Quảng Nam: Nhiều tàu vỏ thép đang hoạt động hiệu quả
(Cadn.com.vn) - Trước những thông tin thời gian qua có hàng chục tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ hư hỏng, P.V đã có cuộc trao đổi tìm hiểu tới các ngư dân đã và đang đóng tàu theo Nghị định 67 thì được biết nhiều ngư dân vẫn đang bám trụ ngư trường hoặc vẫn có ý định làm hồ sơ vay vốn đóng tàu vỏ thép. Và thực tế, bên cạnh những vấn đề phát sinh vẫn có nhiều ngư dân thu lợi nhuận cao kể từ sau khi đưa con tàu mới vào hoạt động.
Tàu vỏ thép của ngư dân vươn khơi bám biển. |
Theo thông tin từ các cơ quan quản lý, các tàu vỏ thép ở H. Duy Xuyên được đóng bởi Công ty TNHH MTV đóng và sửa tàu Hải Sơn, Công ty TNHH Bảo Duy (TP Đà Nẵng), các tàu vỏ thép ở H. Núi Thành, Thăng Bình được đóng bởi Công ty Cổ phần đóng tàu Thiên Hậu Phước và Viện thủy sản Nha Trang. Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp H. Núi Thành trong chuyến biển đầu mùa 2017 đã có nhiều tàu thắng đậm. Như tàu vỏ thép Biển Dưỡng I mang số hiệu QNa-91697TS hành nghề chụp mực của ông Phan Bá Tầm (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang), sau chuyến biển 10 ngày đạt sản lượng 20 tấn mực tươi, doanh thu 325 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi lao động được 10 triệu đồng, chủ tàu được 100 triệu đồng. Hay tàu vỏ thép làm nghề chụp mực của ông Phạm Cương (thôn Đông Xuân), sau 2 chuyến bám biển đạt sản lượng khai thác 37 tấn mực tươi, doanh thu hơn 700 triệu đồng. Còn tàu lưới vây của ông Huỳnh Ngọc Huệ (thôn Đông Xuân), từ sau Tết đến nay ra khơi 2 chuyến biển khai thác hơn 20 tấn hải sản, doanh thu 400 triệu đồng... Ông Trần Công Chi, một trong hai chủ tàu 67 đầu tiên được đóng tại Quảng Nam cho biết: “Từ khi tàu hạ thủy đến nay, chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyến vươn khơi ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi chuyến với 30 lao động tham gia sản xuất. Những chuyến biển đầu đúng là gặp nhiều khó khăn bởi các thành viên chưa quen với cách hoạt động của tàu vỏ thép. Tuy nhiên, khi gặp sóng to gió lớn thì ở trên tàu rất yên tâm”. Ông Chi cho biết tàu vỏ gỗ vốn đã ăn sâu vào tập quán sản xuất của ngư dân ta cho nên khi mới tiếp xúc với tàu vỏ thép sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Từ khoang cá, khoang máy đến dàn ngư lưới cụ đều lạ lẫm. “Thêm nữa tàu vỏ thép rất nhanh bị rỉ sét bởi ngâm trong nước biển mặn, tuy nhiên nếu rỉ sét mà không ảnh hưởng đến hệ thống thì có thể chấp nhận được”, ông Chi chia sẻ.
Theo ngư dân Nguyễn Chúc (xã Duy Hải, H. Duy Xuyên): “Đóng mới tàu vỏ thép cùng chi phí sắm sửa ngư lưới cụ hơn 10 tỷ đồng nhưng tôi rất phấn khởi. Trước đây ra khơi bằng tàu vỏ gỗ dễ gặp rủi ro, năng lực sản xuất cũng không cao. Tàu vỏ sắt giúp ngư dân bám biển dài ngày, mở rộng ngư trường đánh bắt và cho giá trị kinh tế cao. Nghị định 67 được coi là một trong những chính sách quan trọng, là hệ thống các chính sách toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Tôi nghĩ ngư dân mình nếu muốn phát triển nâng cao khả năng sản xuất thì việc đóng tàu vỏ thép là đương nhiên”.
Theo thống kê ở Quảng Nam, 34/35 tàu vỏ thép đóng mới đi vào hoạt động, 1 tàu còn lại chủ tàu không chấp nhận máy chính do cơ sở đóng tàu lắp đặt nên chưa ra khơi. Trước thông tin, yêu cầu từ Chính phủ, các địa phương tại Quảng Nam cũng đã tiến hành các bước kiểm tra rà soát toàn bộ hệ thống tàu đóng theo Nghị định 67 tại Quảng Nam. Theo thông tin mà P.V ghi nhận được thì ngoại trừ con tàu bị hỏng máy của ngư dân Trần Văn Liên (đang đậu ở cảng Thọ Quang – Đà Nẵng) thì hầu như chưa có phát hiện nào đáng kể. Phần đông các con tàu vỏ thép vẫn đang hoạt động ổn định trên ngư trường. Sáng 5-7, trao đổi với ông Văn Bá Năm–Trưởng phòng Nông nghiệp H. Duy Xuyên, được biết trước thông tin những ngày qua về việc tàu cá vỏ thép Nghị định 67 tại Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa... hư hỏng đã ảnh hưởng đến tâm lý của ngư dân, nhất là những ngư dân đang có ý định vay vốn. “Hiện nay tại Duy Xuyên có 6 tàu vỏ thép đi vào hoạt động, 3 tàu đang chờ hạ thủy và 1 ngư dân đang làm hồ sơ vay vốn. Ngay sau khi có thông tin tàu vỏ thép xảy ra vấn đề, chúng tôi đã liên hệ tới các ngư dân để nắm tình hình tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp nào nghiêm trọng. Chúng tôi thừa nhận rằng trong những chuyến biển đầu tiên các ngư dân không đánh bắt thuận lợi, một phần do ngư trường, phần khác do chưa quen với tàu mới. Hiện nay, những con tàu này cũng đưa vào đánh bắt được hơn 1 năm đã tương đối ổn định nên chúng tôi cũng hy vọng không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào như những gì báo chí đã ghi nhận. Chúng tôi cũng mong muốn ngư dân hãy vững tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp tục tiếp cận nguồn vốn trong nghị định này”. Ông Năm cho biết thêm hiện nay ngành ngư nghiệp của huyện rất thiếu lao động và hầu hết đang đánh bắt ở ngư trường không có mặt tại địa phương. “Ngay sau khi tập hợp đủ lực lượng chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề lái tàu vỏ thép. Thông qua đó có thể giúp ngư dân phát huy hiệu quả hơn nữa con tàu đang sử dụng”, ông Năm thông tin.
Về phía tỉnh Quảng Nam, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, Quảng Nam tạo mọi điều kiện để ngư dân tiếp cận vốn vay đóng tàu. Về chính sách bảo hiểm, tỉnh đã thực hiện 20 lớp tập huấn tại các huyện, thị xã, thành phố, có gần 1.000 ngư dân tham gia. Nội dung tập huấn là phổ biến các quy định, điều kiện và hướng dẫn ngư dân thực hiện hồ sơ, thủ tục mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, ngư lưới cụ, bảo hiểm rủi ro đặc biệt. UBND tỉnh đã giải ngân hàng chục tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm từ sự phối hợp thẩm định, tham mưu của liên Sở NN&PTNT-Tài chính. Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổ chức 15 lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Đến nay, đã có 70 thuyền viên ngư dân tham gia thuộc 2 lớp ở huyện Thăng Bình và Núi Thành. Các lớp tiếp theo sẽ được triển khai trong thời gian tới, khi vụ cá chính khép lại, ngư dân có thời gian rảnh để tham gia.
ĐỒNG DAO