Ra khỏi vùng mê
(Cadn.com.vn) - Ma túy từ lâu đã trở thành nỗi nhức nhối của xã hội. Giúp đỡ những con người bước ra từ bóng đen ấy luôn là mong muốn của các tổ chức xã hội. Đà Nẵng là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác cai nghiện và hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Tính đến tháng 6-2014, TP Đà Nẵng còn 1.686 người liên quan đến ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó đang cai nghiện tại Trung tâm 05-06 là 107 học viên, đang quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú là 547 người, số tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành quyết định là 28 người, số đang quản lý giáo dục tại địa phương là 592 người, đang tham gia điều trị Methadone là 310 người, tự ý bỏ đi khỏi địa phương là 102 người. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm GD-DN 05-06/CP đã tiếp nhận 37 học viên, trong đó có 8 người cai nghiện tự nguyện, giải quyết cho về cộng đồng 217 người (trong đó có 16 học viên ngoại tỉnh về trước thời hạn, về đúng thời hạn là 178 học viên, công an di lý khởi tố 10 học viên, CA nhận lại 10 học viên, 1 học viên về phép trốn, tạm đình chỉ 2 học viên). Tính đến nay, trung tâm đang quản lý, giáo dục cai nghiện cho 126 học viên (có 19 học viên là người ngoại tỉnh).
Tiếp chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm 05-06 Đà Nẵng, ông Phạm Tạo chia sẻ: “Chúng tôi đã đi tham quan nhiều địa phương ở miền Trung - Tây Nguyên, rồi những địa phương được xác định là các điểm nóng, phức tạp về tệ nạn ma túy như Nghệ An, Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ... Nhưng cho đến giờ, có thể khẳng định Trung tâm GD-DN 05-06 ở Đà Nẵng là hoàn thiện nhất. Trong đó, phải kể đến việc lãnh đạo thành phố thực sự quan tâm đến vấn đề ma túy cũng như cai nghiện tại đây, sự nhiệt tình của các cán bộ tại đây, đặc biệt là ở trong những phân khu (trung tâm có 7 phân khu).
Ông Tạo cho biết thêm: trong các dịp lễ, Tết, Trung tâm đã tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao như triển khai viết báo tường, trang trí cảnh quan tại các Ban Quản giáo, thi đấu giao hữu, giao lưu văn nghệ… và nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục qua đó góp phần ổn định tình hình trật tự nội vụ tại Trung tâm, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy chế của học viên tại Trung tâm. Khi được hỏi về các học viên tại đây, ông Tạo cho biết: thực sự là rất thương cho mấy học viên ở đây, có em dùng thuốc nhiều quá hành vi cứ như kẻ điên, trông rất tội; có em vì hoàn cảnh gia đình, không có người nâng đỡ nên sa ngã dần vào ma túy; có em lúc đầu nghe bạn bè dùng thử cho biết ma túy đá, sau dần thành nghiện… đa phần là rơi vào những trường hợp này.
Công tác giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách vì vậy đối với những trường hợp này rất được coi trọng. Trung tâm gần như triển khai thực hiện thường xuyên, hằng tuần với 4 lớp học - 81 học viên tham gia. Còn những em mới bị nghiện thì công tác đào tạo cũng nhanh hơn nhưng nếu thả ra xã hội mà không biết nghề gì thì cũng rất dễ sa vào vũng lầy ma túy nên trung tâm đã kết hợp với các trường tổ chức các lớp học nghề kỹ thuật xây dựng. Kết quả cũng rất khả quan khi đã có 2 học viên xuất sắc, 7 học viên giỏi, 15 học viên khá và 6 học viên trung bình khá. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức cho học viên lao động sản xuất trồng rau xanh, gia công giày da…
Học viên A. kể, cuộc sống gia đình vốn không sung túc, cha mẹ lo làm ăn kiếm tiền, không có ai chăm sóc, quan tâm, em theo bạn bè tụ tập ăn chơi rồi sử dụng ma túy lúc nào không hay. Cứ thế mọi thứ cứ đi dần vào một vết xe đổ không thể dừng lại được. Trong một lần sử dụng ma túy, em bị các chú CA bắt và đưa đến đây để cai nghiện. Lúc đầu, chỉ tìm cách để trốn ra ngoài, tìm cách để làm sao có ma túy để dùng nhưng rồi dần dần cơn nghiện cũng đi lui. Đến khi thấy em đã đỡ, các chú ở đây đã cho học nghề, từ đấy cũng có chút kinh nghiệm. Cái ngày em nhận được đồng tiền đầu tiên do chính mình làm ra, trong em có cái gì đó thật đặc biệt và rất khó diễn tả. H.V.T (trú P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê) sau khi cố gắng cai nghiện, em đã quyết tâm học nghề tại đây và trở về tái hòa nhập cộng đồng sau những chuỗi ngày dùng ma túy đến mị người…
Một trong những nội dung quan trọng là công tác quản lý, giáo dục cho đối tượng quản lý sau cai. 100% đối tượng sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện tại Trung tâm GD-DN 05-06/CP về hòa nhập cộng đồng đều được chính quyền xã, phường tiếp nhận và phân công các hội, đoàn thể quản lý, theo dõi, giúp đỡ, kiểm danh, kiểm diện định kỳ có đánh giá phân loại, xem xét công nhận tiến bộ. Theo đó, công tác kiểm danh, kiểm diện, phân loại, đánh giá kết quả rèn luyện của người đang quản lý sau cai đã được các quận, huyện tiến hành khá tốt. Số người trong diện quản lý sau cai có việc làm là 402 người trên tổng số 547 người, đạt tỷ lệ 73,5%. Kết quả phân loại từ đầu năm 2014 đến nay có 389 người xếp loại tiến bộ, 78 người chưa tiến bộ và 61 người có nguy cơ tái nghiện.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chương trình động viên hỗ trợ cho gia đình người sau cai và người đang quản lý sau cai gặp nhiều khó khăn trong các dịp lễ, Tết như: Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã hỗ trợ cho 5 trường hợp đang quản lý sau cai có hoàn cảnh khó khăn, mỗi trường hợp 1 triệu đồng, các phường của Q. Cẩm Lệ đã hỗ trợ 250kg gạo cho 15 người đang quản lý sau cai và 4 phần quà với giá trị mỗi phần là 200 ngàn đồng. UBND các phường của Q. Hải Châu đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên thân nhân và người hết thời gian quản lý sau cai có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 7,5 triệu đồng…
Bên cạnh công tác quản lý, điều đáng nói ở TP Đà Nẵng trong công tác giúp người nghiện cùng vươn lên, tái hòa nhập cộng đồng đó chính là các CLB. Hiện thành phố có 23 CLB quản lý sau cai, sinh hoạt với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đã thu hút đông đảo hội viên, tình nguyện viên đến tham gia. Điển hình như CLB Tương Lai (P. Phước Ninh), Bình Minh (P. Thanh Bình), Vươn Lên (P. Vĩnh Trung)…
Các học viên luyện tập thể thao tại Trung tâm 05-06. |
Cùng rất nhiều hoạt động cũng như chương trình hỗ trợ cho người sau cai đã phần nào cùng nội lực của người nghiện ma túy vững bước vươn lên trong cuộc sống. Anh Bùi Ngọc Lý - phụ trách quản lý người sau cai P. Hòa Cường Nam cho biết: thực sự công tác này cũng gặp nhiều khó khăn tuy nhiên về lâu dài cũng đã giúp được cho rất nhiều người tái hòa nhập cộng đồng nên rất vui. Lúc đầu rất khó để tiếp cận họ nhưng rồi cũng bằng tình thương bằng tất cả tấm lòng của mình, chúng tôi cũng lại gần với họ. Họ giờ đã trở lại cuộc sống đời thường, chăm chỉ làm ăn, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng đã vươn lên. Trong đó, có thể kể đến gương sáng trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng là anh P.V.G (1979) và T.N.V (1977).
Gặp anh T.N.V, sau vài lời giới thiệu, anh không ngần ngại kể về cuộc đời đầy thăng trầm của mình: khi trước do bạn bè rủ rê nên cũng thử “trải nghiệm” vài đợt ma túy nhưng rồi không thể dừng cái “trải nghiệm” này được nữa, cứ thế V. tiếp tục lún sâu hơn vào ma túy. Trong một lần sử dụng ma túy, anh bị lực lượng CA bắt được và đưa vào trại 05-06. Tại đây, anh bắt đầu cai nghiện được ma túy. Cũng học được chút nghề, rồi quay trở lại cuộc sống bình thường, tất cả mọi lời xung quanh anh đều bỏ qua, chăm chỉ với nghề cắt tóc. Rồi anh lập gia đình, tiếp tục mở một quán nước mía nhỏ để tăng thu nhập. Thấy anh chăm chỉ làm việc, cũng chẳng còn tai tiếng gì với “xã hội đen” nên bà con chòm xóm bắt đầu giúp đỡ hai vợ chồng. Rồi dần dần mọi chuyện cũng bắt đầu ổn định khi con cái anh đến trường. Thực sự mọi chuyện với anh như một cơn ác mộng đã tỉnh giấc.
Ma túy thực ra cũng là một chướng ngại vật, một hố đen lớn mà họ vấp phải, nhưng không có nghĩa là họ không vượt qua được. Bằng tình thương, bằng tất cả tấm lòng, sự giúp đỡ chân thành của những con người xung quanh, họ vẫn xứng đáng có lại được cuộc sống bình thường như bao người khác...
P.V