Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Bài 1: Cạn kiệt quỹ đất đô thị?)

Thứ hai, 17/09/2018 14:16

LTS:  Khách quan mà nói, hơn 20 năm qua, đặc biệt trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, đô thị Đà Nẵng đã có sự “lột xác” nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng. Thậm chí, Đà Nẵng còn trở thành hình mẫu năng động về phát triển được các địa phương đến tham khảo, học tập.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, thì quá trình phát triển đô thị “quá nóng” của Đà Nẵng đã gây ra không ít thách thức, thậm chí hệ lụy, mà theo nhiều chuyên gia, nếu không kịp thời điều chỉnh thì Đà Nẵng sẽ đi theo “vết xe đổ” mà nhiều đô thị khác đang gặp phải. Nên chăng, đã đến lúc cần có một “cuộc đại phẫu” trong quy hoạch và phát triển để Đà Nẵng trở thành “thành phố đặc biệt, trung tâm quốc gia hướng tới đô thị quốc tế, thành phố môi trường, phát triển bền vững và có bản sắc riêng”... như mục tiêu đã đề ra?

Bộ mặt đô thị Đà Nẵng đã có sự “lột xác” ngoạn mục, tuy nhiên hệ lụy có thể phải đối mặt là gây quá tải hạ tầng xã hội (Trong ảnh: Một góc trung tâm Đà Nẵng).

Manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng

Quá trình đô thị hóa mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong công cuộc phát triển của mỗi quốc gia. Đối với Đà Nẵng, quá trình này diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2003 đến nay. Nói đến đô thị hóa, người ta thường nghĩ đến một lối sống văn minh, hiện đại, đời sống người dân ngày càng được nâng cao cùng với nhịp sống ồn ào, náo nhiệt. Tuy nhiên chúng ta dường như chỉ quan tâm đến sự phát triển về mặt vật chất mà ít chú ý đến đời sống tinh thần của cư dân đô thị.

Theo KTS Tô Văn Hùng - Trưởng ban Đô thị (HĐND TP  Đà Nẵng), quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại đang đối lập với quản lý và vận hành đô thị theo kiểu đụng đâu làm đó, manh mún, tự phát. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng được xem là hình mẫu của công tác quy hoạch đô thị ở Việt Nam. Chính nhờ điều này mà bộ mặt thành phố có nhiều thay đổi, nhưng nhìn chung vẫn manh mún, chưa xứng với tiềm năng của thành phố. Công cuộc tái thiết đô thị sau hơn 20 năm qua với khát vọng mang lại cuộc cách mạng hướng đến mục tiêu tạo dựng thành phố hiện đại, văn minh vào loại bậc nhất Việt Nam, thậm chí còn có cả ước mơ sánh vai cùng Hồng Kông, Singarpore... “Nhưng thử nhìn lại, đằng sau các con đường khang trang, vẫn còn đó những khu nhà chen chúc kiệt hẻm; sau một dự án lớn là các khu tái định cư với điều kiện sống thậm chí còn tệ hơn các thôn xóm trước đây. Mục tiêu hạ tầng đi trước nhưng thực chất chỉ mới dừng lại việc mở được các con đường to hơn, xây nhiều cây cầu để kết nối, trong khi đó thành phố vẫn đối mặt với tắc đường, ô nhiễm môi trường biển, thiếu nước sinh hoạt... vẫn cứ loay hoay kiểu lắp thêm đèn tín hiệu hạn chế tai nạn, gắn thêm máy bơm khắc phục nước thải ra biển, cấm đỗ xe theo ngày chẵn lẻ và xót xa nhất vẫn là hệ thống xe buýt khá sang trọng tương xứng với môi trường đô thị thì vắng bóng người đi bởi người dân vẫn quen với chiếc xe máy tiện lợi cho thói quen đụng đâu làm đó, tiện đâu ghé đó... Đây chính là nghịch lý lớn, đã và đang đặt ra cho chúng ta suy ngẫm”, KTS Tô Văn Hùng nói. 

Quá tải hệ thống hạ tầng xã hội

Tại Hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP Đà Nẵng” do Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hội quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, trong bài tham luận của mình, KS Nguyễn Văn Chung cho rằng, trong các đồ án quy hoạch chung đều có nội dung quy định về mật độ cư trú cho từng khu vực. Điều này đảm bảo sự phát triển cân đối các khu vực khác của đô thị và đặc biệt là đảm bảo cân đối, hài hòa trong việc cung cấp các dịch vụ, các tiện ích đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, yếu tố này dường như ít được quan tâm kiểm soát không chỉ ở Đà Nẵng mà ở hầu khắp các đô thị Việt Nam.

“Trong bối cảnh xã hội hóa đầu tư phát triển như hiện nay, mật độ cư trú dường như bị cuốn theo mục tiêu của các nhà đầu tư mà tuột khỏi bàn tay kiểm soát của chính quyền đô thị”, KS Nguyễn Văn Chung nhìn nhận. Theo KS Chung, đối với Đà Nẵng, quy hoạch chung năm 2003 đã đề xuất việc dãn dân, giảm mật độ dân số tại 2 quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê. Tuy nhiên từ đó đến nay, mật độ dân số tại 2 quận này không những không giảm mà còn liên tục tăng lên. Hiện tại, mật độ dân số tại Hải Châu đã lên tới 16 ngàn người/km2 và Thanh Khê là trên 21 ngàn người/km2, quá cao so với con số 8 ngàn người/km2 đã là mất an toàn, mất kiểm soát mà nghiên cứu về lý thuyết đám đông nêu ra. Nếu tình trạng này không được quan tâm điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ thì sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ, đó là gây quá tải hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông sẽ càng trầm trọng hơn. Gần đây, tại một số khu vực của Đà Nẵng, điển hình là khu vực ven biển dọc đường Võ Nguyên Giáp (từ Phạm Văn Đồng đến Nguyễn Văn Thoại) tập trung quá nhiều các khách sạn, condotel làm cho mật độ cư trú tại đây tăng lên quá cao, làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực. Tình trạng này cần được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ để tránh những hậu quả xấu hơn có thể xảy ra.

Một vấn đề không kém phần quan trọng khác, mà theo KS Nguyễn Văn Chung, đó là việc kiểm soát sử dụng đất đô thị tại Đà Nẵng chưa được thực hiện một cách chặt chẽ, hiệu quả và đúng định hướng của quy hoạch chung 2003, điều này dẫn đến tình trạng cạn kiệt quỹ đất dành cho phát triển đô thị trong giai đoạn tới và trong tương lai. “Đến nay (2018), theo số liệu nêu ra trong đề cương nghiên cứu quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng thì đất xây dựng đô thị chỉ còn lại hơn 600 ha. Vậy đất ở đâu để có thể dung nạp dân số tăng lên gần 2,5 lần vào năm 2030 (như tính toán tại điều chỉnh quy hoạch chung năm 2013)?”, KS Nguyễn Văn Chung đặt câu hỏi.

Cũng theo KS Chung, đất tại các vị trí được định hướng là các trung tâm khu vực trong quy hoạch chung 2003 và không có thay đổi gì lớn trong điều chỉnh quy hoạch chung 2013 đến nay đã không còn nữa. “Hầu hết đã được chia lô bán và chủ yếu là theo hình thức nhà phố liền kề diện tích nhỏ. Mặc dù trên thực tế còn nhiều đất trống chưa xây dựng nhưng tất cả đều đã có chủ. Đây chính là kết quả của các quy hoạch chi tiết đã được lập và phê duyệt”, KS Chung nói. Tuy nhiên, theo ông Chung, trong “quy hoạch chi tiết” đã được lập và phê duyệt nêu trên thì có nhiều đồ án đã không tuân thủ các định hướng của quy hoạch 2003 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Điển hình là đã thay đổi chức năng, thậm chí có thể nói là làm mất đi một không gian chức năng hết sức quan trọng là công viên Trung tâm thành phố; xâm lấn vào một không gian sinh thái tự nhiên ở khu vực nhạy cảm về môi trường, là khu vực Hòa Xuân, Hòa Quý... Trung tâm thành phố và các trung tâm khu vực cho đến nay, tức là sau khi các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, vẫn chưa có một hoạch định nào về phạm vi, quy mô và định hướng về hình thái, cấu trúc không gian, các chỉ tiêu khống chế. Hơn nữa, các quy hoạch chi tiết mà chủ yếu là áp dụng giải pháp chia lô nhà phố liền kề (có kích thước phổ biến là 5x20m) và bán cho các nhà đầu tư, người dân, trong nhiều trường hợp đã lấn vào các khu vực trung tâm theo định hướng quy hoạch chung”, KS Nguyễn Văn Chung nêu thực tế. Đồng thời chỉ ra hệ lụy của việc này là “mất kiểm soát trong sử dụng đất xây dựng đô thị, trong việc hình thành và phát triển các không gian chức năng, các không gian kiến trúc, cảnh quan... Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho quá trình tái cấu trúc và phát triển đô thị trong giai đoạn sắp tới”, KTS Chung nhìn nhận.

Theo nhận định của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Đà Nẵng đã đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai. Đã đến lúc phải đặt trọng tâm vào phát triển theo chiều sâu, tức là bắt tay vào cải tạo và chỉnh trang khu trung tâm, các khu phố cũ; kiện toàn kiến trúc và cảnh quan những con đường và những khu phố mới, cải thiện và vun đắp hình ảnh chung đô thị..., sao cho chừng mực trong việc sử dụng tài nguyên đất, cảnh sắc thiên nhiên chớ quá vung tay, biết để phần và dành dụm cho con cháu.

(còn nữa)

DOÃN HÙNG