Quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi: Khó quản lý, khó thực thi...

Thứ hai, 19/03/2018 14:00

Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh rượu có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Mặc dù nghị định có hiệu lực từ ngày 1-11-2017 nhưng đến nay dường như việc mua bán rượu vẫn diễn ra một cách bình thường, thậm chí nhiều người dân khi được hỏi đến họ đều cho hay không biết đến quy định này.

Một quầy bán rượu tại Đà Nẵng.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây số người ngộ độc rượu, tử vong vì rượu ngày một tăng cao, kéo theo vô vàn hệ lụy buồn cho gia đình, xã hội. Đáng nói, độ tuổi sa ngã vì rượu đang có chiều hướng trẻ hóa, điều này trở thành vấn nạn cần phải có những giải pháp căn cơ. Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh rượu ra đời là cũng nhằm hướng đến mục đích ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia đối với trẻ vị thành niên. Những quy định trong Nghị định 105/2017, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, tuy nhiên khi đi vào thực tế gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của P.V, trên địa bàn TP Đà Nẵng việc mua bán rượu vẫn diễn ra một cách bình thường như trước đây. Bất kỳ ai, ở đâu cũng có thể mua rượu với nồng độ cồn cao song không có cơ quan nào kiểm tra, quản lý. Hơn nữa, việc xác định người dưới 18 tuổi mua rượu với mục đích gì cũng không đơn giản. Chưa nói đến việc yêu cầu người bán từ chối bán rượu cho người dưới 18 tuổi là khó thực hiện vì nó ảnh hưởng đến "cơm áo gạo tiền" của gia đình. Tại các quầy tạp hóa, khi được hỏi về quy định cấm bán rượu cho trẻ em dưới 18 tuổi, nhiều chủ quán tỏ ra ngạc nhiên. "Quả thực tôi chưa nghe và cũng chẳng mấy quan tâm đến vấn đề này. Thực tế, nhiều gia đình cha mẹ toàn nhờ con cái của họ đi mua, nếu theo quy định mà không bán thì chắc đóng quán. Theo tôi, việc mua và việc sử dụng nhiều khi không liên quan đến nhau. Chẳng hạn, có những em chỉ 15, 16 tuổi dù không đi mua rượu nhưng ở một điều kiện nào đó chúng vẫn sử dụng "tẹt ga", ngược lại những em đi mua thì lại chưa bao giờ thử qua mùi vị rượu, bia. Vì vậy, theo tôi quy định này thực sự đang làm khó những người buôn bán nhỏ, lẻ như chúng tôi...", anh Nguyễn Thành Vân (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chia sẻ. Cùng quan điểm với anh Vân, rất nhiều người khác cho rằng, đối với họ việc nhờ con cái đi mua rượu chẳng khác gì sai con làm việc vặt khác trong nhà. Chính vì vậy, người có nhu cầu mua rượu lẫn người bán đều không mấy bận tâm đến quy định hay nghị định.

Không chỉ riêng những quầy tạp hóa, những quán nhỏ lẻ của hộ gia đình mà ngay đến các cửa hàng lớn, có danh hiệu dường như đối với quy định mà nói họ cũng cố tình... làm ngơ.  Hầu như không một cửa hàng bán rượu nào để bảng ghi chú, khuyến cáo nào về độ tuổi không được mua rượu theo Nghị định 105 của Chính phủ như "không bán rượu cho người dưới 18 tuổi". Một số cửa hàng khi được hỏi họ đều cho rằng, mặc dù không có bảng khuyến cáo nhưng họ thực hiện quy định này rất nghiêm túc, không vi phạm (?!). Số khác, chỉ vừa nghe P.V nhắc đến quy định cấm bán rượu cho trẻ em dưới 18 tuổi vội vàng xua tay từ chối không trả lời... vì bận. Là chủ một chuỗi cửa hàng bán rượu, anh T.T.K (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay: "Tôi biết đến quy định này nhưng trên thực tế không dễ thực hiện. Cái khó ở đây nếu căn ke quá thì không thể kinh doanh được vì tính cạnh tranh giữa các cửa hàng là rất lớn. Mình chấp hành chủ trương, quy định nhưng cửa hàng ngay cạnh bên họ "phớt lờ" thì mình thiệt thòi. Chưa kể, có những khách hàng nhỏ tuổi mình nhận ra ngay thì không bán nhưng cũng có khách hàng đang ở độ tuổi xấp xỉ 18 thì rất khó để phân biệt. Trong khi người bán cũng không thể tùy tiện kiểm tra chứng minh nhân dân để xem đã đủ 18 tuổi hay chưa. Hơn cả là nếu "nhiều chuyện" không bán thì đương nhiên mất khách".

Để hiểu rõ hơn về việc thực hiện quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi trên địa bàn TP Đà Nẵng, P.V đã liên hệ với ông Trần Phước Trí- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, đồng thời đưa ra một số câu hỏi liên quan đến nghị định theo như đề nghị của ông. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc lại, P.V vẫn không nhận được hồi đáp từ phía ông Trí.

Nghị định "ra đời" với các quy định khắt khe là nhằm hướng đến một mục đích tốt đẹp, tuy nhiên trong trường hợp này từ văn bản đến thực tiễn còn tồn tại một khoảng cách quá lớn. Trên thực tế quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi, vậy làm thế nào để xác minh được độ tuổi của người mua rượu? Điều này chỉ có thể thực hiện được khi căn cứ vào giấy tờ tùy thân của họ như chứng minh nhân dân... Câu hỏi đặt ra ở đây, đã có quy định nào cho phép những người bán hàng có quyền được kiểm tra giấy tờ của khách và có quyền từ chối đối với khách hàng không đủ điều kiện?

Để quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi đi vào đời sống, bên cạnh việc tuyên truyền, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh rượu, các cửa hàng tạp hóa, cần tăng cường tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Làm được điều này cần có sự chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội thậm chí phải có những biện pháp xử lý căn cơ hơn thì quy định này mới thật sự đi vào cuộc sống.

TRANG TRẦN