Quảng Nam: Mỏ vàng hết hạn vẫn khai thác, xả nước đục ngầu ra sông

Thứ hai, 23/03/2020 15:24

Trong những ngày qua, người dân tại thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, H. Phước Sơn, Quảng Nam hết sức hoang mang khi phát hiện dòng nước thải đục ngầu chảy từ một mỏ vàng ra các nhánh khe suối. Họ lo ngại dòng nước thải có  hóa chất dùng để đãi vàng sẽ đầu độc dòng nước vốn ít ỏi ngay dưới chân thủy điện Đắk Mi 4.

Một góc mỏ vàng 38 dù đã hết hạn khai thác nhưng máy móc, công nhân vẫn hoạt động không ngừng.

Khu vực được người dân xác định có công nhân khoét núi, đào hầm, huy động máy móc hoạt động hết công suất để đãi vàng là mỏ 38, nằm giáp ranh giữa xã Phước Xuân và Phước Hòa của  H. Phước Sơn. Theo quan sát của phóng viên, đây là điểm mỏ có diện tích lớn được bao vây bởi núi cao xung quanh, có thể tiếp cận sau vài giờ đồng hồ đi bộ với những con dốc thẳng đứng. Thấy chúng tôi, người đàn ông cai mỏ tại đây phân bua là khu vực này đã không còn vàng, công nhân đang chuẩn bị tháo dỡ lán trại, máy móc để di chuyển ra khỏi rừng. Tuy nhiên, trong tiếng máy phát điện, máy đãi vàng xé toang cả núi rừng, phu vàng vẫn oằn mình dưới nắng trưa để làm việc. Một bộ phận lấy gỗ từ trên rừng xuống đóng lán, làm máng đãi vàng; một bộ phận vận chuyển máy ra nhiều hầm vệ tinh xung quanh mỏ; số khác thay nhau dùng xe rùa chở đất từ trong hầm vàng ra để đào đãi, nghiền và lọc vàng. “Làm tọ mọ (mót xái – P.V) cho có việc để làm thôi chứ không còn chi đây nữa. Lao động cũng là thanh niên địa phương, chẳng bao nhiêu”, người đàn ông cai bãi phân bua.

Các lán trại vệ tinh phân theo công đoạn tại mỏ vàng 38.

Từ các lán có máy móc, máng đãi vàng hoạt động hết công suất, những dòng nước vàng đục thải ra hợp vào một nhánh tuồn xuống khe suối ở vị trí thấp và chảy ra hướng những rừng keo của người dân. Một thanh niên địa phương đi làm rẫy qua con suối nằm giữa các rừng keo cho biết, nước này sẽ thấm và chảy dần về phía sông Nước Mỹ nằm ngay dưới chân thủy điện Đắk Mi 4. “Ở trong mỏ thì nó vàng đục, ra tới ngoài thì nước chuyển thành màu trắng đục như nước vo gạo. Nghĩa là hàm lượng cyanua dùng để đãi vàng sẽ theo nước thấm xuống đất hoặc chạy ra ngoài. Nếu thủy điện xả nước thì chất độc này sẽ theo về xuôi, phía hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn”, thanh niên này cho biết.

Một thiếu niên người địa phương được đưa vào bãi vàng 38 làm việc.

Khi được hỏi vì sao biết mỏ vàng đã hết hạn khai thác theo giấy phép nhưng vẫn cố tình khoét núi tìm vàng, xả nước độc ra môi trường mà không báo chính quyền địa phương, người dân cho biết mỏ này của ông Chương, nhưng hiện tại do một người khác trực tiếp quản lý. Dù khai thác trái phép nhưng những người này làm công khai một thời gian dài vẫn không thấy cơ quan chức năng xử lý. Mang tiếng tọ mọ, mót xái vàng sa khoáng nhưng máy móc rất quy mô, nhân công rất nhiều và có dấu hiệu mở rộng các hầm vàng so với giấy phép ban đầu. “Người dân biết họ cố tình làm sai đó nhưng không ai dám lên tiếng. Cả xã và huyện cũng biết. Có điều làm thì người ta vẫn làm. Đứng ngoài bìa rừng cũng nghe tiếng máy móc, họ làm công khai chứ chẳng lén lút gì cả”, một người dân thôn Lao Đu, xã Phước Xuân nói với phóng viên.

Một hầm vàng sâu hun hút vẫn được khoét đất đưa ra đãi lấy vàng, dù mỏ vàng đã hết hạn theo giấy phép.

Chiều 22-3, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quảng – Phó Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cho biết, mỏ vàng 38 do Cty Nguyên Thành Đạt khai thác và hiện đã hết hạn so với giấy phép. Hỏi vì sao giấy phép đã hết hạn nhưng chính quyền địa phương không yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ, trả lại mặt bằng mà vẫn để hoạt động khai thác diễn ra ngang nhiên, ông Quảng nói sẽ xem lại cụ thể và có thông tin sau. Ông cho rằng đây là kiểu tọ mọ, mót xái của người dân địa phương chứ doanh nghiệp mà đã hết hạn thì làm như thế là sai hoàn toàn. “Chiều 23-3, chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng xuống kiểm tra hiện trường và có thông tin cụ thể. Nếu sai thì phải xử lý”, ông Quảng cho hay.

Khi ra ngoài chuyển thành màu trắng đục, xuôi về phía sông Nước Mỹ, dưới chân thủy điện Đắk Mi 4.

CÔNG  KHANH