Quán cơm 5 ngàn đồng và những trang sách miễn phí

Thứ ba, 10/11/2015 10:07

(Cadn.com.vn) - Đều đặn trong tuần từ thứ hai tới thứ sáu, một quán ăn trên đường Đào Tấn (TP Huế) lại tổ chức nấu những suất cơm giá rẻ phục vụ hàng trăm thực khách là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Phần ăn chỉ có giá 5.000 đồng/suất với thực đơn đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra sau bữa ăn, thực khách có thể hòa mình vào những trang sách có sẵn trong quán hoặc được mượn về tham khảo miễn phí. Gần hai năm thành lập, quán cơm đã giúp đỡ nhiều lượt sinh viên yên tâm học tập và sinh hoạt.

Quán cơm kết hợp với thư viện sách tại số 72A-Đào Tấn, là một trong những ý tưởng độc đáo được sáng lập bởi cô Đặng Thị Thanh Nhã (50 tuổi) một người con đất học xứ Huế. Gần hai năm sau khi ra đời với tên gọi "Quán cơm xã hội- tủ sách Trung thực", đã tạo nên sức hút lớn đối với nhiều người, nhất là các bạn học sinh, sinh viên đang học ở Huế... Bê vội phần cơm còn nóng cho các bạn sinh viên, cô Nhã cho biết: "Hoạt động thiện nguyện này duy trì gần hai năm qua. Ban đầu vì không có đơn vị tài trợ nào nên chưa thể bắt đầu ý tưởng này, cô phải tự mình liên hệ với các nhà hảo tâm để có thể thực hiện, sau này tiếng lành đồn xa, những nhà hảo tâm ở những nơi khác, đặc biệt là ông Hồ Văn Trung (một Việt kiều Úc) đã tài trợ chi phí cho cô duy trì quán cơm". Mỗi ngày, quán nấu từ 200 tới 250 suất, thực đơn đa dạng gồm nhiều món ăn được chế biến hợp vệ sinh. Còn sách thì được cho mượn miễn phí giúp các bạn có thêm tài liệu phục vụ học tập.  Hiện nay, tủ sách Trung thực có số lượng khoảng 2.000 cuốn. Trong đó, phần lớn đươc tài trợ từ cô Đoàn Ngọc Hân-biên tập viên của Nhà Xuất bản và phát hành sách First News Sài Gòn; nhà sách Hồng Đức và nhà sách Tường Tâm ở TP Huế; số còn lại do các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Các bạn sinh viên tự rửa chén bát sau khi ăn xong.

Đến quán cơm bình dân này vào giữa trưa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự thân thiện của nhân viên phục vụ và chủ quán. Ai nấy đều luôn thân thiện, nhiệt tình, tươi cười với tất cả mọi người. Quán ăn tuy đông nhưng không xô bồ, người đến ăn tự giác xếp hàng để mua và nhận cơm, ai cũng vui vẻ nhường nhau từng chỗ ngồi, từng ly nước. Rất nhiều sinh viên sau khi ăn xong đều tự giác rửa bát đũa và khay thức ăn của mình. Mọi thứ diễn ra rất ngăn nắp, trật tự và sạch sẽ. Ngoài giảm bớt một phần gánh nặng cho quán, qua những việc làm thường nhật như thế, những người điều hành mong muốn sinh viên rèn luyện ý thức chung tay với người khác. Các cuốn sách được cho mượn miễn phí không một điều khoản chi phí giao kèo nhưng luôn được giữ gìn cẩn thận và trả lại đều đặn giống như cái tên của nó "Tủ sách Trung thực".

Bạn Nguyễn Văn Đạt, SV năm 4 Trường Đại học Khoa học Huế cho biết: "Mình và các bạn trong lớp thường xuyên ghé tới quán ăn cơm. Mỗi tháng ăn cơm ở đây có thể giúp bọn mình tiết kiệm được được gần 500.000 đồng, số tiền không nhỏ giúp mình trang trải cho việc học. Ngoài việc được ăn những món ăn ngon giá rẻ, tụi mình còn có thể mượn sách về nhà để tham khảo phục vụ học tập tốt hơn". Hiện tại sau khi được cho mượn, tủ sách đang còn lại khoảng 600-700 cuốn. Vì không gian của quán cơm hơi nhỏ, nên chưa có chỗ để trưng bày nhiều. Nhiều cuốn sách được các bạn sinh viên chia sẻ thêm và luân phiên thay đổi để làm mới "khẩu vị" cho bạn đọc.

Sau khi ăn cơm, các em lại hòa mình vào những trang sách có sẵn trong quán.

Chia sẻ về dự định trong tương lai của mình, cô Nhã cho biết: "Trong tương lai nếu có thêm các nhà tài trợ cô sẽ nhân rộng mô hình để có thể phục vụ thêm những hoàn cảnh khó khăn khác. Bên cạnh việc nấu cơm và mở tủ sách cho sinh viên, sắp tới, ban quản lý quán sẽ mở thêm một quầy thuốc miễn phí, để hỗ trợ thuốc chữa bệnh cho những sinh viên nghèo không có điều kiện mua thuốc".

Ngoài việc phục vụ những bữa ăn tại quán cơm, các thành viên phục vụ trong quán còn tham gia các chương trình từ thiện. Mỗi tuần, trên trang thông tin của quán  mọi người đều tham gia chia sẻ các hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ để kêu gọi, tìm cách giúp đỡ họ. Có thể nói, mô hình quán ăn thiện nguyện giá rẻ không còn là điều quá mới lạ, thế nhưng để sinh viên nghèo có cơ hội tiếp nhận những suất ăn "ngon-bổ-rẻ" đúng nghĩa là một việc làm hết sức ý nghĩa. Hy vọng trong tương lai mô hình "Quán cơm xã hội -Tủ sách Trung thực" sẽ tiếp tục được nhân rộng, để các em sinh viên nghèo trên khắp cả nước có thể yên tâm, ổn định học tập.

Văn Cường