Phút cuối của người anh hùng...

Thứ tư, 10/05/2017 09:35

(Cadn.com.vn) - Tôi lại về thăm nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Lần theo các dãy mộ xếp hàng dọc, ngang thẳng tắp, tôi lặng lẽ thắp nén hương trên mộ phần các liệt sĩ. Thấy tôi cứ tần ngần trước mộ liệt sĩ  Nguyễn Bá Tùng,  ông  Lê Văn Tám (85 tuổi) bước tới hỏi chuyện. Ngã nón dưới rặng tre làng mát rượi, cụ Tám thong thả kể chuyện ký ức chiến tranh ở làng quê mình. Qua những câu chuyện không đầu, không cuối, tôi biết cụ có rất nhiều kỷ niệm với liệt sĩ Nguyễn Bá Tùng thời trai trẻ. Bây giờ ông đang yên nghỉ giữa lòng đất mẹ Dương Sơn, Hòa Tiến và các thế hệ cháu con hôm nay cũng như mai sau mãi mãi khắc ghi công ơn người Bí thư kiêm Chính trị viên Khu 2, Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà Nguyễn Bá Tùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc...

Di ảnh liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Bá Tùng.

Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông Nguyễn Bá Tùng nhanh chóng gia nhập lực lượng Việt Minh, vận động đồng bào nổi dậy lật đổ bộ máy cai trị của bọn cường hào, áp bức tại địa phương. Ngày 22-8-1945, ông tổ chức lôi kéo nhân dân trong xã ầm ầm xuống đường,  hòa cùng dòng thác đang cuồn cuộn khắp huyện Hòa Vang để cướp chính quyền từ chế độ thực dân, phong kiến và trải qua một thời gian dài nằm gai, nếm mật, vượt qua nhiều bão tố chiến tranh để thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng giao phó. Thi hành Hiệp định Genève, tháng 7-1954, ông Nguyễn Bá Tùng tập kết ra Bắc, song trước cảnh đất nước chia cắt đau thương, vợ chồng ly tán, đạn bom mờ mịt ở miền Nam nên ông nhất quyết xin tổ chức vào lại chiến trường. Thế là cuối năm 1959, giữa lúc chính quyền Ngô Đình Diệm kéo lê máy chém đi lùng sục khắp làng mạc, xóm thôn để tìm, diệt tận gốc cộng sản thì Nguyễn Bá Tùng về lại Hòa Vang, tìm cách móc nối với các cơ sở, từng bước xây dựng, củng cố lực lượng để tiếp tục chiến đấu với kẻ thù. Đêm 4-3-1963, ông trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích xã Thanh Sơn (nay là xã Hòa Tiến) phục kích, khống chế và bắt sống toàn bộ 1 trung đội dân vệ rồi áp giải về các xã vùng tây Hòa Vang cảm hóa, giáo dục. Sau đó không ít người mới nhận ra mình lầm đường, lạc lối, tự nguyện viết đơn xin gia nhập quân giải phóng, có người được cài cắm trở lại trong hàng ngũ địch để phục vụ cho công tác nội gián. Tháng 7-1963, ông chỉ đạo du kích dùng mìn đánh sập cầu Cẩm Lệ nhằm cắt đường chi viện, làm giảm bớt các mũi tấn công của địch để quân của Huyện đội Hòa Vang ập vào đánh chiếm Đồn Hòa Thọ, tiêu diệt tại chỗ hàng chục tên. Tháng 8-1964, ông cùng với Ban thường vụ Hòa Vang chỉ đạo  Huyện đội và du kích các xã đồng loạt triển khai các phương án vũ trang, trừ gian, diệt ác, kêu gọi đồng bào 17 xã nổi dậy phá "ấp chiến lược" trở về cày cấy vườn tược, ruộng đồng, đẩy thế đánh địch bằng "3 mũi giáp công" lên cục diện mới. Tháng 3-1966, bọn địch dùng lưỡi lê, súng đạn lùa xúc nhân dân các xã tập trung về sân đình làng Quan Châu, xã Hòa Châu để nghe chúng khua môi, múa mép về sức mạnh của "chính nghĩa quốc gia", tuyên truyền, vận động bà con chống cộng. Chúng gọi buổi diễn thuyết này là chiến thuật "ly sơn", không cho dân chở che, ủng hộ cách mạng. Đây là chiêu rất thâm độc, do đó Nguyễn Bá Tùng tự mình vạch kế hoạch chi tiết, phân công du kích xã Hòa Châu triển khai trận đánh. Dưới sự chỉ đạo của ông, các du kích mật được cải trang trà trộn với dòng người bị ép buộc đi nghe chúng rao giảng, bất ngờ nổ súng tấn công khi chúng chưa khai mạc để tránh thương vong cho đồng bào, diệt tại trận 42 tên, bị thương hơn 20 tên liên đoàn bình định. Rạng sáng 23-8-1968, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Bá Tùng, Huyện đội Hòa Vang phối hợp với du kích xã Hòa Thượng tập kích Đồn Cẩm Chu Hương, loại khỏi vòng chiến đấu 1 tiểu đội lính nghĩa quân và hàng chục tên tay sai ác ôn khét tiếng, đưa dân trong khu tập trung về quê cũ làm ăn. Năm 1969, mặt trận Khu 2 Hòa Vang càng diễn ra ác liệt hơn, ông đã chỉ đạo các lực lượng đánh hàng chục đợt càn quét, lấn chiếm, diệt hơn 80 tên Mỹ-ngụy.

Mộ liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Bá Tùng. Ảnh: Thái Mỹ

Ngày 27-7-1972, trong lúc đi họp tại Đặc khu ủy Quảng Đà ở núi Hòn Tàu về đến xã Điện Sơn (xã Điện Tiến, thị xã  Điện Bàn ngày nay)  thì  bị địch đổ quân bao vây. Đoàn công tác của ông quá ít người nhưng trước tình thế đó, buộc phải nổ súng. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra vô cùng khốc liệt, mặc dù đã bị thương gãy chân trái, ông vẫn không rời tay súng. Xe tăng, xe bọc thép của địch từ căn cứ quân sự trên đồi Bồ Bồ lù lù xông lên, biết không thể cầm cự nổi trước hỏa lực rất mạnh của địch, ông ra lệnh cho một số cán bộ phải nhanh chóng rút lui để bảo tồn lực lượng, còn mình ở lại bắn cầm canh nhằm ngăn cản bước tiến quân địch. Khi súng hết đạn, ông rút chốt quả lựu đạn M26 rồi nằm im chờ cho chúng xúm tới. Tưởng ông đã chết, bọn lính tiến lại vây quanh định kéo lê xác ông quanh làng để răn đe phong trào cách mạng, ông vùng dậy tung quả M26 cuối cùng, hạ gục thêm 3 tên nữa và hy sinh!

Ngày 20-7-2012, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Chủ tịch nước truy tặng cho liệt sĩ Nguyễn Bá Tùng.

Thái Mỹ