Nóng ở biên giới Trung Quốc - Myanmar

Thứ hai, 16/03/2015 12:18

(Cadn.com.vn) - Quan hệ Bắc Kinh - Naypiydaw bùng nổ căng thẳng sau vụ máy bay chiến đấu Myanmar ném  bom xuống lãnh thổ Trung Quốc khiến 4 dân thường nước này thiệt mạng.

Quân đội Trung Quốc ngày 15-3 tuyên bố sẽ có các biện pháp “quyết định và cứng rắn” nếu Myanmar lặp lại cuộc tấn công tương tự lặp lại trên lãnh thổ của mình.

Reuters dẫn lời quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc đưa ra tuyên bố này sau khi một máy bay chiến đấu của Myanmar ném bom xuống lãnh thổ quốc gia láng giềng giết chết 4 người. Không quân Trung Quốc cử máy bay tuần tra biên giới và đẩy mạnh bảo vệ không phận của mình. Bắc Kinh cũng đã triệu hồi đại sứ của Myanmar để phản đối về vụ ném bom.

Người dân Myanmar chạy trốn khỏi cuộc xung đột giữa chính phủ với phiến quân MNDAA.
Ảnh: Reuters

Phát biểu ngày 15-3 sau khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XII bế mạc kỳ họp thứ III, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, Bắc Kinh có trách nhiệm và có khả năng bảo vệ sự ổn định của khu vực biên giới giữa nước này với Myanmar. “Những gì đang diễn ra thật đáng lo ngại. Chúng tôi có trách nhiệm và có khả năng bảo vệ ổn định tại khu vực biên giới, đồng thời sẽ kiên quyết bảo vệ tính mạng và tài sản người dân Trung Quốc”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói tại cuộc họp báo.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cho biết, máy bay không quân Myanmar gần đây vượt qua biên giới “nhiều lần”. “Phía Myanmar phải nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề, xử lý nghiêm các vụ việc, trừng phạt những người gây ra những rắc rối, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho các thành viên gia đình, và giải thích rõ ràng cho chúng tôi”, ông Phạm Trường Long tuyên bố sau cuộc điện đàm khẩn cấp với phía Myanmar. Ông đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ “có hành động kiên quyết” để bảo vệ sự an toàn của người dân nếu tiếp tục xảy ra các vụ bom rơi đạn lạc gây chết người.

Tuy nhiên, Myanmar phủ nhận việc này và cho biết quân nổi dậy - một nhóm gọi là Liên minh Quốc gia Dân chủ (MNDAA) do Peng Jiasheng, một người gốc Trung Hoa, đứng đầu - có thể đã đứng sau vụ việc này để tạo ra “sự hiểu lầm”. Văn phòng Tổng thống Myanmar ra tuyên bố bày tỏ lấy làm tiếc về cái chết của các dân thường nhưng cho rằng, có sự hiểu lầm ở đây. Phía Naypiydaw cũng cam kết “hợp tác đầy đủ” với Bắc Kinh. Một quan chức giấu tên nói với AP rằng, máy bay chiến đấu của Myanmar không đi lạc vào lãnh thổ Trung Quốc, trích dẫn những hình ảnh từ radar và GPS, mà cáo buộc có thể là do phiến quân gây ra. Nhưng theo giới quân sự, các phiến quân không có máy bay.

Lực lượng chính phủ Myanmar đang chiến đấu với các phiến quân trên biên giới Trung Quốc kể từ tháng 2-2015 trong bối cảnh Bắc Kinh kêu gọi Naypiydaw “hạ nhiệt”. Xung đột bạo lực biến khu vực biên giới vốn nhộn nhịp trở thành chiến trường tan hoang. Hàng chục ngàn người, rất nhiều trong số họ là người gốc Trung Hoa, đã chạy trốn khỏi cuộc chiến ở khu vực đông bắc Kokang của Myanmar vào Trung Quốc. Myanmar phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại Kokang.

Trong khi đó, Myanmar cho rằng, nhiều lính đánh thuê người Trung Quốc đang chiến đấu cho các phiến quân, và thúc giục Bắc Kinh hợp tác để ngăn chặn “các cuộc tấn công khủng bố” từ trong lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Chủ tịch  Tập Cận Bình phủ nhận cáo buộc này.

Khả Anh