Quảng Trị sẵn sàng vào năm học mới

Thứ ba, 03/09/2024 13:45

Không khí chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2024-2025 đang rộn ràng trên khắp trường học Quảng Trị. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao nhất, ngành giáo dục Quảng Trị tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, điển hình, tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục tồn tại, hạn chế.

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương chia vui với học sinh Trường THPT Hướng Phùng được trao tặng phòng máy vi tính.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Trị kết nối nhà tài trợ trao quà cho học sinh khó khăn trước thềm năm học mới 2024-2025.

Thêm giải pháp khắc phục thừa, thiếu giáo viên

Năm học 2024 – 2025 là năm học Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 được triển khai ở tất cả các bậc học và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo CTGDPT 2018. Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương cho biết, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, ngành giáo dục Quảng Trị xác định chủ đề năm học này là: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD-ĐT” với nhiều nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra.

Tính đến tháng 8-2024, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 200/366 (chỉ tính khối các trường công lập). Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa; tỷ lệ phòng học kiên cố các cấp tăng. Năm học mới, Quảng Trị vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên và đây là vấn đề luôn được ngành GD-ĐT Quảng Trị quan tâm nhất nhằm đáp ứng đội ngũ giáo viên thực hiện CTGDPT 2018. Theo đó, ngành giáo dục Quảng Trị đã chủ động có nhiều giải pháp khắc phục và đã phát huy hiệu quả. Nổi bật trong đó là kết quả tiếp nhận 3 viên chức để bố trí cho các đơn vị; tuyển dụng được 24 viên chức, thuyên chuyển 24 trường hợp, điều động luân phiên trong thời gian 1 năm học đối với 20 giáo viên từ đơn vị thừa đến đơn vị thiếu; điều động luân phiên 22 giáo viên đã công tác trong thời gian 1 năm học đến hạn trở về đơn vị cũ.

Đối với khối các phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố cũng đã tích cực sắp xếp, bố trí đội ngũ, từng bước đảm bảo cơ cấu, khắc phục dần thực trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên các môn học, cơ bản đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông theo CTGDPT 2018. Kết quả đã tuyển dụng 174 viên chức, tiếp nhận 67 viên chức, sắp xếp chuyển đi ngoại huyện 75 viên chức, thuyên chuyển trong huyện, thị xã, thành phố 151 viên chức, điều động luân phiên và bố trí dạy liên trường 147 viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 243 cán bộ quản lý, cho thôi việc 11 viên chức.

Đặc biệt, Phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND các huyện bố trí cơ bản đảm bảo giáo viên Tiếng Anh, Tin học để tổ chức giảng dạy theo CTGDPT 2018, trong đó đã khắc phục việc thiếu giáo viên Tin học ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Năm học 2024-2025, ngành giáo dục Quảng Trị đặt thêm giải pháp xây dựng cơ chế đặt hàng với các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, khắc phục tình trạng thừa, thiếu nhân lực sư phạm cục bộ.

Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cũng yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho năm học mới, nhất là rà soát, tổng hợp tình hình biên chế đội ngũ khối trực thuộc Sở và của toàn ngành hiện nay để có chiến lược, chủ động trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học đảm bảo hợp lý, khoa học; phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương để luân chuyển giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu được giao cho từng cấp học về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2024 đạt tỷ lệ 62% và năm 2025 là 70% theo chỉ tiêu của HĐND, UBND tỉnh giao.

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương chia vui với học sinh Trường THPT Hướng Phùng được trao tặng phòng máy vi tính.

Nâng bước đến trường

Trước thềm khai giảng năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương đã tham gia cùng đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị và CLB Phóng viên thường trú Quảng Trị ngược lên vùng biên giới để trao quà cho các em nhỏ trường mầm non xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa). Tại đây, nhà trường và các em nhỏ đã đón nhận nhiều quà tặng ý nghĩa gồm hơn 260 bộ quần áo, 2 chiếc tivi. Nhân dịp này, Phòng GD-ĐT cũng tặng 200 chiếc áo cho trẻ. Trong không khí thương yêu, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cũng động viên, tặng 10 phần quà đến giáo viên có hoàn cảnh khó khăn và mong các thầy, cô nhiệt huyết bám trường bám lớp, chăm sóc, dạy dỗ các em, chúc cho năm học mới nhiều thắng lợi. Giám đốc Sở GD–ĐT cũng bày tỏ sự cảm ơn đến những quan tâm quý giá mà nhiều đơn vị, tổ chức đã, đang hướng đến nhà trường và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, tại Trường THPT Hướng Phùng, ngành GD-ĐT Quảng Trị phối hợp các đơn vị tài trợ trao tặng phòng máy vi tính cho nhà trường và quà tặng cho học sinh, giáo viên, tổng trị giá 150 triệu đồng.

Ngay trước thềm khai giảng, hoạt động “Nâng bước em đến trường” còn được nối dài bởi hành trình thiện nguyện của Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tại trường TH&THCS A Ngo, huyện Đakrông. Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao tặng 420 suất quà gồm áo quần, ba lô, dụng cụ học tập và bánh kẹo, mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng cho 420 em học sinh khối tiểu học. Ban Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã kịp thời phối hợp nhà tài trợ đến từ Hà Nội, tổ chức chương trình hỗ trợ cho các em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập. Trong đó, đoàn đã hỗ trợ 8 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng cho 8 cháu tại địa bàn các xã Trung Nam, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thái, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê và thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh.

Còn nhiều suất học bổng, quà tặng đang hướng đến học sinh khó khăn từ vùng núi xuống đồng bằng Quảng Trị. Đó có thể là bộ đồng phục, chiếc cặp sách mới hay sân chơi, đồ dùng học tập. Tất cả vì một mục tiêu sẻ chia, nâng bước các em đến trường, mở ra tương lai tươi sáng mai này, góp sức vào xây dựng quê hương, đất nước.

Bảo Hà

Năm học mới, các huyện miền núi Nghệ An tiếp tục “khát” giáo viên tiếng Anh

Tình trạng thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học ở Nghệ An diễn ra trong nhiều năm nay, trong đó phổ biến nhất là các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong... Để đảm bảo công tác dạy học, Phòng GD-ĐT các huyện phải bố trí giáo viên dạy liên trường. Hàng năm các địa phương đều tổ chức tuyển dụng giáo viên nhưng tỷ lệ nộp hồ sơ ít, không đủ chỉ tiêu đề ra.

Quảng Ngãi tìm phương án phù hợp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tổ chức các kỳ thi tuyển giáo viên, nhưng trước thềm năm học mới 2024-2025, Quảng Ngãi vẫn thiếu khoảng 900 giáo viên ở tất cả các cấp học.

Huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non

Ngày 4-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo (Ủy ban) chủ trì Phiên họp của Ủy ban về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.