Quốc hội và... ngày xưa!

Thứ năm, 31/10/2013 23:33

(Cadn.com.vn) - Trong phiên thảo luận sáng 31-10, hơn một lần các vị Đại biểu Quốc hội nhắc chuyện "ngày xưa". Nhưng không phải là ngày xửa ngày xưa mà chỉ là "ngày xưa" rất gần đây thôi, một "ngày xưa" nhiều người ngày nay chứng kiến...

Ấn tượng và sâu sắc nhất có lẽ là “ngày xưa” mà ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền của tỉnh Lâm Đồng nói đến, đại thể thế này: Ngày xưa ta dựa vào dân đánh địch, địch cũng dựa vào dân đánh ta chứ! Ai nắm được dân người đó thắng thôi. Ngày xưa, cán bộ phải vào bếp của dân tìm đồ ăn mà đánh giặc. Bây giờ, dân trả tiền cho cán bộ xây vi-la, biệt thự, mua ô-tô, điện thoại. Thế mà dân gọi đến không thèm nghe máy, vì quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm...  Vậy nhân dân biết tìm ai? Có những kiến nghị của dân hàng chục năm trời không ai ngó ngàng đến, không ai giải quyết, vậy là dân phải tự giải quyết lấy. Dân tự giải quyết là đáng trách rồi, nhưng thử hỏi, nếu chúng ta quan tâm đến dân, nghe điện thoại của dân, giải quyết yêu cầu chính đáng của nhân dân... thì nhân dân liệu có xa rời chúng ta hay không?

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền không nói đến tận cùng, ấy là hệ lụy rút ra từ sự so sánh giữa “ngày xưa” với ngày nay, nhưng chắc không cần nói ra thì ai cũng có thể hình dung được rồi. Cũng cần nói thêm rằng, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền vừa là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng, người có điều kiện để hiểu rõ nhiều “khúc mắc” đang tồn tại. Lẽ đó, lời ông nói ra trước Quốc hội và trước nhân dân, ắt phải là những điều được cân nhắc kỹ, tuy rằng nó cũng không phải lạ lẫm gì cho lắm.

Người viết bài này sinh sau giải phóng, không may mắn được chứng kiến mối quan hệ “ngày xưa” giữa cán bộ và dân mà ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền nói tới, nhưng cũng có thể cảm nhận phần nào qua những chứng nhân còn lại ngày nay. Đó là một buổi tối ở thị trấn Đắc Tô, tỉnh Kon Tum, trong căn nhà tuềnh toàng, một người đàn bà dân tộc thiểu số lọ mọ tiếp khách. “Hồi đó mình thương bộ đội lắm” – lời nói phát ra như từ thẳm sâu đâu đó của quá khứ chứ không phải nơi cửa miệng của chị.

Thương bộ đội đói, chị băng rừng lội suối, đội mưa bom bão đạn ở trên đầu vào rừng bẻ măng, hái rau về nấu cho bộ đội ăn. Một lần như thế, dẫm phải mìn, chị mất một phần cơ thể. Nhưng bao nhiêu năm sau giải phóng, bộ đội đã về xuôi, đã trở thành ông nọ bà kia hết, thì người đàn bà ấy vẫn cơ cực bần hàn. Cũng như người đàn bà đó, có biết bao nhiêu người đang sống trong cảnh nghèo nàn, thiếu nước, thiếu điện, thiếu trường học, thiếu bệnh viện...; phải quay quắt với nỗi bức xúc gây nên bởi bọn tham ô, hối lộ, lợi ích nhóm, quan liêu...; không biết bao nhiêu thanh niên xung phong, người có công đến nay vẫn sống trong cảnh cô đơn, bệnh tật...

Câu hỏi và câu trả lời ấy cũng chẳng phải xa lạ gì mà đã đặt ra từ khi kết thúc “ngày xưa” cho đến tận hôm nay trong kỳ họp của cơ quan quyền lực cao nhất. Như một báo cáo tại kỳ họp này, sự xuống cấp của đạo đức xã hội đáng báo động. Thế ai là thủ phạm? Chắc rằng, trong số đó cũng có bọn tội phạm, thanh thiếu niên hư hỏng... nhưng thủ phạm chính phải kể đến, đó là “một bộ phận không nhỏ”, những “nhóm lợi ích” mà Hội nghị T.Ư 4 đã chỉ ra. Đó mới là những thế lực đủ khả năng chi phối, tác động lên mọi mặt xã hội, làm cho đất nước mất cơ hội phát triển, làm cho cái nghèo không thoát khỏi vòng luẩn quẩn.

Ai đó đã nói rằng bao giờ cho đến ngày xưa. Làm sao có thể, trong một khoảng thời gian nào đó của hòa bình ngày nay, dân với cán bộ, cán bộ với dân lại như xưa. Và khát vọng thì chưa đủ, mà phải có cách thực hiện khát vọng. Tình cảm con người dù tốt đẹp đến mấy cũng không thể thay thế được quy luật của cuộc sống. Nói, mỗi thời mỗi khác là vậy. Thế nhưng, điều mà xưa và nay đều cần đến, đó là sự quản lý, kiểm soát một cách khoa học cơ chế lẫn con người, để bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong xã hội, hoặc ít ra cũng vạch mặt chỉ tên những kẻ tha hóa, biến chất, tham lam... Chỉ khi nào làm được việc đó, thì câu chuyện “ngày xưa” may ra mới kết thúc.

Nguyễn Lê