Phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa trong sinh viên Huế
(Cadn.com.vn) - Chương trình khởi nghiệp đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong sinh viên (SV), thanh niên ở TT–Huế, giúp các bạn trẻ mạnh dạn đề xuất những sáng kiến, ý tưởng độc đáo, đồng thời nỗ lực vượt qua thách thức để khẳng định bản thân trên con đường khởi nghiệp.
Năm học 2016 – 2017, nhiều trường đại học thành viên của Đại học Huế đã đưa Chương trình “Khởi nghiệp và sáng tạo”, vào trong các phong trào, nhằm khơi gợi sự sáng tạo và khát vọng khởi nghiệp trong SV, thanh niên. Mặc dù thời gian thực hiện chưa lâu, nhưng sức lan tỏa và hiệu quả bước đầu từ chương trình này, đã vượt trên cả mong đợi của lãnh đạo nhà trường.
Giữa tháng 12-2016, SV Đặng Thị Ngọc Ánh, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đoạt giải nhất “Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka”, với đề tài “Nghiên cứu sản xuất “giấy xanh” từ phế phẩm nông nghiệp”. Điểm đặc biệt, là đề tài này đã hoàn thiện quy trình sản xuất nên thu hút được ngay doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, dự án sản xuất “giấy xanh”, sử dụng những phương pháp kỹ thuật cơ lý, tác động đến nguyên liệu, chủ yếu là phế phẩm rơm rạ, bã dừa, bã mía... Giấy từ phế phẩm nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi để viết, vẽ, in, hút ẩm, dán tường, làm thủ công mỹ nghệ. SV Đặng Thị Ngọc Ánh cho biết, hiện đã có một đơn vị đầu tư gần 200 triệu đồng để cùng thực hiện sản xuất “giấy xanh” từ lá cây, qua đó vừa giúp tăng thu nhập cho người nông dân vừa bảo vệ môi trường nông thôn.
Hưởng ứng Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo - Huế” vào cuối năm 2016, do Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với các sở, ngành tỉnh TT–Huế vừa tổ chức, SV Đại học Huế đã có nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo và mang tính thực tiễn cao. Điển hình là đề tài “Phát triển và mở rộng thuốc trừ sâu sinh học từ các loại thảo mộc gồm ớt, tỏi, gừng, hành, sả”, của SV Phạm Thị Ân, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã đoạt giải nhì. Đề tài này đã được ứng dụng thực nghiệm, khi tiến hành xây dựng mô hình sản xuất rau sạch tại P. Thủy Xuân, TP Huế. Theo SV Phạm Thị Ân, “thuốc trừ sâu sinh học” làm từ các loại thảo mộc ớt, tỏi... vừa phòng trừ được sâu bệnh cho rau màu với chi phí thấp, vừa không có chất tồn lưu gây hại cho người khi sử dụng rau màu. Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, sản phẩm “thuốc trừ sâu sinh học” sẽ sớm có mặt trên thị trường.
SV Đặng Thị Ngọc Ánh nhận giải Nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka lần thứ XVIII năm 2016 với đề tài “Nghiên cứu sản xuất giấy xanh từ phế phẩm nông nghiệp”. Đề tài hiện đã kêu gọi được nhà đầu tư với phần vốn ban đầu 200 triệu đồng. Ảnh: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh TT-Huế. |
Theo Hội SV Đại học Huế, phong trào khởi nghiệp trong SV đã và đang lan tỏa đến tất cả SV ở các khóa học, thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: Thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, đưa học phần kỹ năng khởi nghiệp vào giảng dạy tại trường. Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, tổ chức các hội thảo định kỳ, với chủ đề “Khởi nghiệp và sáng tạo”, để SV thường xuyên có điều kiện gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, đề xuất sáng kiến với lãnh đạo nhà trường và doanh nghiệp. Điểm mới trong các hội thảo này là có sự tham gia của những người đứng đầu doanh nghiệp. Vì vậy, SV có thể trực tiếp đề xuất ý tưởng để doanh nghiệp cân nhắc ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên của các trường đại học thành viên của Đại học Huế cũng tổ chức các Chương trình “Tiếp cận nghề”, nhằm giúp sinh viên tiếp cận được nghề tại các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lạo động.
Đầu năm 2017, Tỉnh Đoàn TT-Huế đã khởi động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” và trao giấy chứng nhận cho 14 doanh nghiệp, cơ sở đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp. Tham gia chương trình này, SV, thanh niên được trực tiếp tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối các nguồn vốn, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp ủng hộ vốn cho thanh niên khởi nghiệp... SV Lê Nguyễn Nhã Phương, Đại học Nông Lâm Huế cho biết: Tham gia chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, giúp giải đáp được rất nhiều câu hỏi mà bản thân đã đặt ra từ trước khi bắt tay vào thực hiện một ý tưởng về khởi nghiệp. Những điều mà SV, nhất là SV sắp ra trường và SV có nhiều ý tưởng mới, quan tâm là những chính sách hỗ trợ cho SV khởi nghiệp, kinh nghiệm để khởi nghiệp bớt “rủi ro”, hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất, quảng bá thương hiệu.
UBND tỉnh TT-Huế cũng đã triển khai đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh TT-Huế giai đoạn 2016 - 2018”, thông qua việc thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: Hình thành một cộng đồng SV, thanh niên có thái độ đúng đắn về khởi nghiệp; thành lập mô hình “vườn ươm” khởi nghiệp; tuyên truyền tinh thần và văn hóa khởi nghiệp trong SV, thanh niên; có các chính sách miễn giảm các khoản thuế, tiền thuê về đất đai... cho cá nhân, tập thể là sinh viên, thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ và giúp sinh viên, thanh niên hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo để khởi nghiệp.
B.T (Theo Tường Vi – TTXVN)