Quảng Nam - quê hương thứ 2
(Cadn.com.vn) - Cũng như nhiều sở, ban, ngành khác, mùa xuân Đinh Sửu năm 1997 đối với lực lượng CA tỉnh Quảng Nam là một khởi đầu mới với dấu ấn khó quên. Trong số hơn 1.000 CBCS "di cư" vào Quảng Nam lúc ấy, bây giờ nhiều người đã nghỉ hưu, những người còn lại đang giữ những vị trí quan trọng trong lực lượng CA tỉnh. 20 năm qua là cả một chặng đường dài họ đã cống hiến vì một quê hương thứ 2-Quảng Nam.
Quảng Nam vẫy gọi
Tâm sự với chúng tôi về những ngày tháng đầu khó khăn, gian khổ ấy, Đại tá Phan Văn Tri, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Nam nhớ lại: "Trước năm 1997, tôi công tác ở Đoàn thanh niên Công an Quảng Nam-Đà Nẵng. Khi mới nghe chủ trương chia tách tỉnh và điều động anh em ngoài Đà Nẵng vào Quảng Nam công tác, tôi có ý định xung phong đi. Nhưng nghĩ gia đình chỉ có mình tôi là con trai, cha mẹ đã già nên tôi có hỏi ý kiến ba tôi. Sau khi nghe tôi trình bày, ba tôi nói "con là thanh niên con nên đi, đừng vì cha mẹ già xin ở lại mà người ta đánh giá thấp. Cha mẹ già thì ai cũng có, đó với đây cũng không xa". Cùng với các anh em đồng nghiệp, khi ấy tôi vào Quảng Nam để lại sau lưng cha mẹ già, vợ và 2 con nhỏ. Tam Kỳ lúc đó là thị xã nhưng cơ sở hạ tầng, điều kiện KT-XH vô cùng khó khăn. Nói là thị xã nhưng người dân sống tập trung buôn bán nhỏ lẻ ở hai dãy phố Trần Cao Vân (đoạn từ ngã ba Trường Xuân đến ngã ba Nam Ngãi) và đường Phan Châu Trinh đoạn qua QL1A với độ dài chừng vài ba cây số, còn lại xung quanh là những làng quê nghèo. "Khi mới vào, khu nhà ở dành cho anh em trong ngành đồng thời cũng là nơi làm việc. Sếp ở chung với lính chứ không phân biệt cấp bậc. Mì tôm là món ăn thường xuyên của chúng tôi. Tối đến anh em thường rủ nhau đi soi ếch, bắt cá để cải thiện. Mình vốn xuất thân từ nhà nông nên gian khổ, khó khăn mấy cũng chịu được. Điều quan trọng lúc đó là tư tưởng, nhờ các cấp lãnh đạo làm tốt công tác tư tưởng nên anh em yên tâm công tác".
Khi mới vào Quảng Nam, Đại tá Phan Văn Tri mới cấp bậc đại úy nhưng được cấp trên tín nhiệm bổ nhiệm Phó phòng Tổ chức, đến năm 2004 lên Trưởng phòng. Năm 2008 được điều động giữ chức Trưởng phòng An ninh kinh tế. Đầu 2012 đồng chí được điều động giữ chức Trưởng CAH Phú Ninh và đến 6-2014 được điều về giữ chức Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT... Dù ở cương vị nào, Đại tá Phan Văn Tri vẫn hết mình với công việc, luôn được cấp trên tin tưởng, quý mến.
Đại tá Phan Văn Tri với những quyết định bổ nhiệm, luân chuyển công tác 20 năm qua. |
Bài thơ "Về với Quảng Nam" của Đại tá Phan Văn Tri đăng trên đặc san CA tỉnh Quảng Nam. |
"Gia đình" là điểm tựa
20 năm là quãng thời gian mà Đại tá Tri cũng như nhiều người khác phải lặp đi lặp lại điệp khúc "đầu tuần xách cặp đi, cuối tuần mang cặp về" với khoảng cách di chuyển hơn 70km. "Quê gốc ở Hòa Xuân, nhưng nhà ở đường Lý Tự Trọng nên cứ mỗi sáng đầu tuần, vợ tôi lại chở tôi lên đường Nguyễn Thị Minh Khai để lên xe tập thể của cơ quan vào Tam Kỳ. Tối cuối tuần vợ lại đến đấy đón tôi về. Trừ những hôm ở lại trực, còn lại điệp khúc "đưa đón" cứ diễn ra lại suốt 20 năm qua"-Đại tá Tri tâm sự. Nói về người vợ của mình, Đại tá Tri tự hào cho biết chính chị là người sẻ chia, quán xuyến việc nhà nên đã tạo điểm tựa vững chắc để anh hoàn thành tốt công việc trong suốt những năm qua. "20 năm qua, dù không có việc làm ổn định nhưng vợ tôi đã chăm sóc con cái trưởng thành, chăm lo cha mẹ chu đáo, để tôi yên tâm công tác". Thương quý người vợ đảm đang nên trong những ngày xa nhà, Đại tá Tri đã làm bài thơ "Thư cho vợ hiền" nhằm chia sẻ, trong đó có đoạn: "Anh lên đường vì nhiệm vụ quê hương/ Bố mẹ già, hai con thơ dại/ Và nợ nần em gánh nặng đôi vai.../ Anh vẫn biết những đêm đông hiu quạnh/ Em đơn côi trong trống vắng suy tư/ Nhớ những sớm mai ngậm ngùi em đưa tiễn/ Ngày cuối tuần em rất đổi mừng vui..."...
Đại tá Tri tâm sự thêm: "Cũng như tôi, những người trong "chuyến công tác đặc biệt" năm 1977 đó hiện vẫn còn nhiều người đang giữ chức vụ quan trọng của CA tỉnh Quảng Nam như Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự CA tỉnh; Đại tá Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế; Đại tá Lê Văn Đức - Trưởng phòng Cảnh sát Ma túy... 20 năm mà cứ như mới vừa 2 năm. Thời gian trôi nhanh quá. Đi đi về về riết rồi thành quen, khoảng cách 70km giữa Tam Kỳ và Đà Nẵng trở nên ngắn lại. Giờ đối với tôi, Quảng Nam đã là quê hương thứ 2 lâu lắm rồi".
Còn với Đại tá Phan Văn Tri, bài thơ "Về với Quảng Nam" anh sáng tác đăng trong đặc san của CA tỉnh Quảng Nam nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam đã nói lên những tâm trạng và niềm tự hào trong chặng đường qua: "Năm ấy, tháng giêng, một thoáng buồn!/Vợ hiền nước mắt lại trào tuôn/Nhà cửa đơn sơ, con nhỏ dại/ Tiếng gọi lên đường, sao vấn vương?/Ngày rộng, tháng dài, miền quê mới/Gian nan rèn luyện chốn thao trường/Công việc hằng ngày bao vất vả/Phấn đấu hy sinh tự nhủ mình/Thuở trước, cha, anh ra tiền tuyến/Chẳng chút đắn đo, chút nghĩ suy/Hy sinh xương máu cho dân tộc/Gian khổ hiểm nguy chẳng sá gì/Nối gót tiền nhân, bao thế hệ/ Chung tay xây dựng nước yên bình/Đảm bảo an ninh, yên trật tự/Quả thật đây! Nhiệm vụ của mình/Thấm thoát đã hơn mười năm trường/Quảng Nam trăm mến với ngàn thương/ Dẫu bao gian khó và thử thách/Vẫn nặng ân tình với quê hương.
Có thể thấy, lớp người đi "mở cõi" của lực lượng CA tỉnh Quảng Nam khi đó giờ đa phần đã nghỉ hưu, những người còn lại tuổi đời công tác cũng chỉ còn tính bằng tháng, ngày. Và không thể phủ nhận, chính lực lượng "tiên phong" khi ấy đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển mạnh mẽ của CA tỉnh nói riêng và của Quảng Nam nói chung như ngày hôm nay.
Trần Tân