Phòng chống sốt xuất huyết - chuyện không của riêng ai

Thứ bảy, 10/10/2015 10:57

(Cadn.com.vn) - Bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP Đà Nẵng trong những năm qua đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Mới bước vào đầu mùa mưa song đã có những ca SXH được ghi nhận.

Việt Nam sẽ có vaccine phòng sốt xuất huyết

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết: Sau hơn 5 năm thí điểm tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả vaccine SXH ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca SXH nhập viện và 93% ca SXH nặng. Đối với nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả thấp hơn, đạt 44%, ngừa được 56% ca SXH nhập viện và 67% ca SXH nặng. Các phản ứng sau tiêm chủng của vaccine SXH là tương đương hoặc thấp hơn so với các vaccine đang lưu hành. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy vaccine này không gây bất kỳ biến cố nghiêm trọng nào.

Đây là dự án thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của vaccine mới ngừa SXH (CYD14) do Tập đoàn Sanofi Pasteur (Pháp) phối hợp Viện Pasteur TPHCM thực hiện tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang). Việt Nam là một trong 5 quốc gia tại khu vực Châu Á tham gia trong giai đoạn III của tiến trình thử nghiệm với 2.336 trẻ từ 2 - 14 tuổi tình nguyện tham gia nghiên cứu.

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Dựa vào kết quả nghiên cứu trong thời gian qua, nhà sản xuất vaccine đang tiến hành đăng ký lưu hành sản phẩm cho nhóm người từ 9 tuổi trở lên để ngừa bệnh SXH, ưu tiên tại các quốc gia đã tiến hành nghiên cứu giai đoạn III, trong đó có Việt Nam. Điều này được dự đoán sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác hại do SXH gây ra trên toàn cầu trong thời gian tới.

P.V

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, dịch SXH có phát triển hay bị đẩy lùi không thể chỉ trông chờ vào ngành Y tế, mà cần nhận được sự quan tâm, phối hợp của cộng đồng.

Không thể xem nhẹ mức độ nguy hiểm của  dịch SXH nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ tử vong. Có chứng kiến được sự quá tải bệnh nhân SXH tại các bệnh viện, trung tâm y tế, sự hao tổn sức lực nghiêm trọng của những người bệnh... mới thấy được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này. Dịch SXH không từ một ai cả.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng dịch SXH bùng phát như hiện nay là vấn đề vệ sinh môi trường trong khu vực dân cư, trong hộ dân không đảm bảo ở nhiều địa phương. Ngay cả các cơ quan, công sở, nhiều nơi cũng chưa quan tâm phòng chống SXH. Nhiều đơn vị để phát sinh loăng quăng, muỗi rất nhiều từ các vũng nước đọng trên sân thượng, vật liệu phế thải...

Trong mỗi hộ dân qua kiểm tra còn sự chủ quan và xem nhẹ việc diệt bọ gậy, loăng quăng còn thể hiện rõ hơn nữa. Một tồn tại khác cũng chưa được khắc phục là người dân tuy có hiểu biết về phòng SXH nhưng còn chủ quan hoặc chưa thật sự quan tâm và không có hành động cụ thể, có khi còn trông chờ, ỷ lại vào các biện pháp y tế như phun xịt hóa chất.

Tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy để ngăn ngừa muỗi phát triển là biện pháp phòng chống SXH hữu hiệu nhất. Ảnh: Lê Hùng

Phòng chống  dịch SXH sẽ không có hiệu quả  khi làm theo kiểu “hô khẩu hiệu”, xây dựng kế hoạch chung chung, có khi kế hoạch đưa ra nhưng chẳng giám sát, kiểm tra thường xuyên để đánh giá hiệu quả. Càng không nên “khoán trắng” công tác phòng chống SXH cho ngành Y tế.

 Để phòng SXH, đơn giản và dễ làm nhất là  không tạo nơi cho muỗi sinh sôi nảy nở. Có rất nhiều cách diệt và ngăn ngừa muỗi phát triển như dọn dẹp nhà cửa sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng... Những cách làm trên không khó miễn là có quyết tâm và có nhận thức một cách nghiêm túc.

Có thể khẳng định, phòng chống SXH chỉ thực sự hiệu quả khi có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp, và đặc biệt là sự tham gia tích cực của mỗi người dân, chứ không chỉ ỷ lại vào cơ quan y tế. Đà Nẵng đã bước vào đầu mùa mưa, hơn lúc nào hết, sức mạnh của cộng đồng vốn là thế mạnh của thành phố cần được phát huy thông qua việc ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.

Dân Hùng