"Quá khứ buồn đã ở lại sau lưng"
(Cadn.com.vn) - Đó là tâm sự chân thành của anh Nguyễn Văn Minh (57 tuổi), người dân tộc Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An (H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) khi kể chuyện về cuộc đời mình với chúng tôi.
Tiếp tôi trong ngôi nhà xây 3 tầng khá khang trang, anh Minh đã trải lòng kể chuyện đời mình. Những năm 1972 -1976 anh tham gia du kích tập trung xã Bình Khương, từng vào ra trong bom đạn chiến tranh. Từ cuối năm 1976 đến năm 1980 anh tình nguyện nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 107 đóng quân ở đảo Lý Sơn. Năm 1981 anh phục viên trở về địa phương rồi lập gia đình. Bản thân là thương binh 4/4, phải chạy vạy, làm đủ nghề để mưu sinh nuôi vợ và 5 con còn nhỏ dại, đời sống của gia đình trong những năm ấy rất khó khăn, thiếu thốn. Anh bảo: "Cái đói, cái nghèo khiến mình mụ mị, quẫn trí làm liều. Lúc bấy giờ, tội nặng nhất của mình là dám chặt một cây chò cổ thụ. Bà con làng xóm phản đối dữ dội, công an huyện vào cuộc, thế là mình phải vướng vào vòng lao lý...".
18 tháng trong trại giam về tội "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng" đã khiến anh Minh trăn trở, tỉnh ngộ nhiều điều. Nhờ chấp hành tốt nội quy của trại giam, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện nên anh được đặc xá giảm án 3 tháng, ra tù vào đúng dịp kỷ niệm 58 năm Quốc khánh 2-9-2003. Trở về địa phương, đoàn tụ với gia đình, anh đã cố gắng xóa bỏ những mặc cảm, tự ti, chăm chỉ lao động. Được sự động viên kịp thời của chính quyền, tận dụng thế mạnh của quê hương, anh khai phá đồi núi hoang hóa, phát rẫy trồng keo, bạch đàn, vỡ mới đất trồng lúa, bắp, hoa màu các loại, nuôi thêm gà, vịt và tranh thủ buôn bán tạp hóa để kiếm sống theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Anh tâm sự: "Đất đai cũng không phụ người cần cù, chí thú lao động. Rừng trồng thì lên xanh, lúa, mì... thì được mùa. Cuộc sống gia đình dần cũng vơi đi những nỗi buồn, tiếng cười của con cái làm hạnh phúc thêm tổ ấm riêng tư. Tôi lại tham gia vào tổ bảo vệ rừng của thôn vừa để chuộc lại lỗi lầm của mình ngày trước vừa có điều kiện thuận lợi để hòa nhập, gắn bó hơn với cộng đồng".
Cuối năm 2008 qua khai thác lứa cây lâm nghiệp đầu tiên trồng sau ngày mãn hạn tù về địa phương, anh Minh đã có một khoản thu nhập hơn 700 triệu đồng để cải thiện đời sống và tái đầu tư trồng rừng. Đến nay anh đã trồng được 50 ha rừng keo và bạch đàn, có 3 ha đất trồng lúa, mì, rau đậu, 1 ao thả cá. Thu nhập hằng năm của gia đình đã lên đến cả trăm triệu đồng. Anh đã trở thành triệu phú, được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi. Các con của anh giờ đã khôn lớn, trưởng thành. Ngôi nhà khang trang 3 tầng của anh có diện tích sử dụng 400 m2, trị giá khoảng 750 triệu đồng nổi bật cả một vùng thung lũng Thọ An; có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt. Anh lại đầu tư 700 triệu đồng mua một chiếc xe tải để vận chuyển nguyên liệu gỗ từ rừng đến bán cho các nhà máy chế biến.
Với anh Nguyễn Văn Minh, quá khứ buồn tủi, đắng cay đã ở lại phía sau lưng. Từ một người lầm lỗi, anh đã vươn lên bằng ý chí, nghị lực của chính mình. Anh bộc bạch: "Trước đây, do suy nghĩ nông cạn nên tôi phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Nay tôi phấn khởi lắm vì phần nào đã trả được món nợ tội lỗi đè nặng trong tâm khảm. Đều đặn hàng tháng, tôi tham gia với lực lượng kiểm lâm địa phương băng rừng, lội suối để canh giữ và đấu tranh chống lại những đối tượng đang ngày ngày làm rừng chảy máu. Tôi đang có kế hoạch mua thêm 1 chiếc xe tải khoảng 650 -750 triệu đồng nữa để mở rộng công ăn việc làm của gia đình; góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động ở địa phương. Nếu như được Nhà nước giải quyết cho vay một phần vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách - xã hội thì hay biết dường nào". Tôi tin là nguyện vọng chính đáng của anh sẽ được đáp ứng bởi ý chí, nghị lực và tấm lòng của anh với cộng đồng đã chứng minh bằng sự thành công sau những vấp ngã trong cuộc đời.
Hoàng Giang