Quảng Nam vào vụ nuôi tôm mới: Thận trọng trước diễn biến bất lợi của thời tiết
(Cadn.com.vn) - Từ đầu tháng 3 đến nay, các hộ nuôi tôm vùng triều ở Quảng Nam mới đồng loạt thả giống nuôi tôm vụ 1 năm 2016. Ông Trần Văn Tuân (xã Bình Nam, H. Thăng Bình) cho biết, việc xuống giống tôm vụ 1 trễ so với lịch của tỉnh là do trong tháng 2 thời tiết có những thay đổi bất lợi. Gia đình ông Tuân có 3 ao nuôi tôm với tổng diện tích 10.000 m2. Hiện, gia đình đã thả nuôi 3 vạn con tôm giống, mật độ 50 con/m2. “Năm nay gia đình tôi nuôi mật độ thưa để con tôm dễ phát triển. Bên cạnh việc cải tạo ao nuôi bằng chlorin, phơi nắng, diệt khuẩn, nguồn nước cũng được đưa vào ao lắng, xử lý trước khi đưa vào ao nuôi. Với quy trình khép kín, con giống được mua từ công ty uy tín, chắc chắn vụ này chúng tôi sẽ thành công hơn năm trước” - ông Tuân kỳ vọng.
Các hộ nuôi tôm ở Bình Nam, Bình Sa, Bình Hải (H. Thăng Bình) cũng đồng loạt thả giống vụ 1 năm 2016, với hơn 50% tổng diện tích ao nuôi (136,6 ha). Mật độ nuôi thả bình quân 50-70 tôm giống/m2. Ông Lê Đình Tường - Phó phòng Kinh tế TP Hội An cho biết, trên địa bàn thành phố đã có 100/180 ha ao nuôi tôm đã được các nông hộ thả nuôi, tập trung ở các xã Cẩm Hà, Cẩm Thanh. Các xã nuôi tôm nước lợ vùng triều cửa An Hòa ở phía Nam của tỉnh Quảng Nam được ngành chức năng xếp lịch xuống giống chậm hơn vùng triều Cửa Đại phía Bắc, nhưng đến nay cũng đã có hơn 40% diện tích được bà con thả nuôi. Các xã Tam Tiến, Tam Giang, Tam Hải (H. Núi Thành) chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt trên cát. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, đến thời điểm này, trong tổng số 1.500ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều, đã có 500 ha được thả nuôi. So với lịch nuôi tôm của Sở NN&PTNT Quảng Nam, hầu hết các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đều chậm thả giống 15-20 ngày, vì thời tiết trong tháng 2 rất bất lợi, không khí lạnh liên tục tăng cường, tôm nuôi rất dễ bị bệnh.
Người dân vùng triều Quảng Nam khẩn trương cải tạo ao hồ để thả giống tôm. |
Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, các bất lợi về thời tiết sẽ khiến cho việc nuôi tôm nước lợ trong vụ 1 năm 2016 gặp khó khăn. Do đó, người nuôi nên thả giống với mật độ thấp, khoảng dưới 50 con/m2 để giảm rủi ro. Để phòng ngừa tôm nuôi nhiễm bệnh, trong quá trình nuôi, các hộ dân đang chuẩn bị thả giống cần chú ý theo dõi thời tiết cũng như tình hình bệnh trên tôm nuôi để có kế hoạch thả nuôi phù hợp. Đối với các ao nuôi tôm lót bạt có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, không bị ngập lũ lụt, có ao xử lý nước thải và đảm bảo điều kiện nuôi thâm canh, nông dân có thể thả nuôi quanh năm. Ao nuôi ở vùng triều ven sông có hạ tầng đạt yêu cầu (bờ ao chắc chắn, ao nuôi giữ được nước thường xuyên đảm bảo độ sâu trung bình 1,2 - 1,5 m, đáy ao ít bùn, ít tích tụ mùn bã hữu cơ), nông dân có thể thả nuôi 2 vụ/năm. Những ao không đảm bảo điều kiện chỉ nên nuôi 1 vụ tôm hoặc nuôi các đối tượng khác như cua, cá nước lợ (rô phi, chẻm, dìa, cá chim vây vàng,...) hoặc nuôi ghép (cua - tôm, tôm - cá, cá - rong,...).
Ngư dân trúng đậm mực cơm Những ngày qua, ngư dân vùng bãi ngang ven biển Quảng Nam liên tục trúng đậm mực cơm. Sau chuyến đi biển, mỗi phương tiện cập bờ với 2-3 tạ mực cơm. Hiện giá mực dao động từ 60 - 120 nghìn đồng/kg tùy theo loại, nhiều tàu thu được 12-15 triệu đồng/chuyến biển, trừ chi phí mỗi lao động thu nhập hơn 1,5 triệu đồng... Riêng xã Bình Minh (H. Thăng Bình) có gần 200 phương tiện làm nghề mành mùng và chụp mực, sau một đêm đánh bắt ở ngư trường lộng, các phương tiện chuyển vào bờ hàng chục tấn mực tươi để tiêu thụ. Th. Hà |
Mới vào đầu vụ nuôi tôm năm 2016, thế nhưng hiện tượng tôm chết rải rác vẫn xảy ra ở một vài địa phương. Để tránh dịch bệnh tràn lan trên tôm nuôi, Sở NN&PTNT khuyến cáo các hộ nuôi cần có ao chứa lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi và phải xử lý trước khi thải ra bên ngoài. Đối với các ao nuôi bị nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp thì nông dân cần xử lý triệt để bằng chlorin (30kg/1.000m3 nước), khoanh vùng, cách ly, không xả nước thải, tôm chết ra môi trường bên ngoài. Các địa phương ven biển cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện thả tôm giống của người nuôi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về môi trường, phòng chống dịch bệnh trên thủy sản.
Hướng đến tính bền vững cho vụ nuôi tôm này, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam chủ động thực hiện công tác giám sát và thu mẫu định kỳ trên tôm nuôi. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống, thức ăn, hóa chất, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về chất lượng, đăng ký theo quy định. Chủ cơ sở nuôi tôm khi phát hiện tôm nuôi nhiễm bệnh hoặc chết bất thường phải khẩn trương thông tin về UBND xã, ngành Thủy sản cấp huyện và các hộ nuôi xung quanh. Khi nhận được tin, ngành Thủy sản cấp huyện phải cử ngay cán bộ kỹ thuật đến hiện trường kiểm tra, hướng dẫn xử lý tạm thời, đồng thời báo về Chi cục Nuôi trồng thủy sản đến kiểm tra, xử lý. Ngành Thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và người nuôi xác định nguyên nhân gây bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng trị bệnh để các chủ hộ nuôi chủ động khắc phục.
Th. Hà