Quê nhà ngày tháng cũ
1. Bác Hồ ơi!
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, vợ chồng chú Toàn đều là du kích xã. Nói là vùng tự do, nhưng ở địa đầu xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn) trên đoạn đường Quốc lộ 1 này có đồn Bà Rén của quân Pháp án ngữ. Chuyện đánh nhau giữa quân Pháp đi lùng (càn quét) với du kích diễn ra như cơm bữa.
Bác Hồ luôn ở trong trái tim của người dân miền Nam (Ảnh: Bác Hồ với các thiếu niên Dũng sĩ miền Nam). |
Trong một trận đánh giáp lá cà, khoảng năm 1949, thím Toàn trúng đạn bị thương, bọn lính Pháp bao vây bắt đưa về đồn Bà Rén tra khảo cả tháng trời. Chúng cố dò tìm căn cứ cách mạng, nơi đóng quân của bộ đội ta, nhất là tướng Đàm Quan Trung. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tướng Trung là chỉ huy mặt trận Đà Nẵng đầu tiên, năm 1947 là Phó Tư lệnh Quân khu V. Ông thường cưỡi ngựa chỉ huy bộ đội đánh Pháp lấn ra vùng tự do các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, và đi kiểm tra tình hình sát đồn bót địch giữa ban ngày như vào chỗ không người, khi bọn địch phát hiện nổ súng, ông phóng ngựa chạy như bay để tránh đạn. Có nhiều giai thoại kể về ông, như chuyện ông cưỡi ngựa quần thảo với chiếc máy bay “bà già” L.19 của Pháp giữa bãi cát trắng làng Xuân Yên (Hương Yên) nay thuộc xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, suốt hàng giờ đồng hồ, máy bay vẫn không đuổi bắn được ông. Hay như chuyện, trong lần trao trả tù binh giữa ta và Pháp diễn ra ở Cống Ba, trên Quốc lộ 1, đoạn xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn ngày nay. Đúng 10 giờ sáng, ông cùng một số bộ đội của ta đưa 3 tù binh Pháp đi theo sau ngựa của ông đến nơi. Bất ngờ thấy ngựa của tướng Đàm Quang Trung xuất hiện, bọn Pháp đi đón, thả ngay hàng chục cán bộ, du kích của ta, rồi quay đầu tháo chạy, không kịp nhận 3 người lính của chúng đưa về đồn Bà Rén...
Trong số người của ta được trao trả hôm ấy (1950) có thím Toàn. Thím mừng và khóc to như người chết được sống lại, vì quá bất ngờ gặp tướng Trung, chú bộ đội Cụ Hồ, con nuôi thân thiết nhất của gia đình thím, mà thím cho là đã đi tìm cứu thím và anh em đồng đội. Bữa đó, thím được tướng Trung ưu tiên cho cưỡi ngựa cùng ông đưa về nhà giữa sự vui mừng, reo hò của bà con lối xóm.
Sau ngày hòa bình, 1954 đến 1960, vợ chồng chú Toàn không dưới hàng chục lần bị bọn địch bắt xuống xã, lên quận giam cầm, đánh đập không từ một hành động dã man nào, với lý do là chú thím làm du kích, nhận nuôi bộ đội Cụ Hồ hồi đánh Pháp, rồi tiếp tục làm cơ sở cho cách mạng, đưa con thoát ly lên núi, đi rải truyền đơn, xúi giục bà con đi đấu tranh không chịu vào ấp chiến lược...
- “Tội lớn như thế, phải làm cho tan gia hại sản”...
Bọn chúng nói là làm, liền cho lính trên quận xuống đốt nhà chú thím, khuấy động cả chòm xóm. Bà con họ hàng kéo đến cứu chữa, la hét, chửi mắng thậm tệ vào mặt bọn tay sai hung ác.
Bọn giặc say máu nổ súng chát chúa từng hồi uy hiếp, giằng co, xô đẩy bà con đến lúc một đông. Vợ chồng chú Toàn bị mấy tên lính giữ chặt. Thím Toàn cắn răng quay nhìn ngọn lửa đang rần rật bốc cháy như thiêu đốt trái tim thím, hai dòng nước mắt ứa ra lăn xuống đôi má chai sạm tóp teo vì năm tháng dãi dầu giữa vòng kìm tỏa của kẻ thù. Bỗng thím vụt thoát khỏi đôi tay như gọng sắt của tên lính, lao nhanh vào nhà, rồi quay ra, hai tay ôm chặt chiếc ống tre ngắn, hai đầu nút kín. Không ai hiểu chuyện gì. Bọn địch giằng lấy ống tre sợ sệt đập vỡ ném trở vào đám lửa. Thím lại nhào vô lấy lại, và tức khắc rút ra tấm ảnh Bác Hồ lớn bằng trang vở học trò đưa lên khỏi đầu, hô to:
- Bà con ơi! Bác Hồ! Bác Hồ! Bà con ơi! Bác Hồ muôn năm!
Một tên lính rồ dại, hốt hoảng xả súng bắn thím ngã gục tại chỗ, cùng với tấm ảnh Bác Hồ thím ôm chặt trong lòng.
Tấm ảnh duy nhất của tướng Đàm Quang Trung tặng thím trong những ngày đầu kháng chiến, mà thím là “Mẹ, chị chiến sĩ” đã nuôi nấng, chăm sóc đứa con bộ đội Cụ Hồ, từ Việt Bắc xa xôi vào sống trong gia đình nghèo khó của thím để đi đánh giặc cứu nước, cứu nhà theo tiếng gọi của Bác Hồ kính yêu.
Hình tượng Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng, đề tài vô tận với các văn nghệ sĩ (trong ảnh: Mãi đến hôm nay, cựu chiến binh Trần Ngọc (nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu V) vẫn say mê vẽ chân dung Bác Hồ). |
2. Tấm ảnh ngày xưa
Vật đổi sao dời. Mười năm sau (1954-1963), khi lên chiến khu giải phóng, tôi gặp lại thầy. Phải mất nhiều ngày sau tôi mới dám hỏi thầy, vì lúc đó thầy có tên là Hoàng Minh Hiệu - Phó trưởng ban Ban Tuyên Văn Giáo tỉnh Quảng Nam.
- Dạ thưa thủ trưởng. Có phải thủ trưởng là thầy Duy, tập kết về.
Thầy sửng nhìn tôi (còn bạch diện thư sinh, chưa có bộ đồ bà ba, dép cao su, mũ tai bèo, mà tóc tai thì còn bù xù, da trắng bóc, áo sơ-mi chim cò, quần ống thổi lửa bó sát người, chân đi dép rọ...).
- Sao cậu biết?
Câu trả lời khô, lạnh lùng. Tôi ráng đáp lời thầy:
- Dạ em nhớ mang máng... là thầy dạy ở trường Quế Sơn 2, em có học thầy.
- Được rồi, cứ gọi tôi là Hiệu, không thủ trưởng, thủ phó gì. Mà cậu học lớp mấy hồi đó. Làm gì, ở đâu lên đây?
Câu chuyện sau đó dài dài. Rồi hai thầy trò thân nhau như anh em. Một hôm thầy bảo tôi:
- Lãnh đạo Ban có bàn. Thấy cậu viết, vẽ được. Mình có duy nhất tấm ảnh Bác Hồ trong cuốn lịch bỏ túi, tặng cậu. Làm thế nào, theo đó cậu vẽ to ra, vẽ càng được nhiều tấm càng tốt. Tỉnh đang cần có ảnh Bác để trang hoàng các ngày lễ, hội nghị, đại hội, kết nạp Đảng, Đoàn và gửi về cho các huyện, thị.v.v...
Cầm cuốn lịch thầy trao vừa mừng vừa run. Tôi có biết vẽ truyền thần đôi chút, nhưng ở giữa núi rừng thâm u như thế này, lấy thứ gì mà vẽ. Mấy hôm sau tôi thưa thiệt với thầy:
Giấy vẽ crô-ki, bột màu (xốt), bút chì than làm sao có được. Còn màu đen thì đốt đèn dầu hỏa lấy khói, bút vẽ cuốn giấy và vót que tre, cục tẩy cắt từ dép cao su, bông có sẵn ở y tá, bảng gắn giấy để vẽ có thể đan tấm tre rồi bồi nhiều lớp giấy báo cũ...
Thầy lại chỉ động viên gọn một câu, và coi vẽ chân dung như sang ảnh chụp:
- Cậu cố gắng. Nhiệm vụ của cậu đấy. Cần gì hỏi anh em cơ quan.
Vinh dự này đối với tôi quá lớn. Mới chân ướt chân ráo lên núi còn đặc chất phố, trẻ người non dạ, buồn bã, nhớ nhà, ăn ngủ chưa yên, đã được cách mạng tin tưởng giao việc, lại là công việc hệ trọng. Tôi hiểu, những bức chân dung Bác Hồ trong lúc này có sức hiệu triệu, lay động, cổ vũ lớn lao với bất cứ người nào đang trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt. Chỉ trông thấy Bác Hồ là lạc quan, tin tưởng, yên lòng; là quên đi tất cả nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn, đến cả sự hy sinh, ốm đau, thương tật, sẵn sàng xả thân vì cách mạng, vì Bác.
Tôi lo quá, cứ lấy ảnh Bác ra xem rồi lại cất vào gùi. Cuối cùng nhờ mấy anh trong Đội tuyên truyền vũ trang của Ban xuống vùng sâu móc nối cơ sở ở thị xã Tam Kỳ ra Đà Nẵng tìm được bột màu và duy nhất một cuộn giấy vẽ cỡ 30 x 40cm đem về. Tức tốc báo cáo cơ quan, tôi ra nóc Ông Đề gần mỏ vàng Bồng Miêu (huyện Nam Tam Kỳ), giáp huyện Trà My, tôi loay hoay, cặm cụi, cố đem hết tâm trí ra ngồi vẽ bằng các vật dụng cần thiết mà tôi đã chuẩn bị. Vừa vẽ, mà lòng miên man mơ ước làm sao được gặp Bác Hồ; làm sao cho bà con vùng giải phóng, vùng tạm chiếm đô thị thấy được Bác Hồ; nếu được ở thành phố, tôi sẽ tìm một nơi kín đáo vẽ to bức chân dung Bác bằng sơn dầu lồng trong khung kính trang trọng, chứ không khó khăn gò bó như thế này.
Khoảng ba ngày sau tôi hoàn thành chân dung Bác khá đẹp. Người đầu tiên tôi hồi hộp trình duyệt là thầy Hiệu, với tư cách là thủ trưởng cơ quan. Ra chỗ tôi ngồi vẽ, thầy rất đỗi ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết, cứ thế đứng nhìn ảnh Bác, rồi đưa tay vỗ vỗ, xoa xoa mãi đầu tôi. Hai thầy trò ôm nhau không khóc mà nước mắt giọt ngắn giọt dài trong niềm xúc cảm không cùng.
Mấy năm sau ngày giải phóng, trong một lần đưa đoàn nhà báo ở Hà Nội đến tham quan Nhà bảo tàng Quân khu V, Đà Nẵng, như không tin vào mắt mình, tôi lặng đi trước bức chân dung Bác Hồ được đặt trong tủ kính ở gian trưng bày truyền thống cách mạng. Bức ảnh có một vài chỗ sây sát và phai màu, nhưng đôi mắt Bác vẫn tinh anh, mái tóc Bác trắng như mây, chòm râu và nụ cười Bác hiền từ. Dưới góc bức ảnh có ghi năm vẽ và tên tôi.
Cứ thế, tôi ngắm Bác như lần đầu. Trong chốc lát, bao nhiêu kỷ niệm cùng lúc ùa về. Thầy tôi (thủ trưởng Hiệu) đã hy sinh trong một trận B52 Mỹ rải thảm, bà con dân tộc Cơ Tu đều mang họ Hồ ở nóc Ông Đề, đã vây quanh ảnh Bác trầm trồ... Anh chị em ở cơ quan tôi, có người lần đầu tiên thấy Bác Hồ đã không nén được xúc động... Tỉnh ủy lúc đó có chân dung Bác cỡ lớn treo ở văn phòng trên căn cứ... Chi tiết sau cùng được cô thuyết minh ở Bảo tàng cho biết - Bức chân dung Bác sau đó được chuyển cho Tỉnh đội Quảng Nam và là hiện vật cao quý nhất được trao tặng cho đơn vị Quân giải phóng Quảng Nam trong trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành lừng lẫy chiến công.
Mới đó mà đã 55 năm? Ngày nay, hình ảnh Bác Hồ không chỉ hiện diện, đằm sâu trong trái tim, tâm trí các thế hệ dân tộc Việt, mà đến năm châu bốn biển cũng biết đến Người. Nhưng ngày ấy ở chiến trường hình bóng Bác thiêng liêng và lay động biết chừng nào!
3. Nhớ ngày 29 tháng 3
Nghe Huế giải phóng, không chịu được nữa, tôi bỏ học nhảy tàu điện từ Cầu Giấy về Câu lạc bộ Thống Nhất nằm cạnh bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi gặp gỡ sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, bà con miền Nam ra Bắc từ sau 1954. Ngày cũng như đêm, hàng ngàn người đứng ngồi không yên, xếp hàng mua báo, nghe loa phóng thanh, tụm năm, tụm bảy bàn tán, kể lể, ôm nhau khóc cười, ao ước... Bầu trời thủ đô rợp cờ Mặt trận dân tộc giải phóng, cờ Tổ quốc, băng rôn chào mừng chiến thắng. Từng giờ, từng ngày hàng vạn người, trong đó có không ít người ở các cơ quan, trường học, chợ búa bỏ công việc xuống đường, ra phố, đến các tụ điểm, các ngã tư, ngã năm dán mắt theo các mũi tên đỏ, trên các bản đồ chiến sự được phóng to, liên tục nối dài các địa danh, kéo nhanh theo bước chân thần tốc của quân và dân miền Nam trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy long trời lở đất. Đài Tiếng nói Việt Nam, chừng 15 phút lại đọc bản tin mới, rồi xã luận, bình luận, tùy bút, phóng sự, chen lẫn những ca khúc hùng tráng, trữ tình “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước...” ,“... Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng / Cầm gươm ôm súng xông tới...”, “... Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù...” rộn rã, tưng bừng.
Đến ngày 29 tháng 3, 11 giờ trưa Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ - ngụy ở miền Trung đã hoàn toàn sụp đổ. Tất cả như vỡ òa. Sáng sớm hôm sau, tôi cố chen lấn mua cho được tờ Quân đội nhân dân ở Bưu điện Bờ Hồ, băng ngang qua đường ra ngồi ở ghế đá lau mồ hôi thở dốc. Loa phóng thanh liên tục đưa tin. Xe cổ động chạy liên hồi đọc thông báo, phát tờ rơi, giữ gìn trật tự đường phố. Các loại pháo trên tay dòng người thi nhau đốt nổ, khói thơm mù mịt Bờ Hồ. Hai tiếng Đà Nẵng! Đà Nẵng! như cùng lúc
ùa vào, dội lên trong tôi bao nhiêu là ký ức, là kỷ niệm. Tôi lập cập lật trang báo đọc nhanh các tít tin, bài. Tôi thảng thốt, như muốn kêu to, nhưng kịp kìm lại trong nỗi vui mừng, xúc động tột cùng.
- Thầy Hậu! Hoạ sĩ Nguyễn Viết Hậu bên bức chân dung Hồ Chủ tịch, mà ông là tác giả. Bài báo khá dài, tôi chỉ nhớ mỗi chi tiết:
“... Chỉ trong một đêm, lão họa sĩ lưng còng, mắt mờ, tay run ấy, là thành viên trong đường dây tổ chức biệt động thành của chiến sĩ Lê Độ, hoạt động cách mạng lâu năm nhất giữa lòng thành phố, đã cùng học trò ông chong đèn vẽ xong Bức chân dung Bác Hồ “hoành tráng” bằng sơn dầu cực đại, có kích cỡ 4x6 mét, đóng khung, nặng hơn 30 cân, kịp đưa ra dâng tặng Ban quân quản và nhân dân Đà Nẵng để trưng bày tại buổi lễ mít-tinh lịch sử ở sân vận động Chi Lăng, chào mừng ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975. Nếu bình thường, ít nhất phải mất mấy ngày mới vẽ xong một bức ảnh như thế, nhưng chỉ trong đêm 29 tháng 3, bằng đôi tay cầm cọ tài hoa, cộng với trí nhớ tuyệt vời tấm ảnh nhỏ ông cất giữ bấy lâu nay, coi như một thẻ Đảng, một giấy thông hành, giấy chứng nhận, mật khẩu xác tín nhất khi hoạt động, ông đã dồn hết tâm lực và lòng kính yêu vô hạn vị Cha già dân tộc nén chặt trong lòng để có được bức chân dung Người hôm nay. Một hình ảnh lãnh tụ toát lên nét đẹp tinh anh, rạng rỡ, mà lần đầu tiên lồng lộng giữa đất trời Đà Nẵng, trong tiếng reo hò, hô vang như sấm dậy: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” của hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nội, ngoại ô Đà Nẵng...”.
Đã 38 năm trôi qua. Tôi còn nhớ như in giây phút được gặp lại người họa sĩ già trên mặt báo. Rồi nhớ đến căn phòng vẽ của ông ở 86 đường Hùng Vương, gần rạp chiếu bóng Chợ Cồn cũ. Nhớ từng gương mặt bạn bè, người còn kẻ mất, đã được ông cưu mang, che chở trong những năm hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước Huế - Đà Nẵng. Nhớ cả cái ngày ông bị bọn cảnh sát mật vụ “Ty Gia Long, Đà Nẵng” cho “xe cây” đến bắt ông đưa đi giam cầm đánh đập tàn nhẫn, làm hỏng một con mắt chỉ vì hiệu vẽ của ông không chịu treo ảnh “Ngô Đình Diệm” và chứa chấp Cộng sản.
5 năm sau, ông qua đời vì thương tật, già yếu. Nhưng riêng chúng tôi biết ông đã toại nguyện vì đã thực hiện được cái ước mơ lớn lao nhất của ông, là lúc nào đó vẽ được chân dung Hồ Chí Minh bằng hết tâm huyết của mình, mới thỏa lòng.
Ông đã làm được điều đó ở ngày 29 tháng 3, lịch sử năm 1975.
Đà Nẵng, 2019
HOÀNG HƯƠNG VIỆT