Rạng ngời nghĩa khí Cần Vương

Thứ tư, 14/07/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Hôm qua (13-7), Lễ hội Cần Vương lần đầu tiên đã chính thức khai mạc tại vị trí “kinh đô kháng chiến”  Tân Sở (Quảng Trị). Hàng ngàn người đã tìm về vùng Cùa (Cam Lộ) để tri ân những nghĩa sĩ đã ngã xuống và cũng để được trở về thời hào hùng rạng ngời nghĩa khí Cần Vương cách nay hơn một thế kỷ.

“Di tích lịch sử Tân Sở” - một địa danh rất đỗi quen thuộc với người dân đất Việt, nhưng đáng buồn là trên thực tế di tích đã bị phế tích hoàn toàn bởi thời gian và sự tàn phá của chiến tranh khốc liệt. Chính chúng tôi đã gắn bó với vùng Cùa từ hàng chục năm nay, đi về hằng ngày trên mảnh đất thiêng nhưng cũng khó mà hình dung được thành lũy xưa. Trăn trở biết mấy. Việc khơi dậy hình ảnh “kinh đô kháng chiến” là sự cần thiết không chỉ đó là đạo nghĩa dân tộc mà còn hun đúc lòng tự hào cho thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Nguyễn Văn Thuận (xã Cam Chính) tâm sự.

Có lẽ đã chờ đợi quá lâu về những mong muốn phục dựng lại Tân Sở nên hôm nay khi lần đầu tiên lễ hội Cần Vương được tổ chức người dân vùng Cùa hồ hởi, háo hức vô cùng. Mọi người tin rằng lễ hội chính là bước “khởi động” cho hành trình quan trọng ấy. Nhưng trước hết, người đến với lễ hội đang được thụ hưởng và sâu lắng trong không khí hết sức đặc biệt tái hiện thời khắc lịch sử bi hùng của 125 năm về trước từ chương trình nghệ thuật “Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương” và cùng hồ hởi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi.

 Chương trình nghệ thuật “Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương”.

Đúng như tên gọi, toàn bộ chương trình nghệ thuật đêm 13-7 được diễn ra trên một sân khấu mở, lạ và lôi cuốn đậm chất sử thi đã đưa người xem trở về những ngày tháng gian nan của vị vua trẻ Hàm Nghi “xuất bôn” ra vùng Cùa lập căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thành xưa lũy cũ cũng được mô phỏng gợi nhớ lại một Tân Sở đã được xây dựng từ năm 1883, tuy là căn cứ xây dựng dã chiến, tạm thời nhưng đã nuôi dưỡng những hoài bão lớn về phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho đất nước.

Như đã biết, sau sự kiện kinh thành Huế thất thủ (đêm 4 rạng sáng 5-7-1885), 2 đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã quyết định đưa vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành đi tìm đường cứu nước. Và Tân Sở đã được vua Hàm NGHI cùng quần thần chọn làm nơi xây dựng thành căn cứ kháng chiến. Cũng tại đây, ngày 13-7-1885, chiếu Cần Vương đã được ban ra như một bài hịch kêu gọi toàn dân đấu tranh giành lại giang sơn Tổ quốc. Tân Sở trở thành trung tâm dấy nghĩa của cao trào Cần Vương chống Pháp và lan tỏa rộng khắp...

Khi tiếng trống ra trận vang lên thúc giục, tiếng đại bác giòn giã, tiếng hô vang dậy đầy chí khí của nghĩa quân khiến lòng người thêm nôn nao, khí thế và tràn ngập lòng tự hào về truyền thống đấu tranh của ông cha. Xuyên suốt chương trình nghệ thuật khắc đậm hình ảnh nghĩa binh sẵn sàng cho một cuộc kháng chiến đầy gian nan, thử thách: hoạt cảnh múa “Nghiệp xưa tiên tổ”, “Tiếng vọng non sông” đã khơi dậy trong lòng người xem sự thôi thúc rung động.

Ấn tượng nhất là phần tái hiện sử thi “Tuyên chiếu Cần Vương”, vị vua trẻ oai hùng với lời hịch mang âm hưởng của bài ca ra trận và thấm đẫm tinh thần dân tộc: “Từ xưa việc chống giặc không thể để ra ngoài ba điều: giữ, hòa, chiến... Trẫm tuy trẻ tuổi nối ngôi nhưng không bao giờ quên tự lực, tự cường, tự chủ. Giặc mỗi ngày một ngang ngạnh khiến chánh tình bối rối vô cùng. Hôm trước chúng tăng thêm binh quyền, bức triều đình những điều không thể chấp nhận được. Dân trong Kinh thành cũng sợ mối nguy ập đến. Kẻ đại thần mưu nước không thể không lo bảo vệ xã tắc...”.

 Ít ỏi hiện vật vừa được tìm thấy tại di tích Tân Sở.

“Thật tuyệt vời khi được xem một chương trình tái hiện sinh động về đất Tân Sở bi hùng và lẫy lừng như thế” - chị Hoàng Oanh, du khách đến từ TPHCM xúc động chia sẻ. Còn theo ông Nguyễn Công Phán, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H. Cam Lộ thì: “Lễ hội sẽ mở ra một tầm nhìn mới, khẳng định tính xác thực của lịch sử trong chủ trương phục dựng, tôn tạo và phát huy tiềm năng của một khu di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia như vị thế của nó đã có trong lịch sử”.

Trong ngày 13-7, hội thảo “Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương” do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức thu hút nhiều nhà khoa học trong nước tham gia. Tại hội thảo, nhiều ý kiến thiết thực đóng góp cho việc tôn tạo, phục dựng di tích Tân Sở đúng với với tầm vóc lịch sử. 

Hôm nay 14-7, mọi người dân đều có thể tham gia vào hàng loạt chương trình có chung chủ đề “Tri ân nghĩa sĩ Cần Vương” như hội thi vẽ tranh, cắm hoa, trò chơi dân gian...; và giải bóng chuyền tranh Cúp Tân Sở lần thứ nhất. Từ lần thứ nhất này, Tân Sở sẽ còn là điểm hẹn lễ hội của những năm sau. Hy vọng không xa, một Tân Sở được phục dựng hoành tráng với nhiều hạng mục như tượng đài, bia tưởng niệm, nhà bảo tàng, thành lũy... xóa đi hình ảnh hoang tàn như hiện có. Đó cũng chính là mơ ước, khát khao của người dân Quảng Trị từ bao đời nay.

Bài, ảnh: Bảo Hà