Quyền lực mềm Ấn -Nhật tại Myanmar
(Cadn.com.vn) - Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều đang ngày càng nỗ lực tìm ảnh hưởng quan trọng tại Myanmar - quốc gia Đông Nam Á hiện đang được xem mặt trận mới của Châu Á.
Nhiều quốc gia tiếp cận Myanmar. Trung Quốc dẫn đầu trong số này. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar thể hiện trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại cho đến hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, phần lớn người dân Myanmar cho rằng, Bắc Kinh đang tìm cách khai thác tài nguyên thiên nhiên nước nhà. Xung đột gần đây ở Kokang, dọc theo biên giới Trung Quốc-Myanmar, là minh chứng cho sự phức tạp trong mối quan hệ song phương này.
Với tình thế này, Singapore, Nhật, Ấn đang trong quá trình thiết lập dấu ấn kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á. Trong số này, hai quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt đối với Myanmar là Nhật Bản và Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Myanmar. Ảnh: Diplomat |
Nhật Bản ở Myanmar
Mặc dù Nhật - dưới áp lực của Mỹ - áp đặt lệnh trừng phạt và cắt viện trợ trong suốt thời kỳ chính quyền quân sự cai trị Myanmar, Tokyo không hoàn toàn cắt đứt quan hệ.
Thông qua các mối quan hệ ngoại giao và cá thể, Tokyo duy trì mạng lưới các doanh nghiệp và các quan chức tại thủ đô Yangon trước đây và Naypyidaw hiện nay. Nhật nối lại viện trợ cho Myanmar khi chính quyền quân sự được thay thế bằng chính phủ dân sự. Thực tế, Nhật là nhà tài trợ lâu dài tại Mayanmar. Myanmar là quốc gia đầu tiên nhận bồi thường chiến tranh của Nhật tại khu vực Đông Nam Á vào năm 1954. Khi các chính phủ dân sự lên nắm quyền ở Naypyidaw, Tokyo xóa gần 3 tỷ USD nợ và cam kết các khoản vay mới cho loạt các dự án cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, đầu tư trực tiếp của Nhật tăng lên đều đặn trong những năm gần đây. Nhật thực sự đang bắt kịp Trung Quốc.
Sự hiện diện của Ấn Độ
Ấn Độ cũng dần tiến vào Myanmar trong thập kỷ qua. Thương mại song phương, chỉ hơn 1 tỷ USD trong năm 2009, tăng lên gần 2 tỷ USD trong năm 2013-2014.
Nhiều Cty Ấn Độ cũng thiết lập hoạt động tại Myanmar, trong đó có các Cty dầu khí như ONGC Videsh và GAIL. Các ngân hàng như Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ, Ngân hàng Ấn Độ, và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ cũng mở văn phòng đại diện. Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ sẽ không thể thực hiện nếu không có được các mối quan hệ mạnh mẽ với Myanmar.
Chính trong bối cảnh này mà cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đến Myanmar vào năm 2012 - chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ kể từ năm 1987. Ông Singh sau đó cũng đến thăm Myanmar một lần nữa vào năm 2014. Thủ tướng Narendra Modi đến thăm Myanmar vào năm 2014 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và một chuyến thăm song phương có khả năng sẽ sớm xảy ra trong thời gian tới.
Hợp tác quyền lực mềm
Trong khi đó, quan hệ Ấn-Nhật ngày càng được tăng cường trong thập kỷ qua. Chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến Nhật Bản vào tháng 9-2014 và sự đón tiếp nồng hậu ông nhận được từ nước chủ nhà là minh chứng cho thấy mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước.
Cả hai quốc gia đều có lợi ích chiến lược tại Myanmar, do đó hai nước đều muốn tạo ra sức mạnh tổng hợp ở Myanmar. Nhìn xa hơn về lĩnh vực kinh tế, hỗ trợ Myanmar xây dựng tổ chức và phát triển di sản văn hóa có thể được coi là quyền lực mềm - có thể phục vụ cho lợi ích của cả Nhật và Ấn trong thời gian dài và tạo nền tảng hữu ích cho việc khởi động các hình thức hợp tác khác, bao gồm cả kinh tế. Cả Ấn-Nhật cũng có thể giúp phát triển ngành công nghệ thông tin của Myanmar bằng cách thành lập các cơ sở đào tạo.
Nhìn chung, dù quan hệ đối tác Nhật-Ấn ở nước thứ ba vẫn chưa hình thành, Myanmar có thể là nơi phù hợp để bắt đầu.
An Bình
(Theo Diplomat)