Quỹ bảo lãnh Doanh nghiệp đi vào hoạt động: Doanh nghiệp kỳ vọng gì?

Thứ năm, 21/11/2013 12:37

(Cadn.com.vn) - Hiện hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Đà Nẵng có mức vốn đăng ký kinh doanh thấp, không đủ tài sản bảo đảm tiền vay ngân hàng (NH) để mở rộng SXKD. Vì vậy, việc hình thành một tổ chức tài chính giữ vai trò bảo lãnh cho DNNVV tiếp cận vốn là hết sức cần thiết và Sở Tài chính Đà Nẵng vừa hoàn tất Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh DNNVV, đưa vào hoạt động trong tháng 12 này  hy vọng là “đòn bẩy” tiếp sức cho DNNVV.

Chế biến thủy sản tại Cty Phước Tiến.

Đã nhỏ còn yếu

Đến nay, TP có khoảng 12.500 DNNVV đang hoạt động, chiếm 98% tổng số DN trên địa bàn, với tổng vốn đăng ký 63.878 tỷ đồng. Trong đó, số DN có vốn dưới 1 tỷ đồng chiếm đa số (65,05%); DN có vốn từ 1 - 10 tỷ chiếm khoảng 1/3 số DN và 3,7% là các DN có vốn lớn hơn 10 tỷ đồng. Theo thống kê, 5.592 DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại, chiếm tỷ lệ 44,58%; lĩnh vực xây dựng 19,26%; kinh doanh vận tải 11,13%; sản xuất công nghiệp 7,99%; giáo dục, y tế 3,14%, còn lại 13,9% DN hoạt động trong các lĩnh vực khác. Khối DNNVV đóng góp vào sự phát triển của TP khá lớn.

Ngày 20-11, Hiệp hội DNNVV Việt Nam phối hợp với Hội DNNVV Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Vốn cho DNNVV - thực trạng và giải pháp” cho các DNNVV trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội DNNVV Đà Nẵng, đề nghị NHNN Chi nhánh Đà Nẵng và các NHTM cần nhanh chóng nới lỏng chính sách tín dụng, giãn nợ, khoanh nợ giúp các DNNVV sớm tiếp cận được vốn vay, cơ cấu lại nguồn vốn để tiếp tục ổn định phát triển SXKD. Ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Cty Phước Tiến cho biết, trong thời điểm khó khăn này, các NH giúp DN giãn nợ, khoanh nợ để DN yên tâm làm ăn, rồi tích lũy trả nợ NH... Ghi nhận những đề nghị của các DN, ông Võ Minh - Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội DNNVV TP tập hợp ý kiến thành văn bản đối với những vướng mắc cụ thể của các DN đối với từng NH cụ thể để NHNN có cơ sở chỉ đạo các NHTM gỡ khó cho DN.

X.Đ

Năm 2005, khu vực DNNVV đóng góp 36,10% GDP cả TP, đến năm 2012 tăng lên 57%. Phần lớn DNNVV đều nộp thuế đúng hạn, nếu năm 2005 đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách 281 tỷ đồng thì đến năm 2012 con số này đã tăng trên 6 lần với 1.820 tỷ đồng. Đặc biệt, khối DNNVV giải quyết việc làm với tỷ lệ giải quyết việc làm mới hằng năm hơn 90%...

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, SXKD đình đốn, việc tiếp cận nguồn vốn NH khó khăn, đặc biệt đối với DNNVV không có tài sản thế chấp khi vay vốn. Trên thực tế không ít DN hoạt động có hiệu quả, có DA khả thi cần vay vốn NH để đầu tư SXKD nhưng không đủ điều kiện tín chấp và tài sản thế chấp nên mất đi cơ hội phát triển; khá nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản (hơn 3.000 DN ngừng hoạt động, 286 DN giải thể trong năm 2012; 10 tháng năm 2013: 272 DN giải thể, 492 DN tạm ngưng hoạt động, 454 DN bị thu hồi GCNĐKKD); một số DA sản xuất mới, nâng công suất dự kiến đầu tư của DN do khó khăn về vốn đã bị tạm ngừng hoặc không triển khai nên năng lực sản xuất tăng thêm từ các DA mới còn ít, không phát huy được tính tích cực đối với sự phát triển KT-XH của TP.

Hy vọng từ Quỹ bảo lãnh

Theo Đề án, DNNVV muốn được bảo lãnh vay vốn phải có DA đầu tư, phương án SXKD hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn đúng hạn; Có tổng giá trị tài sản để thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng (TCTD) theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay; Có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia DA đầu tư, phương án SXKD; Không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với NSNN, nợ xấu tại các TCTD hoặc tổ chức kinh tế tại thời điểm đề nghị bảo lãnh; Trường hợp đặc biệt, DN không hội đủ điều kiện trên nhưng có phương án SXKD khả thi, thuộc lĩnh vực ưu tiên, xét thấy cần thiết phải bảo lãnh để tạo điều kiện cho DN phát triển thì do HĐQL Quỹ xem xét, quyết định.

Mức cho vay tối đa 3 tỷ đồng/DN, thời hạn bảo lãnh được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn đã thỏa thuận giữa khách hàng và TCTD, tối đa 12 tháng. Mức thu các loại phí nêu trên và lãi suất cho vay do Chủ tịch UBND TP quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ. Như vậy, nguồn vốn cho vay là không thiếu, vấn đề còn lại là DN cần có giải pháp, phương án sản xuất tốt, có khả năng hoàn vốn. Tuy nhiên, đây là những điều kiện được đánh giá khá khắt khe đối với DNNVV vì hiện đa số đều gặp khó khăn trong việc tìm tài sản thế chấp và phương án SXKD khả thi.

Theo Đề án, để Quỹ đi vào hoạt động ngay sau khi thành lập, đề nghị ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng quản lý vốn và thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ thông qua hình thức cho vay đối với DNNVV trên địa bàn. Sau thời gian hoạt động ổn định và nguồn vốn điều lệ đạt mức 100 tỷ đồng, HĐQL Quỹ báo cáo Chủ tịch UBND TP chấm dứt việc ủy thác để hình thành một định chế tài chính độc lập hoạt động theo quy định.

Về số vốn điều lệ tối thiểu ban đầu của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV TP là 30 tỷ đồng, do nguồn ngân sách TP cấp, riêng phần vốn góp của các TCTD, DN và của các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện trong nước và ngoài nước thì tiếp tục vận động để phấn đấu đạt mức vốn điều lệ 100 tỷ đồng vào năm 2015.

Thực tế từ năm 2009, Chính phủ đã có Quyết định 56 lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua hệ thống NH Phát triển Việt Nam với điều kiện phải có tài sản thế chấp, có phương án SXKD tốt và tại Đà Nẵng cũng đã tổ chức hội nghị triển khai. Tuy nhiên, đến nay rất ít DN tại Đà Nẵng tiếp cận được nguồn bảo lãnh này, vì các điều kiện quy định quá khắt khe. Bên cạnh đó, các NHTM cũng đang có nhiều món cho vay như tín chấp, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.

Cũng năm 2011, Đà Nẵng đã triển khai bảo lãnh không điều kiện, không tài sản thế chấp cho những DN có phương án, DA tốt có nhu cầu vay vốn liên hệ trực tiếp với Sở KH&ĐT để UBND TP đứng ra bảo lãnh. Vậy nhưng, đến nay vẫn không có DN nào liên hệ để được bảo lãnh... Do đó, nếu các điều kiện được bảo lãnh khắt khe thì e ngại nguồn vốn sẽ không đến được các DN. Vậy nên, cần mở thêm khoản hỗ trợ tín dụng cho DN để thực sự là “bà đỡ” tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài ra, để Qũy bảo lãnh tín dụng mau chóng trở thành hiện thực, thành phố, NH cũng như các hiệp hội DN sẽ phải nhanh chóng bắt tay vào cuộc.

Xuân Đương