Quảng Nam chung tay gỡ “thẻ vàng” xuất khẩu thủy sản

Thứ bảy, 14/07/2018 15:00

Sau chuyến khảo sát vào tháng 5 vừa qua, Ủy ban Châu Âu quyết định  kéo dài thời gian phạt “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam. Nếu trong 6 tháng tới, Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu EU đưa ra, thì nguy cơ sẽ bị “giơ thẻ đỏ”, tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU. Là địa phương có bờ biển rộng, lực lượng đánh bắt xa bờ đông đúc, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực để ứng phó trước tình trạng trên.

Ngành đánh bắt hải sản bất an trước cảnh báo của Ủy ban Châu Âu.

Vì sao ngư dân vi phạm quy định?

Thời gian qua, nhiều tàu thuyền và ngư dân nước ta vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản, bị nước ngoài bắt giữ, trong đó có ngư dân Quảng Nam. Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, tài sản mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Theo thông tin từ cơ quan chức năng Quảng Nam, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ là hầu hết chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân còn thiếu hiểu biết về ranh giới địa lý, biên giới trên biển của các nước trong khu vực cũng như kiến thức về pháp luật các nước. Đến khi bị bắt, tịch thu ngư cụ, họ mới biết mình đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Ngoài ra, do hiện tại một số ngư trường của ta đã cạn kiệt nguồn thủy hải sản, trong khi đó, một số ngư trường giáp ranh lại dồi dào hơn nên nhiều ngư dân Việt Nam đã cho tàu sang khai thác hải sản.

Ông Nguyễn Văn Giang – chuyên viên Phòng Nông nghiệp H. Duy Xuyên phụ trách ngư nghiệp cho biết: “Nguyên nhân chính khiến cho việc xuất khẩu thủy sản của Quảng Nam bị EU giơ “thẻ vàng” là vì vi phạm quy định IUU về chống đánh bắt cá bất hợp pháp của Ủy ban Châu Âu. Theo đó, sở dĩ ngư dân rất dễ bị vi phạm quy định IUU bởi trong vùng đặc quyền kinh tế khu vực giao nhau là 200 hải lý. Ranh giới này cũng chưa rõ ràng nên các tàu thuyền hoạt động trong khu vực này rất dễ bị chồng lên ngư trường của nước khác. Tại H. Duy Xuyên thì ngư dân chủ yếu đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa nên việc vi phạm ngư trường quốc tế rất hiếm xảy ra. Những ngư trường xa có liên quan đến Indonesia hoặc Malaysia thì chủ yếu là ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ đánh bắt. Mặc dù không vi phạm nhưng thẻ vàng này lại ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá, đầu ra của sản phẩm nói chung. Trong khi đó hơn 40% sản phẩm thủy sản đánh bắt của Duy Xuyên là xuất khẩu nên thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đang nỗ lực tuyên truyền để ngư dân ý thức được vấn đề này từ đó có những sự chú ý trong quá trình khai thác, hải sản khi xuất khẩu phải có nguồn gốc rõ ràng”.

Tăng cường xác định nguồn gốc xuất xứ của hải sản

Toàn tỉnh Quảng Nam không có tàu cá khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển nước bạn. Tuy nhiên, Quảng Nam có không ít ngư dân tham gia sản xuất trái phép tại vùng biển nước ngoài khi đi “bạn” cho các chủ tàu cá của Quảng Ngãi, Bình Định. Ngoài ra vấn đề lớn nhất Quảng Nam đang gặp phải đó là chưa chứng minh được nguồn gốc hải sản, đây cũng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thủy sản vào thị trường Châu Âu. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, bất cập trong công tác xác nhận nguồn gốc xuất xứ của hải sản khai thác là hiện nay các cảng cá do Nhà nước đầu tư thiếu đồng bộ, dịch vụ đi kèm hạn chế nên số tàu cập cảng, vận chuyển hải sản chiếm tỷ lệ rất ít. Mặt khác một số tàu cá thực hiện bán hải sản trên biển nên không thể kiểm soát được.

Để giải quyết thực trạng trên, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết sẽ tham mưu Sở NN&PTNT thành lập các tổ xác nhận nguồn gốc xuất xứ hải sản khai thác ở tất cả khu vực có tàu cá cập bờ bán hải sản trên địa bàn tỉnh và phối hợp chặt chẽ với đơn vị thu mua hải sản thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết cảng cá nào trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc sẽ được Bộ NN&PTNT công bố công khai cho các tổ chức trong và ngoài nước biết, đảm bảo chặt chẽ quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản. Để tạo điều kiện cho việc xác nhận nguồn gốc hải sản chuyên nghiệp và minh bạch hơn Quảng Nam  đã đầu tư mở rộng khu neo đậu tàu cá kết hợp cảng cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) là cảng cá loại II có quy mô cập cảng cùng lúc cho tối đa 600 phương tiện có công suất lớn tới 1.000CV, lượng sản phẩm qua cảng là 15 nghìn tấn/ngày. Tỉnh đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành) có quy mô là cảng cá loại I với số lượt tàu cập cảng là 150 lượt/ngày, cỡ tàu lớn nhất là 1.000CV, lượng sản phẩm qua cảng là 30 nghìn tấn/năm. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2018.

ĐỒNG DAO