Rải cáp ngầm ra Lý Sơn

Thứ sáu, 05/09/2014 10:08

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 9, khi những ngọn gió nam đang yếu dần, báo hiệu mùa biển động đang cận kề, trên vùng biển đảo Lý Sơn hơn 80 cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, thủy thủ Liên doanh nhà thầu Thái Dương - Prysimian ( Ý) vẫn cật lực ngày đêm bám biển đẩy nhanh tiến độ dự án đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Trời vừa chập choạng tối, những ngọn gió Đông Nam thổi mạnh, khiến con tàu gỗ cũ kỹ công suất 45 CV, chở anh em phóng viên vượt sóng chòng chành tiến ra khơi. Sóng liên tục xô mạn, tàu lắc mạnh khiến nhiều anh em mặt tái nhợt vì say sóng. Gần một giờ lênh đênh trên sóng, con tàu gỗ đưa chúng tôi tiếp cận con tàu quốc tịch Singapore, đơn vị thi công rải cáp ngầm. Con tàu sừng sững như một "Đại công trường" đang làm nhiệm vụ cách đất liền hơn 6 hải lý.

Tàu vừa cập mạn, anh em phóng viên đã vội leo lên con tàu "đại công trường" ngổn ngang thiết bị, máy móc, đèn điện cao áp sáng trưng chiếu sáng cả vùng biển đảo. Thuyền trưởng tàu gỗ là một thanh niên trẻ vừa giúp anh em phóng viên chuyển máy vừa thỏ thẻ trấn an: "Đang vào thời điểm giao mùa nên vùng biển này luôn có sóng lớn, nhưng không sao ra đến đây là ổn".

 

Nhìn đống cáp ngầm có trọng tải hơn 500 tấn chất đầy trên khoang, chưa kể hàng trăm tấn thiết bị, máy móc trên con tàu quốc tịch Singapore, mới thấy được tính chất công việc vất vả của các kỹ sư, chuyên gia, thủy thủ đang ngày đêm tham gia dự án trên sóng dữ. Qua ánh đèn cao áp công suất lớn, dưới đáy biển, giờ vẫn còn hàng chục thủy thủ đang lặn dưới đáy biển sâu để hỗ trợ thi công xẻ rãnh, rải cáp ngầm xuyên biển.

Quệt vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đẫm nước biển mặn, kỹ sư, chỉ huy trưởng khâu rải cáp ngầm, anh Ronald Dolocsaribu người Indonesia cười tươi, đưa bàn tay thô ráp, dính đầy dầu mỡ thân thiện nắm chặt tay anh em trong đoàn như gửi gắm tình cảm của kỹ sư, chuyên gia, thủy thủ đang tham gia dự án với quyết tâm sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả.

Trên boong tàu, toàn bộ kỹ sư, chuyên gia mỗi người một việc, họ tạo thành guồng máy để thả những mét cáp từ trên boong tàu xuống lòng đại dương theo vị trí mà các robot đào rãnh đã định sẵn. Bằng chất giọng tiếng Việt lơ lớ, kỹ sư Ronald Dolocsaribu vui mừng cho biết: "Hơn một tuần liên tục làm việc trên sóng dữ đã có hơn 8 km cáp ngầm được thả xuống biển. Mỗi ngày anh em phân ca làm việc liên tục từ sáng sớm đến tận đêm khuya, nếu thời tiết thuận lợi thì khâu thả cáp ngầm ra đảo Lý Sơn sẽ hoàn thành trước ngày 20-9".

Kỹ sư, chuyên gia, thủy thủ đang thực hiện dự án kéo điện cáp ngầm ra đảo Lý Sơn.

Những ngày qua, tuy thời tiết luôn có sóng lớn, nhưng với quyết tâm cao nên mỗi ngày có hơn 2 km cáp ngầm được thả xuống biển. Ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng giám đốc Liên doanh nhà thầu Thái Dương - Prysimian, người trực tiếp chỉ huy dự án thì tự tin cho biết: "Khó khăn lớn nhất về đấu nối cáp ngầm vào hệ thống trạm bờ và đảo Lý Sơn đã hoàn thành. Bây giờ vấn đề đặt ra là vùng biển này địa chất khá phức tạp, bởi đáy biển sâu, nhiều vùng đáy biển dốc đứng kèm theo đá san hô nên việc xẻ rãnh đặt cáp sẽ khó khăn hơn. Thế nhưng chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, cố gắng trước ngày 20-9 sẽ hoàn thành rải cáp xuyên biển ra đảo Lý Sơn, để cuối tháng 9 này đóng điện toàn tuyến".

Theo ông Thái, tranh thủ mùa này thời tiết còn thuận lợi, nên các chuyên gia, kỹ sư, thủy thủ trên tàu rải cáp làm việc 20/24 giờ, "Anh em làm việc cứ phân theo ca, tốp này vừa nghỉ tay thì tốp kia vào việc, công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến tận đêm khuya, không kể ngày nghỉ, phải làm liên tục trong mọi điều kiện để dự án sớm hoàn thành", ông Thái chia sẻ.

Dự án kéo điện cáp ngầm ra đảo Lý Sơn hoàn thành, mỗi năm ngành Điện sẽ tiết kiệm được hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hơn 5 ngàn hộ dân trên đảo Lý Sơn sẽ được sử dụng điện liên tục 24/24 giờ mỗi ngày từ hệ thống điện lưới quốc gia, điều này sẽ tạo bước đệm để Lý Sơn phát triển toàn diện về mọi mặt trong tương lai. Ông Nguyễn Tấn Lộc; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nói.

Chỉ vào màn hình camera quan sát từng cử chỉ của các thủy thủ đang quần quật làm việc dưới đáy đại dương, kỹ sư Ronald Dolocsaribu giải thích cặn kẽ "đường đi" của cáp ngầm. Điểm tàu đang rải cáp khá thuận lợi, chỉ với độ sâu khoảng 40 -50 m. Nhưng khi càng xa bờ thì độ sâu sẽ tăng lên có nơi hơn 100 m. Đây là khó khăn đối với những người làm việc dưới nước.

Để thực hiện dự án này, ngoài thiết bị sẵn có, Liên doanh nhà thầu đã phải huy động thêm 5 con tàu gồm: 1 tàu xẻ rãnh rải cáp, 2 tàu định vị neo, 1 tàu nhổ neo để di chuyển và 1 tàu khác làm nhiệm vụ chuyên chở các chuyên gia, kỹ sư, thủy thủ di chuyển khi cần thiết. Trên công trường thi công rải cáp ngầm ra đảo có khoảng 45 chuyên gia, kỹ sư, thủy thủ là người Singapore, Indonesia, Malaysia. Mặc dù sống và làm việc trên biển, nhưng các anh em luôn được liên danh nhà thầu Thái Dương - Prysimian đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần để anh em yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Thi công kéo cáp ngầm ra đảo Lý Sơn để điện lưới Quốc gia đến với người dân đảo tiền tiêu là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Do vậy, dù khác nhau về quốc tịch, ngôn ngữ có bất đồng nhưng tất cả kỹ sư, chuyên gia, thủy thủ đang ngày đêm tham gia dự án có chung lòng quyết tâm đó là hoàn thành dự án để ánh sáng điện từ đất liền sớm bừng sáng nơi đảo xa.

Anh Thư