Quyết liệt ngăn chặn lừa đảo bằng công nghệ cao

Thứ bảy, 02/05/2020 09:42

Xúc phạm danh dự nhân phẩm, đe dọa, uy hiếp để xử lý các mâu thuẫn cá nhân hòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản… đang là thủ đoạn nổi bật mà tội phạm công nghệ cao (CNC) sử dụng. Thực trạng này đang diễn biến phức tạp gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho người dân, vì thế CATP Đà Nẵng đang triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt để đấu tranh, loại trừ.

Một đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao bị CATP Đà Nẵng bắt giữ.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Thời gian qua, dù đã được cảnh báo song không ít người dân vẫn trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng CNC. Các đối tượng lừa đảo đã triệt để lợi dụng tính nặc danh của internet, các phần mềm bảo mật, đặt máy chủ ở nước ngoài, sử dụng thủ đoạn tinh vi gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Thủ đoạn nổi bật mà chúng sử dụng là giả danh cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện yêu cầu người dân nạp tiền vào tài khoản với nhiều lý do và hình thức khác nhau, sau đó chiếm đoạt. Phố biến là tội phạm gọi điện, xưng là nhân viên bưu điện, ngân hàng thông báo người dân có gửi bưu kiện, bưu phẩm, khoản nợ… liên quan đến vi phạm pháp luật, đồng thời hướng dẫn người dân kết nối điện thoại để gặp điều tra viên, kiểm sát viên thông báo người dân có liên quan trong một vụ án mua bán ma túy, rửa tiền… Chúng dọa nạt, yêu cầu người dân phải hợp tác điều tra và làm theo hướng dẫn nếu không sẽ bắt tạm giam, bị xử lý về hình sự (làm giả các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam có tên nạn nhân…). Sau khi dò hỏi được thông tin cá nhân, số tài khoản, những khoản tiền đang gửi ngân hàng, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp "để kiểm tra và sẽ trả lại trong thời gian ngắn". Nhưng thực tế, sau khi người dân chuyển tiền, chúng đã chiếm đoạt, thậm chí còn yêu cầu nạn nhân giữ bí mật, không được báo cho người thân biết, hướng dẫn cài phần mềm ứng dụng giả… để chiếm quyền điều khiển điện thoại gồm các cuộc gọi, tin nhắn, danh bạ…

Một thủ đoạn lừa đảo phổ biến khác là chúng giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và lừa nạn nhân chuyển một khoản tiền để nhận quà tặng; đóng giả người có nhiều tiền, địa vị, giới thiệu là thương gia đang sinh sống ở nước ngoài hoặc quân nhân đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria… ngỏ ý làm quen, kết bạn qua các trang mạng xã hội. Sau thời gian trao đổi, nắm được hoàn cảnh, tâm lý, sở thích của nạn nhân, chúng hứa kết hôn, bảo lãnh ra nước ngoài, ngỏ ý tặng quà có giá trị lớn… rồi cho người giả làm nhân viên Hải quan gọi điện thông báo cho nạn nhân có hàng được gửi từ nước ngoài về đang bị tạm giữ tại sân bay… vì soi chiếu bên trong có giấu nhiều ngoại tệ, hàng hóa giá trị không khai báo. Chúng yêu cầu nạn nhân phải đóng nhiều khoản tiền để được nhận hàng như thuế thu nhập, tiền phạt, tiền làm thủ tục, tiền kho bãi… vào tài khoản mở bằng CMND giả mà chúng cung cấp rồi chiếm đoạt.

Người dân cần cảnh giác

Theo Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm sử dụng CNC để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thủ đoạn trên, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Phương châm là sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa và tố giác tội phạm trong nhân dân. CA cơ sở sẽ hướng dẫn người dân dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân và người thân… cho bất kỳ ai. Cơ quan CA không bao giờ trao đổi thông tin vụ án với người dân qua điện thoại mà sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập theo đúng quy định (những giấy mời, giấy triệu tập này đều được gửi qua Cảnh sát khu vực để chuyển đến cho người dân). Tất cả các hành vi điện thoại cho người dân nói rằng có lệnh bắt, tạm giam, tạm giữ đều là phương thức của các đối tượng lừa đảo. Cơ quan CA cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội.

Với thủ đoạn giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và lừa nạn nhân chuyển một khoản tiền để nhận quà tặng, người dân cần cảnh giác, không nên làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội; không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế… Theo Đại tá Trần Mưu, người dân cần thông báo cho các thành viên trong gia đình cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng… Khi xảy ra tình huống bị lừa đảo, người dân không được chuyển tiền ngay mà kịp thời thông báo cho cơ quan CA gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý. Nếu đã chuyển tiền thì liên hệ ngay với ngân hàng nơi gửi để yêu cầu khóa tài khoản và báo cho CA để hỗ trợ, ngăn chặn không để đối tượng chuyển tiền đi tài khoản khác hoặc rút tiền. 

HẢI QUỲNH