Quảng Nam chấn chỉnh, sắp xếp lại bộ máy quản lý, bảo vệ rừng
Sau nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu vừa có buổi làm việc với các ngành chức năng nhằm chấn chỉnh, tổ chức lại công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh.
Sau nhiều vụ phá rừng, tỉnh Quảng Nam đang sắp xếp, chấn chỉnh lại bộ máy QLBVR. |
Theo báo cáo của Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh có 6 hạt Kiểm lâm (KL) cấp huyện, 5 hạt KL liên huyện; 4 ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng; 7 BQL rừng phòng hộ. Với các mô hình này, Hạt trưởng hạt KL đồng thời là giám đốc BQL rừng đặc dụng nên lâu nay đã nảy sinh nhiều bất cập... Với bộ máy được cho là "cồng kềnh" như trên, có nhiều địa phương tồn tại quá nhiều hạt KL nhưng hiệu quả công tác QLBVR chưa hiệu quả. Đơn cử, trên địa bàn H. Đông Giang có 5 đơn vị (gồm hạt KL Đông Giang - Tây Giang, hạt KL rừng phòng hộ A Vương, hạt KL rừng phòng hộ Sông Kôn, hạt KL rừng đặc dụng Sao La, hạt KL rừng đặc dụng Bạch Mã). H. Nam Giang có 3 đơn vị (hạt KL Nam Giang, hạt KL rừng đặc dụng Sông Thanh, hạt KL rừng phòng hộ Nam Sông Bung). H. Phước Sơn có 3 đơn vị (hạt KL Phước Sơn - Hiệp Đức, hạt KL rừng đặc dụng Sông Thanh, hạt KL rừng phòng hộ Đăk Mi)...
Theo ông Lê Minh Hưng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc tinh gọn, tăng tính hiệu quả trong quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp là cần thiết. Bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều tầng nấc sẽ được loại bỏ nhưng phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, các chủ rừng và các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng để có cơ sở xử lý trách nhiệm các sai phạm...
Tại buổi làm việc, sau khi nghe các ngành chức năng báo cáo cũng như đề xuất các kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở NN & PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các ngành, địa phương liên quan đánh giá lại thực trạng tổ chức bộ máy các lực lượng QLBVR, cũng như công tác giao khoán bảo vệ rừng lâu nay. Trên cơ sở đó, xây dựng đề án củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các lực lượng QLBVR trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung chủ yếu trên địa bàn 6 huyện miền núi cao theo hướng QLBVR theo ranh giới hành chính cấp huyện.
Cụ thể, theo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, nên tách các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý theo lưu vực, liên huyện hiện nay thành các BQL theo từng huyện, trực thuộc UBND huyện (có thể giao quản lý thêm các diện tích rừng tự nhiên khác trên địa bàn huyện hiện nay do UBND xã quản lý; bổ sung thêm nhiệm vụ thực hiện Chương trình phát triển rừng bền vững trên địa bàn huyện theo Quyết định 886/QĐ-TTg ngày 16-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ). Tổ chức lại các hạt KL trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng trên địa bàn mỗi huyện chỉ tổ chức 1 hạt KL, thực thi pháp luật về QLBVR trên địa bàn toàn huyện, không phân biệt trong hay ngoài lâm phận các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Trưởng BQL rừng độc lập với hạt trưởng hạt KL. Hạt KL huyện trực thuộc Chi cục KL (Sở NN&PTNT); KL địa bàn thuộc biên chế của hạt KL nhưng biệt phái về làm việc tại UBND xã, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND xã; UBND huyện quy định rõ trách nhiệm của UBND xã, chủ tịch UBND xã trong QLBVR trên địa bàn xã; tổ chức ký kết các quy chế phối hợp giữa các lực lượng có liên quan trên địa bàn; thay đổi hình thức giao khoán BVR từ nhóm hộ sang giao khoán cho cộng đồng thôn, bản. Cộng đồng thôn, bản xây dựng hương ước về bảo vệ rừng, phát huy vai trò người có uy tín và thành lập các đội tuần tra bảo vệ rừng gồm những người đủ sức khỏe, có tâm huyết, hưởng tiền nhận khoán bảo vệ rừng, có trang phục, phương tiện, công cụ thống nhất.
"Trước mắt, giao UBND H. Nam Giang chủ trì xây dựng phương án tổ chức lại bộ máy, công tác QLBVR theo nội dung trên để tổ chức làm điểm trên địa bàn huyện; lấy ý kiến của Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ để hoàn chỉnh, thống nhất với Ban Thường vụ Huyện ủy, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31-5-2018 để xem xét, thông qua và triển khai làm điểm từ tháng 6-2018"- ông Thu nhấn mạnh.
BÃO BÌNH