Quảng Nam đối diện nguy cơ hạn hán
Hàng chục năm qua, miền Trung chưa bao giờ trải qua mùa mưa nào "kỳ lạ" như năm nay bởi đã đến tháng 10 nhưng trên địa bàn chưa có đợt mưa nào đáng kể. Thời điểm này năm 2017, Quảng Namvà các tỉnh miền Trung vật lộn trong cơn lũ dài ngày thế nhưng năm nay trời vẫn còn nắng ráo, thi thoảng xuất hiện những trận mưa nhỏ. Hàng chục hồ thủy điện tại Quảng Nam xấp xỉ mực nước chết, là nỗi bất an lớn cho mùa khô sắp tới.
Nguy cơ hạn hán sẽ xuất hiện ngay từ đầu năm 2019 là rất lớn. |
Thủy điện, thủy lợi xấp xỉ mực nước chết
Theo bản tin dự báo mùa của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, lượng mưa ở Trung Bộ: Tổng lượng mưa từ tháng 11-2018 đến tháng 4-2019 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-50%. Cảnh báo khả năng thiếu hụt mưa trong các tháng chính mùa mưa và ít mưa trong những tháng đầu năm 2019, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Như vậy, khả năng thiếu hụt mưa sẽ là nguy cơ rất cao gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2019. Ông Nguyễn Văn Lân-Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết: "Hiện nay mực nước tại thủy điện thấp hơn rất nhiều so với trung bình các năm, đo được trên mực nước chết là 3 mét. Nếu trong những tháng tiếp theo vẫn không mưa thì khả năng sẽ không có nước tưới tiêu cho vùng hạ du. Hiện công ty đang chờ ý kiến của UBND tỉnh và các bên liên quan để hạn chế đến mức thấp nhất việc huy động nước nhằm duy trì lượng nước còn lại cho những tháng khô hạn sắp tới".
Thủy điện Sông Tranh nằm trên nhánh sông Thu Bồn nên rất ít tham gia điều tiết nước, đẩy mặn cho nguồn nước sinh hoạt đổ về TP Đà Nẵng mà chủ yếu là các thủy điện nằm trên dòng Vu Gia. Những tháng qua, mặc dù không có mưa, thiếu nước nhưng các thủy điện Đăk mi 4, thủy điện Sông Bung 4, thủy điện A Vương cũng tham gia điều tiết tăng lượng xả về hạ du để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu. Hiện nay đang giữa mùa mưa nhưng hầu hết các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn thiếu nước trầm trọng. Thống kê mới nhất cho thấy lượng nước trong 17 hồ thủy lợi thuộc lưu vực Vu Gia - Thu Bồn đều có tỷ lệ trữ ở mức trung bình và thấp hơn so với nhiều năm.Cụ thể, tổng dung tích trữ thiết kế của 17 công trình thủy lợi là 509,5 triệu m3; tuy nhiên mới đạt 251,36 triệu m3, tương đương 49,33% so với thiết kế, trong đó hồ Vĩnh Trinh có dung tích trữ rất thấp (khoảng 6%).Nguyên nhân là đến thời điểm hiện tại Quảng Nam không có lũ, lượng mưa tích lũy tại lưu vực Vu Gia - Thu Bồn thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm là 60,5%.
Trong khi thời điểm này năm 2017, Quảng Nam đang bị "nhấn chìm" trong lũ lớn trong khi năm nay chưa xuất hiện đợt mưa nào đáng kể. |
Ngành nông nghiệp bất an
Thiếu nước, các thủy điện không đủ điều kiện xả nước trong mùa khô để đẩy mặn, khiến các khu vực sản xuất nông nghiệp ở vùng Vu Gia - Thu Bồn đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Ông Hồ Ngọc Mẫn-Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho biết do cuối vụ hè thu 2018 không mưa nên sản lượng năng suất nông nghiệp trên địa bàn rất tốt nhưng lại là mối lo lắng cho vụ mùa sắp tới. "Mọi năm thì tháng 8, tháng 9 người dân phải lo chạy lũ. Còn năm nay nếu đến cuối tháng 12 mà không có mưa, ngành nông nghiệp huyện sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do tình trạng hạn hán. Nếu các hồ thủy điện không có nước thì 53 trạm bơm dọc sông Vu Gia - Thu Bồn cũng không hoạt động được. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cùng mực nước về sông Vu Gia xuống thấp, bên cạnh đó, các hồ chứa trên địa bàn Đại Lộc phần lớn là hồ chứa nhỏ, có dung tích dưới 1 triệu m3, mỗi công trình chỉ đảm bảo tưới cho 80ha trở lại, do vậy trong năm chỉ phục vụ nước tưới đảm bảo cho một vụ mùa. Hiện nay 7 hồ chứa này cũng chỉ có 20% lượng nước nên hạn hán là không tránh khỏi".
Trước nguy cơ hạn hán sẽ xuất hiện trên diện rộng trong năm 2019, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp do diện tích lúa nước trên địa bàn tỉnh rất lớn nên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang chủ trương không sử dụng giống dài ngày và chỉ dùng các giống trung và ngắn ngày, gieo sạ tập trung theo từng trà để áp dụng biện pháp tưới nước luân phiên. "UBND tỉnh giao trách nhiệm cho ngành nông nghiệp lên kế hoạch phòng chống hạn và nhiễm mặn ngay từ đầu vụ, giảm diện tích lúa vụ đông xuân và tăng diện tích sản xuất các loại đậu lấy hạt. Bên cạnh đó phải có các biện pháp tận dụng tốt mọi nguồn nước phục vụ tưới, đắp bờ giữ nước để gieo sạ nhằm giảm thiểu những khó khăn do hạn hán gây ra", ông Lê Trí Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết. Tỉnh cũng đang triển khai chỉ thị của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh năm 2019. Theo đó thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô. Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ đông xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để dành cung cấp cho các vụ sản xuất.
Hà Dung
* Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 6228/BTNMT-TNN gửi UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan liên quan yêu cầu bảo đảm nhu cầu sử dụng nguồn nước cho hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Cụ thể, sau khi rà soát tình hình vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Bộ đánh giá, hiện đang trong thời kỳ cuối mùa lũ nhưng mực nước các hồ chứa đều ở mức rất thấp và xấp xỉ mực nước chết. Do đó tình trạng thiếu nước ở hạ du ngay trong mùa lũ năm 2018 đã và đang xảy ra với diễn biến phức tạp, khó lường. Mặt khác, theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn các tháng cuối năm thì lượng mưa khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-50%. Nguy cơ các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn không bảo đảm mực nước tối thiểu vào đầu mùa cạn là rất cao. Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tình trạng thiếu nước ở hạ du hiện nay và bảo đảm các hồ chứa đủ nước cấp cho các hạ du trong mùa cạn năm 2019, Bộ tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan và các đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước phù hợp với lịch vận hành của các hồ chứa thủy điện nhằm sử dụng hiệu quả và tránh lãng phí nguồn nước. Văn bản yêu cầu Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng và Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam đóng kín các đập dâng An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít và Hà Thanh (trừ trường hợp có lũ) để bảo đảm việc khai thác nước từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch cấp đủ nước cho thành phố Đà Nẵng. Cty CP Cấp nước Đà Nẵng khai thác tối đa nguồn nước từ đập dâng An Trạch trong trường hợp nguồn nước tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Trong trường hợp không đủ nước khai thác từ đập An Trạch, căn cứ lượng nước về hồ và hiện trạng mực nước của các hồ, hồ Đắk Mi 4 và các hồ chứa A Vương, Sông Bung 4 xả nước về hạ du với lưu lượng phù hợp để bảo đảm cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị chính quyền 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dòng chảy trên sông, dòng chảy đến hồ, bảo đảm vận hành các hồ thủy điện theo đúng quy định. Trường hợp không có mưa, lũ thì ưu tiên tích nước các hồ thủy điện để bảo đảm đủ nước cấp an toàn cho mùa cạn năm 2019. Đông A |