nhân Li Mu Zi vừa qua không, để ít ra bạn đọc cũng hiểu được một phần công sức của lực lượng BVCT?. Sau một thoáng băn khoăn, anh cũng dần cởi bỏ được sự dè dặt ban đầu. Anh bảo, nói chuyện này không phải kể công hay muốn giành lấy thành quả về mình, mà chỉ mong muốn thông qua đó, mọi người có thể hiểu hơn phần nào công việc của lực lượng an ninh. Số là sau khi vụ án giết người xảy ra tại P. An Hải Đông (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) vào tháng 11-2015, đặc biệt khi nạn nhân lại là người Trung Quốc thì tính chất vụ án lúc bấy giờ được Giám đốc CATP xác định không chỉ đơn thuần là án hình sự, thậm chí khi vừa xảy ra, trên mạng xã hội, kẻ xấu đã tung tin thất thiệt cho rằng chính quyền có liên quan đến vụ việc, một số nhà đầu tư, doanh nhân Trung Quốc tỏ ra rất lo ngại vì sợ ảnh hưởng đến lượng khách du lịch Trung Quốc, bởi lâu nay Đà Nẵng vẫn được coi là nơi an bình, tình hình ANTT được đảm bảo tốt. Vì vậy, sớm làm rõ bản chất, nguyên nhân và truy bắt hung thủ để "giải tỏa" những nghi vấn ban đầu ấy là hết sức quan trọng, bởi nó liên quan đến người nước ngoài. "Việc Giám đốc CATP quyết định thành lập Ban chuyên án, trong đó có lực lượng an ninh tham gia phá án là một quyết định hết sức sáng suốt", Đại tá Nguyễn Duy Lân nhấn mạnh.

Tập thể lãnh đạo, CBCS Phòng BVCT CATP Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay.

Thầm lặng góp chiến công…

Nhận nhiệm vụ của Trưởng Ban chuyên án, Phòng BVCT đã chỉ đạo CBCS sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, huy động tối đa các nguồn thông tin. Qua các nguồn tin này, Phòng đã phối hợp với nhiều lực lượng khác, trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát hình sự và chỉ sau 4 giờ đã nhanh chóng tổ chức xác minh ra manh mối quan trọng, được xem là "chìa khóa" của vụ án, đó chính là A Đức (tức Xu Xian De), là bạn làm ăn và có gặp nạn nhân Li Mu Zi trước khi vụ án xảy ra một ngày. Nếu thông tin trên chậm một chút thôi thì A Đức đã kịp trốn thoát, khi đó việc điều tra sẽ rất khó khăn.

Khi nắm được thông tin về A Đức, Phòng BVCT ngay lập tức báo cho Ban chuyên án, đồng thời trực tiếp tham gia truy tìm A Đức. Ban đầu, khi thấy A Đức tìm cách bỏ trốn, Ban chuyên án đặt ra giả thuyết có thể y là nghi phạm chính, vì vậy, việc tìm ra A Đức chính là "chìa khóa" quan trọng nhất. Tất nhiên nói thì dễ nhưng làm mới khó, khi mà thông tin về A Đức nắm được không nhiều, hơn nữa, y lại đang di chuyển liên tục qua các địa bàn khác nhau để tìm cách về nước. "Từ khi vụ án xảy ra cho đến khi xác định được nghi phạm chỉ mất khoảng 8 đến 10 ngày, nhưng phần lớn thời gian đó là dành cho tổ công tác đi các tỉnh phía Bắc xác minh. Việc lần tìm và phát hiện ra A Lảng (nghi phạm chính) giống như tìm kim đáy bể. Phải mất rất nhiều mồ hôi công sức, tổ công tác mới tìm ra manh mối vợ hung thủ Feng Long Chun (thường gọi là Phùng Long Xuân hay A Xuân, A Lảng), từ đó xác định được danh tính nghi phạm, đồng thời thuyết phục vợ nghi phạm cộng tác với lực lượng điều tra, tác động chồng về Việt Nam đầu thú", Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, người trực tiếp cùng tổ công tác ra các tỉnh phía Bắc kể lại.

Đại tá Lân nhìn nhận, việc khám phá thành công chuyên án trên "là một bản đồng ca, sự hợp đồng tác chiến tuyệt vời của toàn lực lượng CATP Đà Nẵng nói riêng, lực lượng an ninh trên toàn quốc nói chung". Về phía lực lượng an ninh, Ban chuyên án đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các Phòng BVCT CA các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam… và các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ, cả về quan hệ lẫn phương tiện di chuyển. Thậm chí, đồng chí Cục trưởng Cục BVCT I đã ghi trong đề xuất của Ban chuyên án khi trưng dụng xe của đơn vị rằng: "Hỗ trợ cho CA Đà Nẵng vô điều kiện!". Hoặc như đồng chí Cục trưởng Cục BVCT IV và Cục trưởng V12 (Bộ Công an) cũng đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng phối hợp hết sức hiệu quả trong vụ án này. Ngoài ra, khi xác định được hung thủ Feng Long Chun đang lẩn trốn tại nước ngoài, lực lượng an ninh đã phối hợp với phía bạn để xác định nơi lẩn trốn, tổ chức giám sát mọi di biến động, đồng thời tạo điều kiện để đối tượng ra đầu thú. "Thành tích trên là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa hai lực lượng an ninh và cảnh sát, qua đó khẳng định, củng cố được thương hiệu của CATP Đà Nẵng trong nhiều năm qua", Đại tá Nguyễn Duy Lân nói.

Đối với lực lượng BVCT, qua bài viết này chúng tôi chỉ mới phác họa được những nét cơ bản chiến công của họ qua một vụ án cụ thể, còn để chi tiết, đầy đủ hơn thì chỉ có những người trong cuộc mới hiểu. Với thành tích 8 năm liền là "Đơn vị Quyết thắng", được nhận nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, Đại tá Nguyễn Duy Lân nói rằng, khẩu hiệu "nuôi quân 3 năm hành động 1 giờ" luôn được lãnh đạo đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện và trong thực tiễn đã diễn ra như vậy, đơn vị đã liên tục lập nhiều thành tích đáng ghi nhận. "Khi có việc là tập thể lãnh đạo cũng như CBCS cùng đoàn kết, thống nhất mệnh lệnh, trên dưới một lòng, chủ động, sáng tạo và hết lòng vì nhiệm vụ được giao", Đại tá Lân đúc kết.

Doãn Hùng