Ra mắt catalogue “Âm vang của đá - những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”
Ngày 21-12, cuốn catalogue mới tựa đề “Âm vang của Đá –những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng” bằng tiếng Anh do Bảo tàng phối hợp thực hiện cùng Chương trình nghệ thuật Đông Nam Á - Trường Nghiên cứu Á – Phi thuộc Đại học London (Anh) chính thức ra mắt. Theo ông Nguyễn Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, cuốn catalogue không dừng lại là cuốn sách giới thiệu về những kiệt tác đá tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm mà còn là “sợi chỉ” liên kết, đưa khán giả đến gần, có cái nhìn đa chiều, chính xác nhất về những giá trị, biểu tượng của nền văn hóa Chămpa. Hơn hai năm trước, khi nhận được đề nghị của nhóm điều hành dự án, Sở VH-TT TP nhận thấy đây là hoạt động hết sức thiết thực, phù hợp với chương trình phát triển văn hóa của TP và đã trình UBND TP phê duyệt triển khai. Đến nay, dự án đã cho ra đời một sản phẩm cụ thể, tập hợp các bài nghiên cứu của các học giả hàng đầu về lĩnh vực nghệ thuật Chăm cùng với việc giới thiệu nội dung, ý nghĩa những hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. “Sự ra mắt của tập catalogue mới này là một đóng góp có ý nghĩa đúng vào thời điểm vừa hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm sau 100 năm thành lập. Cùng với việc nâng cao chất lượng trưng bày hiện vật tại Bảo tàng, các nội dung và hình ảnh trong cuốn catalogue mới có giá trị chuyên môn cao sẽ giúp du khách, bạn bè trên khắp thế giới thưởng thức một cách đầy đủ, sâu sắc về giá trị của bộ sưu tập nghệ thuật mà Bảo tàng lưu giữ”, ông Thao nhìn nhận.
Bà Chakrabongese, Giám đốc điều hành Nhà xuất bản River Books trao cuốn catalogue cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Ấn phẩm catalogue của Bảo tàng Điêu khắc Chăm tập hợp những bức ảnh đẹp về bộ sưu tập điêu khắc Chămpa hàng đầu thế giới cùng những nhận định phân tích, cập nhật của các học giả Việt nam và quốc tế. “Tuyển tập vừa tóm lược những nghiên cứu trước đây về vương quốc Chămpa đồng thời giới thiệu những nhận định mới về quá khứ Chămpa cũng như mối quan hệ năng động của Chămpa cùng các dân tộc xung quanh, trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa, đặc biệt ở thế kỷ XII và XIII. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa lịch sử và lịch sử nghệ thuật”, Giáo sư John K.Whitmore, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, ĐH Micchigan chia sẻ. Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cuối năm 1915 tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng được xây dựng, đến giữa năm 1919, Henri Parmentice công bố tài liệu catalogue đầu tiên của Bảo tàng trên tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (BEFEO) đúng vào dịp khánh thành gian trưng bày đầu tiên của Bảo tàng. Từ đó đến nay, Bảo tàng trải qua nhiều thay đổi, một số hiện vật đã di chuyển đi nơi khác, nhiều hiện vật mới sưu tầm được bổ sung. Đặc biệt, công tác nghiên cứu, diễn giải về các hiện vật có nhiều phát triển. Từ cuốn catalogue đầu tiên của Bảo tàng Chăm năm 1919, chủ yếu là thống kê, miêu tả các hiện vật đã xuất hiện những công trình nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật, về phong cách của các tác phẩm điêu khắc Chăm. Hiện nay, hầu hết các tác phẩm trong bộ sưu tập của Bảo tàng được làm từ đá cát và được thu thập tại các đền tháp Chămpa đã bị sụp đổ và bao phủ bởi hệ thực vật nhiệt đới qua nhiều thế kỷ. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, các di tích Chăm bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà sưu tập cổ vật và giới nghiên cứu di sản văn hóa. Phần lớn công việc khảo sát, ghi chép, phát quang và khai quật một cách khoa học được tiến hành vào 30 năm đầu thế kỷ XX, khi các tác phẩm điêu khắc của nền văn hóa ít được chú trọng nghiên cứu bắt đầu được chuyển giao về Bảo tàng lúc bấy giờ được gọi là “Musée Cam” hoặc “Musée Tourane”.
Cũng theo ông Thắng, cuốn danh mục đầu tiên của Musée Cam được biên soạn bởi Henri Parmentier, một kiến trúc sư tài năng đồng thời là người góp phần quan trọng vào việc thành lập Bảo tàng. Danh mục này được công bố trên tập san của BEFEO, số 1, quyển 19, năm 1919. Gần 100 năm trôi qua, một số hiện vật trong tập danh mục đã bị thất lạc, hư hại. Kiến thức về lịch sử Chămpa, văn hóa, nghệ thuật cũng như việc cảm nhận tính độc đáo, chiều sâu và sự phong phú của nền nghệ thuật này đã tiến triển dẫn theo thời gian cùng với sự tích lũy các dữ liệu mới và sự tham gia của các học giả trong nước cũng như quốc tế thuộc nhiều ngành nghiên cứu khác nhau. Chủ đề Chămpa không chỉ xuất hiện trên các tạp chí tiếng Pháp như những năm đầu thế kỷ XX mà hiện tại đang thu hút một số lượng lớn các học giả đến từ châu Âu, châu Á, bắc Mỹ làm việc cùng với các chuyên gia người Việt Nam. “Dự án hoàn thành là kết quả sự nỗ lực của những người điều hành, của thiện chí đóng góp từ các học giả tại Việt Nam và từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sự tham gia có hiệu quả của Nhà xuất bản River Books (Thái Lan) từ khâu cử nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sang tiến hành chụp, đến thiết kế và ấn hành cuốn sách mới với một hình thức trang nhã, hấp dẫn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Phi Nông