Quảng Nam: Tìm giải pháp bảo tồn voi rừng
(Cadn.com.vn) - Trước những thông tin, hình ảnh ghi lại đàn voi xuất hiện tại khu vực bìa rừng xã Quế Lâm (H. Nông Sơn, Quảng Nam) thời gian gần đây, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo, đưa ra những giải pháp hướng đến bảo tồn loài động vật quý này. Việc voi rừng "hạ sơn" cho thấy những chuyển biến tích cực về đa dạng sinh học đồng thời mang đến những tín hiệu vui. Tuy nhiên, làm thế nào để xây một "ngôi nhà" vững chãi cho voi đang là những thách thức đặt ra cho các ngành chức năng.
7 cá thể voi được người dân thôn Cấm La (xã Quế Lâm, H. Nông Sơn, Quảng Nam) phát hiện |
Tín hiệu vui
Sau Tết Nguyên đán vừa qua, anh Tăng Tâm (trú thôn Cấm La, xã Quế Lâm), đi thăm rẫy, vừa đến bìa rừng thì phát hiện đàn voi 7 con, trong đó có một voi con xuất hiện, chỉ cách nhà dân khoảng 1km. Khi thấy người, chúng sợ hãi trốn ngay vào rừng. Theo người dân địa phương, trước đây, vào giữa tháng 7-2016, có 6 cá thể voi ra kiếm ăn tại khu vực Khe Rong. Được biết, năm 2002 qua công tác khảo sát của đoàn chuyên gia thuộc Tổng cục Lâm Nghiệp trên địa bàn H. Nông Sơn đã phát hiện trên 6 cá thể voi dòng Châu Á hiện sống trong môi trường tự nhiên thuộc địa bàn hai xã Quế Lâm, Phước Ninh H. Nông Sơn. Qua khảo sát, các chuyên gia phát hiện đàn voi ở Quảng Nam có đầy đủ cá thể đực, cái, voi nhỡ và con non. Ngoài ra còn phát hiện thêm 2 cá thể voi khác tại xã Phước Gia, H. Hiệp Đức.Việc đàn voi hay xuất hiện là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng đưa chúng vào tình thế nguy hiểm tính mạng trước những kẻ xấu. Trước đây khi chưa ghi nhận được hình ảnh cụ thể của voi, H. Nông Sơn cũng đã tổ chức nhiều buổi họp liên quan đến vấn đề bảo vệ voi, phổ biến cách ứng phó trong dân khi đi rẫy gặp voi rừng. Ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H. Nông Sơn, cho hay, khu vực rừng núi này tương đối rộng lớn nên có nhiều loài sinh vật quý hiếm sinh sống trong đó có voi. Từ những năm 2004, 2005 Hạt kiểm lâm cũng đã ghi lại được một số hình ảnh cá thể voi kiếm ăn và sinh hoạt trong rừng sâu. Đàn voi có thể duy trì nòi giống và sinh sống trong thời gian dài tại khu vực rừng H. Nông Sơn cho thấy sự đa dạng sinh học nơi đây. Thời gian qua, ngành Kiểm lâm H. Nông Sơn cũng đã tăng cường theo dõi, nghiêm cấm, chống những hành vi xấu xâm hại đến cuộc sống hoang dã của loài vật quý này. Sau khi voi rừng xuất hiện, chính quyền H. Nông Sơn và Hạt kiểm lâm huyện đã tổ chức 2 đợt tuyên truyền, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ voi. Đồng thời trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về việc tự bảo vệ bản thân khi bị voi tấn công. Mỗi một hộ dân đều có một hệ thống loa di động và một lư đồng dùng để đuổi voi trở lại rừng.
Dấu chân voi rừng được người dân phát hiện khi đi rẫy. |
Người dân khua thau nhôm, đồng xua đuổi khi gặp voi rừng. |
"Xây nhà" cho voi
Trong khuôn khổ Tuần lễ "Voi-người là bạn" diễn ra vào cuối tháng 8-2016, H. Nông Sơn đã tổ chức Hội thảo liên ngành: "Giải pháp bảo vệ rừng gắn với bảo tồn Voi; Tìm kiếm cơ hội phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn H. Nông Sơn". Ông Nguyễn Chí Tùng, Phó Chủ tịch huyện cho biết cần khẩn trương xúc tiến việc thành lập Khu bảo tồn và BQL Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, từng bước hình thành các điểm du lịch, các dịch vụ sinh thái đi kèm như: dã ngoại, cắm trại, đốt lửa trại trong rừng, xem thú từ chòi cao... Tăng cường chỉ đạo các địa phương chú trọng hơn nữa trong công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, xử lý nghiêm các vụ án phá rừng trái phép, tạo sự răn đe đối với các đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm tỉnh từ những năm trước đã có những cuộc thăm dò lấy ý kiến từ những chuyên gia nghiên cứu sinh học và có kế hoạch xây dựng khu bảo tồn loài sinh vật cảnh voi tại khu vực xã Quế Lâm. Theo đó, sẽ có 18.000ha rừng đặt dụng tại khu vực xã Quế Lâm được quy hoạch để đưa các cá thể voi về sinh sống. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gửi các cơ quan thẩm quyền để xin chủ trương, gửi Bộ NN&PTNT kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ và theo kế hoạch sẽ triển khai trong thời gian tới. Tính đến việc sau khi xây được "ngôi nhà" vững chãi cho voi, H. Nông Sơn sẽ biến nơi đây thành điểm tham quan du lịch, thu hút du khách để quảng bá về hình ảnh voi. Đã có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác, tuy nhiên, về lâu dài, xác định được mục tiêu nào là quan trọng nên chính quyền H. Nông Sơn đang cân nhắc kỹ bài toán phát triển kinh tế gắn với bảo tồn động vật hoang dã. Trước mắt, hưởng ứng dự án "Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020" của Tổng cục Lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm H. Nông Sơn sẽ tăng cường theo dõi, giám sát, bảo vệ đàn voi trong thời gian chờ để đưa voi về "nhà".
Trong khi chờ Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi được thành lập, huyện cũng đang đề nghị Dự án khẩn cấp bảo tồn voi của Tổng cục Lâm nghiệp hỗ trợ kinh phí giúp cho người dân trong vùng cảnh quan bảo vệ rừng gắn với bảo vệ voi; Đầu tư trang thiết bị để ghi lại hình ảnh voi, nắm rõ khu vực voi thường kiếm thức ăn để theo dõi, cảnh báo nhân dân phòng tránh xung đột voi-người.
Phi Nông-Đồng Dao