Quả đắng từ những… ngân hàng cột điện
Sập bẫy tín dụng đen
Liên tiếp xảy ra nạn vỡ nợ vì vay tiền lãi suất cao ở những vùng nông thôn thế nhưng hầu như rất ít vụ việc được ra ánh sáng pháp luật mà đa số các đối tượng bị bắt khi có hành vi phạm tội kèm theo. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã tìm hiểu và nhận thấy có kẽ hở của luật pháp nên loại tội phạm này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Một nạn nhân của tín dụng đen bị các đối tượng côn đồ vào nhà đập phá tài sản. |
Cuối năm 2018, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng nhận được thông tin cầu cứu của một độc giả về việc gia đình bị đe dọa, uy hiếp tinh thần do trót vay tiền tín dụng đen. Tiếp xúc với chúng tôi, người phụ nữ tên T. trú xã Duy Hải (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu câu chuyện với một lý do hết sức đặc biệt, chị không biết những quảng cáo cho vay tiền dán trên cột điện là tín dụng đen. Chị cho biết, ở quê chị có không ít người lâm vào cảnh nợ nần tương tự vì không hiểu tín dụng đen nghĩa là gì.
“Do muốn vay tiền cho con đi học, nhưng khi mang giấy tờ của con tôi đến ngân hàng làm thủ tục vay thì hồ sơ bị trả đi trả lại, trong khi tiền học của con thì tới gần. Lúc đó tôi nghĩ thà vay bên ngoài đỡ mất công làm giấy tờ. Thấy mấy tờ quảng cáo cho vay “nhanh-gọn- không cần thế chấp” dán đầy đường, tôi điện thoại và nhanh chóng được cho vay ngay lập tức. Sau khi xem CMND và sổ hộ khẩu xong, họ kêu tôi ký vào tờ giấy vay 20 triệu đồng”, chị T. kể.
Tuy nhiên chị T. không biết rằng số lãi 100 nghìn đồng/ngày chỉ là trong tháng đầu tiên, còn từ tháng thứ 2 trở đi, số lãi tăng dần mất kiểm soát khiến chị hốt hoảng. Đến tháng thứ 4 vay thì cả tiền lãi lẫn tiền gốc của chị T. đã hơn 50 triệu đồng. Lúc đó, chị T. điện thoại cho họ thì bị hăm dọa, đòi kiện ra tòa... Quá bế tắc, chị T. thậm chí còn ý muốn tự tử để khỏi liên lụy gia đình nhưng các đối tượng còn uy hiếp đến con gái chị T. đang học tập tại TP Đà Nẵng. Câu chuyện của chị T. không phải là trường hợp duy nhất tại xã biển Duy Hải là nạn nhân của cho vay nặng lãi bởi theo thống kê sơ bộ có đến hơn 40 trường hợp “dính” vào đường dây cho vay tín dụng đen. Ngoài ra từ giữa năm 2018 đến nay trên địa bàn cũng thường xuyên xuất hiện những kẻ lạ mặt, đòi nợ mang tính côn đồ.
Ông Nguyễn Văn Thống- Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết dù biết đã nắm được tình hình và cũng đã cắt cử cán bộ xuống tìm hiểu nhưng hầu như không ai khai báo cụ thể hoặc chỉ rõ các đối tượng có hành vi đòi nợ côn đồ đã dọa nạt, đập phá đồ đạc gia đình mình là ai. Hiện UBND xã đang vận động người dân trực tiếp lên CAH Duy Xuyên khai báo sự việc để lực lượng chức năng có cơ sở giải quyết.
Những ngân hàng cột điện xuất hiện tràn lan ở các vùng nông thôn. |
Những cái kết buồn
Thông tin từ công an tỉnh Quảng Nam cho biết đến hạn, các chủ nợ bắt người vay nợ phải trả tiền hoặc viết giấy vay nợ tiếp với số tiền vay nợ lần sau là cộng cả số tiền gốc và lãi của lần vay nợ lần trước, sau đó trừ luôn số tiền lãi ít nhất của một tháng liền kề tiếp theo… Đến khi người vay chỉ có thể trả một phần hoặc không trả nợ được, đối tượng trực tiếp hoặc thuê người đòi nợ bằng một số thủ đoạn như: Tụ tập trước nhà, ném chất bẩn vào nhà, đe dọa giải quyết theo kiểu “luật rừng” để gây sức ép, khủng bố tinh thần… buộc “con nợ” phải trả tiền. Thủ đoạn các đầu nậu “tín dụng đen” sử dụng chỉ là những giấy viết tay sơ sài, không hề ghi điều khoản trả nợ, lãi suất. Chính sự biến tướng, lách luật này, khi cơ quan chức năng vào cuộc... rất khó xử lý hình sự.
Không chỉ im lặng, che giấu mà nhiều con nợ vì bị hăm dọa đến mức bế tắc đã tìm cách bỏ trốn hoăc tự tử để thoát nợ. Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Sương (1970, trú thị trấn Nam Phước) đã tìm đến cầu Câu Lâu (thị xã Điện Bàn) rồi gieo mình xuống sông tự tử vì áp lực nợ nần xảy ra cách đây chưa lâu. Được biết, chị Sương mở cửa hàng quần áo, mỹ phẩm nhưng làm ăn thua lỗ, phải vay tiền nhiều đối tượng để cầm cự dẫn đến mất khả năng chi trả. Theo người thân chị Sương cho biết, số nợ của chị hơn 1 tỷ đồng khiến các đối tượng xã hội đen thường xuyên đến dọa nạt đập phá. Không muốn liên lụy đến chồng con nên chị Sương chọn cách quyên sinh.
Liên hệ ông Nguyễn Viết Trung- Phó trưởng CAH Duy Xuyên, cho biết: Thời gian vừa qua, CAH Duy Xuyên đã tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng đen, tuy nhiên khi làm việc với những bị hại họ cho rằng đây là việc cá nhân sẽ tự dàn xếp không muốn dính dáng đến pháp luật. “Cơ quan CA rất mong là các nạn nhân khi vướng vào “tín dụng đen” cần hợp tác với cơ quan CA. Đối với những đối tượng có nghi ngờ cho vay nặng lãi khi cơ quan điều tra kiểm tra, các đối tượng thường đưa ra các hợp đồng dân sự không thể hiện mức lãi nên rất khó xử lý”, một cán bộ điều tra cho biết.
Trước tình hình cho vay nặng lãi có chiều hướng phức tạp, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các tỉnh thành rà soát, lập hồ sơ quản lý, theo dõi các băng nhóm xã hội đen đồng thời lành mạnh hóa hoạt động tín dụng, giảm số lượng hồ sơ giấy tờ khi vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên để giải quyết tận gốc loại tội phạm này không thể không kể đến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác có như vậy loại tội phạm này mới không có cơ sở lộng hành.
ĐỒNG DAO