Rắc rối thi hành án khối tài sản lớn liên quan đến Phan Văn Anh Vũ
Kiến nghị liên quan đến vụ án cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và các đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Theo văn bản kiến nghị của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường thiệt hại số tiền theo các bản án đã tuyên đối với ông Phan Văn Anh Vũ, bản án sơ thẩm số 20/2020/HS-ST và bản án phúc thẩm số 158/2020/HS-PT đã kê biên nhiều tài sản của ông Vũ và cả những tài sản không thuộc quyền sở hữu của cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ.
Trong đó, có những tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân ông Vũ, tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của 5 doanh nghiệp mà ông Vũ làm đại diện theo pháp luật hoặc tham gia góp vốn và những tài sản mang tên cá nhân, tổ chức khác tại thời điểm kê biên.
Việc CQĐT kê biên và hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên tiếp tục duy trì các lệnh kê biên đối với các tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông Phan Văn Anh Vũ là trái quy định pháp luật.
Theo Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, trong thời kỳ hôn nhân (từ ngày 30/3/2000 đến nay), ông Phan Văn Anh Vũ và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hiền đã tạo lập được 25 tài sản chung. Ngoài những tài sản trong khối tài sản chung với chồng, bà Hiền còn có 2 tài sản riêng khác.
Bà Hiền là người có quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên, không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông Vũ và không là đối tượng bị kê biên theo quy định pháp luật.
Việc cơ quan tiến hành tố tụng kê biên các tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bà Hiền trong khối tài sản chung và kê biên 2 tài sản riêng của bà để đảm bảo thi hành án của ông Phan Văn Anh Vũ mà không xem xét đến quyền lợi hợp pháp của bà là không đúng quy định pháp luật.
Bản kiến nghị còn cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng kê biên, thu hồi các tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của các công ty mà ông Phan Văn Anh Vũ là đại diện theo pháp luật hoặc tham gia góp vốn (Công ty Cổ phần Xây dựng 79, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C, Công ty TNHH Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound) và Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc) là chưa đúng quy định pháp luật.
Các công ty này đều là các pháp nhân độc lập, tự nhân danh mình tham gia các giao dịch pháp luật và xác lập các quyền sở hữu, sử dụng tài sản, cũng như tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Việc quản lý, điều hành doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của công ty phải tuân thủ điều lệ và các quy định pháp luật.
Theo đó, quy định tại Điều 81 Bộ luật dân sự 2015 nêu: “Tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”.
Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 thì pháp nhân “có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”.
Như vậy, tài sản của Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty cổ phần Xây dựng 79, không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông Phan Văn Anh Vũ và không là đối tượng bị kê biên theo quy định pháp luật.
Liên quan đến việc thi hành án, bà Hiền cũng có đơn thư cho rằng, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm các vấn đề. Cơ quan thi hành án giải thích với bà rằng, đang có nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình xử lý các tài sản kê biên trong vụ án chưa được tháo gỡ.
Theo báo cáo về tình hình, kết quả công tác thi hành án dân sự của Cục THADS TP Đà Nẵng, năm 2022, kết quả thi hành án thấp, Cục không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ giao trong năm. Việc xử lý tài sản là bất động sản trong các vụ án về hình sự tham nhũng, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, từ việc xác định hiện trạng tài sản đến giải quyết tranh chấp sở hữu… Đưa ra điển hình vụ việc khó thi hành trên địa bàn, Cục THADS TP Đà Nẵng nhắc đến các bản án liên quan đến vụ án cựu quan chức Đà Nẵng và Phan Văn Anh Vũ. |
Theo VietNamNet