“Quả ngọt” dành cho Nga

Thứ bảy, 29/07/2017 10:01

Giới phân tích cho rằng, Nga đã chờ đợi 3 năm để tận hưởng “trái ngọt” - Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đang chia rẽ nghiêm trọng.

Dự luật trừng phạt Nga mà Thượng viện Mỹ thông qua hôm 28-7 càng khiến nỗ lực tiến gần Moscow của Tổng thống Trump thêm khó khăn.  Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Kể từ khi bán đảo Crimea sát nhập về Nga vào tháng 3-2014 và vai trò của Moscow trong cuộc xung đột ở phía đông Ukraine gia tăng, các cường quốc phương Tây - dẫn đầu là Mỹ và EU - vẫn vững chắc trong việc duy trì một mặt trận thống nhất trong chiến lược đối phó với “chú gấu khổng lồ của phương Đông”.

Hiển nhiên, chẳng có gì đáng chú ý hơn là việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, như là công cụ chính để gây sức ép lên Nga thay đổi chính sách liên quan đến Ukraine. Các biện pháp trừng phạt từng bước có hiệu lực trong các lĩnh vực chiến lược mục tiêu của nền kinh tế Nga, bao gồm năng lượng, quốc phòng và tài chính.

Trừng phạt - “Gậy ông đập lưng ông”

“Ra đời” vào những năm 2014 - những biện pháp trừng phạt này có phạm vi rộng, nhắm mục tiêu các doanh nghiệp khai thác mỏ và đường sắt cũng như các dự án năng lượng của Nga vượt ra ngoài biên giới của họ. Dự luật trừng phạt mới nhất cũng nhắm các mục tiêu tương tự.

Ngày 28-7, với số phiếu ủng hộ áp đảo, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump.  Với 98 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trên với sự ủng hộ từ cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Hiện dự luật này sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Trump phê duyệt. Khả năng dự luật này thành luật là chắc chắn.  Bởi trước đó, các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng và Hạ viện đạt được thỏa thuận mở đường về việc hạn chế khả năng của ông Trump trong việc loại bỏ những biện pháp này.

Nhưng các chuyên gia đã cảnh báo về việc này. Bởi trên thực tế, không chỉ các doanh nghiệp Nga, các Cty phương Tây cũng phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nhà sản xuất và năng lượng Mỹ và Châu Âu đã mất rất nhiều tiền. Các thương vụ mua bán tàu chiến của Pháp và máy móc của Đức đã bị đình trệ. Các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của các Cty năng lượng khổng lồ như ExxonMobil, Total và Shell bị trì hoãn. Các doanh nghiệp ở các nước có quan hệ thương mại gần gũi với Nga - như Italia, Hungary và Bulgaria - đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Mỹ-EU đang chia rẽ

Nhưng thiệt hại kinh tế đáng kể mà các Cty phương Tây phải trả giá không “ấn tượng” bằng những ảnh hưởng chính trị. Mặc dù nền kinh tế vẫn đau đớn, lợi ích chính trị trong việc duy trì một mặt trận thống nhất của liên minh phương Tây trong vấn đề này được coi là quan trọng hơn. Mối liên kết chặt chẽ này là một nỗ lực rõ ràng trong việc điều phối quan hệ giữa Washington và Brussels. Nhưng sự thống nhất này có thể sớm chấm dứt.

Quốc hội Mỹ - vốn vẫn mong muốn được làm “một cái gì đó” để đáp trả những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016, đang nỗ lực đưa dự luật tăng cường trừng phạt Nga trở thành luật trong một sớm một chiều. Giới chuyên gia, các quan chức Châu Âu đánh giá, dự luật trừng phạt mới chống Nga chắc chắn sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh trong EU. Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cho rằng, các lệnh trừng phạt mới mà các nghị sĩ Mỹ đề xuất có thể phương hại các Cty Đức và gây khó khăn thêm cho mối quan hệ song phương Berlin – Washington.

Các quan chức ở một số nước Châu Âu có ảnh hưởng cũng cảm thấy, các biện pháp xử phạt mới nhất này đang đẩy EU ra khỏi “khu vực an toàn”. Thay vì áp đặt các biện pháp trừng phạt chỉ riêng vì vấn đề Ukraine, Mỹ đang hướng đến việc sử dụng chúng như một công cụ chính để bày tỏ sự không hài lòng của họ đối với tất cả các khía cạnh của chính sách đối nội và đối ngoại của Nga. Một số quan chức EU coi đây là một công cụ quá cộc cằn.

Các lãnh đạo doanh nghiệp Đức cũng cảnh báo các biện pháp trừng phạt Nga, nếu được thông qua, có thể sẽ ngăn cản các Cty Đức làm việc về các dự án đường ống, vốn đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh năng lượng của quốc gia Châu Âu này. Một nhà bình luận chính trị đến từ Đại học Louvain (Pháp), Giáo sư Jean Bricmont cho rằng, sự chỉ trích gia tăng của các nhà lãnh đạo Châu Âu rõ ràng cho thấy, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ lên Nga sẽ làm bùng phát các mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Washington và EU trong bối cảnh các nước Bắc Âu đang tìm cách bảo vệ nguồn cung cấp khí đốt mà họ đang phụ thuộc từ Nga.

Nhiều khả năng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp EU có liên quan “Dòng chảy Phương Bắc 2”, trong số đó có Tập đoàn dầu khí Wintershall và Cty kinh doanh dầu Uniper của Đức, Tập đoàn Anh-Hà Lan Royal Dutch Shell của Hà Lan, Tập đoàn OMV của Áo và Tập đoàn Engie của Pháp. Markus Beyrer, Giám đốc “Business Europe” - tổ chức vận động hành lang thương mại chính của EU, kêu gọi Washington ngăn chặn các hành động đơn phương có thể tác động tiêu cực chủ yếu đối với EU cũng như người dân và những doanh nghiệp của khối này.

ExxonMobil là một trong các tập đoàn năng lượng của Mỹ bị ảnh hưởng khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.     Ảnh: Legal Insurrection

“Trái ngọt” 3 năm

Một số quan chức Châu Âu cho rằng, Washington đang nỗ lực lôi cuốn các nước trong EU thay thế khí đốt Nga giá rẻ bằng khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ đắt đỏ. Không chỉ làm gián đoạn các mối quan hệ khí đốt hiện tại giữa Nga và các nước Châu Âu như Áo, Đức và Italia, các biện pháp trừng phạt cũng sẽ khiến các Cty công nghiệp Châu Âu trả giá năng lượng cao hơn các đối thủ cạnh tranh của Mỹ.

Tuy nhiên, EU không dại gì nghe theo. Các quan chức EU đã ám chỉ đến việc trả đũa đối với Mỹ nếu các Cty của họ bị đe dọa. Nga cũng đang xem xét các biện pháp đáp trả trong trường hợp Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới. Theo các nguồn tin, các biện pháp đang được Nga xem xét bao gồm tịch thu nhà nghỉ ngoại giao của Washington tại công viên Serebrianyi Bor, trục xuất 35 nhà ngoại giao và hạn chế số lượng các đại diện ngoại giao của Mỹ tại Nga. Các biện pháp này được cho là sẽ khép lại khả năng Mỹ trao trả các trụ sở ngoại giao của Nga hiện đang bị Washington tịch thu. Ngoài ra, Nga có thể chấm dứt hợp tác với Mỹ trong các vấn đề quan trọng, ví dụ như vấn đề giải quyết căng thẳng với Triều Tiên, hoặc cung cấp uranium làm giàu cho các nhà máy điện nguyên tử của Mỹ.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt vào năm 2014 gây ra một số gián đoạn cho nền kinh tế Nga, nhưng ảnh hưởng tổng thể là khiêm tốn, và Moscow đã điều chỉnh theo thực tế kinh tế mới.  Các hình thức trừng phạt mới, nếu được áp dụng, có thể gây ra sự gián đoạn thêm nữa. Nhưng điều này sẽ được bù đắp bởi mâu thuẫn thật sự giữa Mỹ và EU, lần đầu tiên kể từ năm 2014. Trong cuộc xung đột về địa chính trị rộng lớn giữa Nga và phương Tây, điều này chắc chắn chính là hậu quả nghiêm trọng nhất.

KHẢ ANH