Quán cà-phê của những mảnh đời kém may mắn

Thứ bảy, 16/02/2019 16:00

Nằm trong con hẻm nhỏ cạnh Chùa Cầu (TP Hội An) là quán cà-phê The Thanh Uyen Roastery, cửa tiệm thứ 3 thuộc thương hiệu Sữa Café. Trông bình thường như bao quán cà-phê khác trong lòng phố cổ nhưng ít ai biết rằng sự ra đời của nó là một chuỗi tiếp nối những dự định, hoài bão và giấc mơ về việc tạo công ăn việc làm cho người yếu thế trong xã hội mà anh Huỳnh Đắc Thanh (trú thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) ấp ủ. Chị Chiêu Loan-quản lý quán chia sẻ: "Nhiều năm quen biết và đồng hành với anh Thanh trong các công việc thiện nguyện, em hiểu tấm lòng của anh đối với các bạn khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam. Mở một quán cà-phê đã khó, duy trì nó còn khó hơn nhưng anh lại luôn dành phần ưu tiên tạo công ăn việc làm cho các bạn khuyết tật. Đến nay anh  là chỗ dựa tin cậy của những bạn khuyết tật muốn có việc làm, hầu như bạn nào đến xin làm anh cũng nhận".

Không gian quán cà-phê The Thanh Uyen Roastery tại số 188/7a Trần Phú - TP Hội An.

Ngồi nhặt cà-phê ở góc quán, Trâm-(nạn nhân ảnh hưởng chất độc da cam thế hệ thứ 3) chia sẻ bằng giọng ngọng ngịu: "Sinh ra không may mắn như người khác, tay chân chậm chạp, phát âm không rõ nên em không tìm được việc làm. Sau đó em nghe bạn bè nói chỗ anh Thanh chuyên nhận các bạn khuyết tật vào làm phục vụ quán cà-phê nên em đến xin việc. Được nhận làm em vui lắm, từ đây em có thu nhập nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình". "Ngoại trừ quản lý quán và pha chế là các bạn khỏe mạnh thì tất cả nhân viên khác ở đây đều là các bạn khuyết tật. Các bạn chậm chạp, khó khăn trong giao tiếp trong khi ở Hội An đa phần là khách tây vì vậy để các bạn quen việc cũng lâu hơn người khác. Đối với các bạn câm điếc bẩm sinh, nhiều khi khách gọi các bạn không nghe hoặc không hiểu, gọi sai món... khiến khách khó chịu. Lúc ấy mình phải ra giải thích cho khách biết mong khách thông cảm", anh Thanh chia sẻ. Tính tới thời điểm hiện nay tổng cộng 3 quán cà-phê của anh có 29 bạn khuyết tật đang làm việc. Nhiều bạn khuyết tật từ địa phương khác cũng thuê phòng trọ làm việc cho anh Thanh và gắn bó như gia đình. Suốt hơn 3 năm ra kinh doanh, làm việc với các bạn là người khuyết tật cũng là 3 năm vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời anh Thanh. "Có lần mình nhận một bạn bị hội chứng Down vào làm việc, suốt ngày chỉ đòi uống nước ngọt, ăn kem khiến cả quán náo loạn. Nhiều bạn khuyết tật, nhà nghèo được bố mẹ dắt tới đây gửi gắm xin làm việc, khi nhận được tháng lương đầu tiên rất xúc động vì không nghĩ con mình có ngày làm ra được tiền, có thể nuôi sống bản thân. Những hình ảnh đó luôn là động lực để cho tôi tiếp tục kiên trì với con đường này", anh Thanh nói.

Anh Huỳnh Đắc Thanh trong chuyến đi tìm hiểu về thị trường cà-phê.

Khác với những quán cà-phê khác, Thanh không nhập hạt cà phê từ đầu mối mà  để có được chất lượng cà-phê tốt nhất, anh vào Gia Lai chọn hạt. Ngoài công việc phục vụ, bưng bê cà-phê,  những bạn khuyết tật nặng hơn sẽ được anh phân công việc nhặt hạt cà-phê. "Cứ tới mùa là mình lại đi mua số lượng lớn mang về cho các bạn chọn hạt, loại bỏ bớt những hạt sâu lép. Đây cũng là công việc phù hợp với các bạn khuyết tật, chậm chạp đồng thời tạo nên thương hiệu uy tín cho quán bởi cà-phê ở đây luôn là những hạt loại một, thơm ngon nhất", anh Thanh chia sẻ. Hiện nay, ngoài việc kinh doanh cà- phê anh Thanh còn là người kết nối xây dựng trường học vùng cao và hỗ trợ bữa ăn có thịt cho các em học sinh miền núi Quảng Nam. Dù bận rộn với việc kinh doanh nhưng cứ 1-2 tháng, một ngôi trường mới lại được ra đời và hàng trăm bữa ăn có thịt cho các em học sinh, góp phần cải thiện chất lượng học tập ở những vùng khó khăn. Với Thanh Uyên Roastery, anh Thanh mong muốn góp phần tạo nên công ăn việc làm cho nhiều người bất hạnh hơn nữa đồng thời cũng là tạo nên một điểm nhấn trong lòng phố cổ Hội An nơi mà sự "nhân tình, thuần hậu" luôn là một hình ảnh đẹp được người dân và du khách hướng tới.

Trâm - một trong những nạn nhân chất độc da cam được anh Thanh nhận vào làm việc.

HÀ DUNG