Phụ huynh đến lớp... mầm non

Thứ ba, 23/12/2014 10:23

(Cadn.com.vn) - Đông đảo phụ huynh Trường mầm non Việt - Nhật (TP Đà Nẵng) vừa đến lớp cùng con để nghe cô Tomita Tomoko hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục tính tự lập cho trẻ cũng như cách xây dựng mối quan hệ gần gũi, biết đồng cảm với con cái. Lớp học do Trung tâm hợp tác kỹ thuật Á Châu (TEASIA) tổ chức miễn phí.

Các cháu tỏ vẻ thích thú với trò chơi thi dùng đũa gắp kẹo và nhận được sự động viên nhiệt tình của người lớn. 

Đến lớp học với tâm trạng căng thẳng, anh Phạm Minh Long thổ lộ: "Vợ chồng mình đang đau đầu vì con trai không chịu nghe lời; chẳng hạn như trước và sau khi rời khỏi nhà, ba mẹ dạy cháu phải chào ông bà nhưng cháu kiên quyết không chịu chào. Mình đến dự buổi nói chuyện này với hy vọng sẽ tìm được cách giải quyết hợp lý". Anh Long hiện đang gửi cháu Bách Tùng (3 tuổi) tại lớp Risu 1 (Trường Mầm non Việt - Nhật); anh cho biết, vợ chồng anh dạy con theo cách truyền thống, đồng thời tiếp thu những kiến thức hiện đại của nước ngoài mà anh chị cảm thấy tốt cho con.

Cô Tomita Tomoko đến từ Nhật Bản, có kinh nghiệm gần 25 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn phát triển nhân lực và tư vấn tâm lý trẻ em, mở đầu lớp học với những trò chơi vui nhộn như: phụ huynh phối hợp cùng con cầm 2 cái quạt nhựa để giữ bóng thăng bằng và di chuyển đến đích; các cháu thi dùng đũa gắp kẹo, bố mẹ và con cùng tìm đồ vật giống nhau, phụ huynh hướng dẫn trẻ dùng quạt tạo gió thổi bóng bay về đích... Khi nhận được sự cổ vũ, động viên của những người xung quanh, các bé như bị "kích thích" và tìm mọi cách để kết thúc trò chơi nhanh nhất có thể.

Mẹ và bé cùng phối hợp giữ bóng thăng bằng và di chuyển đến đích.

Kết thúc các trò chơi, cô Tomita giải thích, đây là những trò chơi vận động thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo của trẻ; cha mẹ cùng chơi với con để tạo không khí gần gũi, như là người bạn của con. "Việc cho bé tự suy nghĩ để khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh là vô cùng cần thiết. Vì vậy, bố mẹ nên cố gắng tạo điều kiện để bé tự làm và có những lời khen ngợi đúng lúc thì sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục tính tự lập cho trẻ. Khi cha mẹ xem trẻ như một người bạn thì sẽ có cách giải quyết vấn đề tinh tế hơn"-cô Tomita chia sẻ.

Tiếp tục buổi nói chuyện, cô Tomita đánh giá, ở Việt Nam, cha mẹ và nhà trường đặc biệt chú ý đến việc ăn uống và đi lại của con cái mà quên đi việc giáo dục về mặt tinh thần, thể chất, kỹ năng sống tự lập từ lúc nhỏ, bản năng sinh tồn của một đứa trẻ... Việc bảo bọc, chăm sóc như vậy dẫn đến tình trạng dù trẻ đã 3 - 5 tuổi nhưng bố mẹ vẫn phải bón thức ăn, thậm chí có trẻ còn phải ăn cháo lỏng hoặc cơm xay, trẻ không thể tự làm vệ sinh cá nhân, không tự mặc quần áo...

Ở Nhật có sự khác biệt lớn, trẻ mầm non tự làm mọi việc phù hợp với khả năng của mình; tất cả trẻ đều được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, đều được học hội họa, âm nhạc, thể thao... và tham gia thi đấu, biểu diễn trên sân khấu. Giáo dục mầm non quan trọng nhất là làm cho các cháu cảm thấy "chơi" thật là vui. Không phải là để bé tự chơi mà là người lớn cùng chơi với bé để hỗ trợ bé cách chơi, cách giải quyết vấn đề tốt hơn. "Để giáo dục cho trẻ tính tự lập thì gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng chứ không phải giao phó cho nhà trường và các giáo viên. Do vậy, cha mẹ phải thật sự kiên nhẫn, là tấm gương mẫu mực trong mắt trẻ và có kiến thức để xử lý khéo léo mọi tình huống xảy ra"-cô Tomita nói.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương có 2 con cùng học Trường Mầm non Việt - Nhật chia sẻ: "Tôi thật sự ấn tượng và cảm phục cô Tomita ở sự kiên nhẫn, quan tâm đến tinh thần và niềm vui của trẻ. Đặc biệt, cô Tomita có cách xử lý, giải quyết tình huống mềm mại nên trẻ dễ chấp nhận hơn cách giáo dục truyền thống của đại đa số phụ huynh Việt Nam".

Ông Lê Anh Tuấn-Giám đốc Trung tâm hợp tác kỹ thuật Á Châu (TEASIA) bày tỏ: "Mong muốn của chúng tôi là xây dựng người lao động Việt Nam có tác phong công nghiệp, ý thức tự giác và tính tự tôn dân tộc cao. Mà việc trang bị những thứ này cho người lao động ngay từ khi còn là một đứa trẻ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với khi người đó đã trưởng thành. Đó là mục đích và động lực để chúng tôi tổ chức lớp học này".

Lê Hải