Rất khó giữ lại sân vận động Chi Lăng

Thứ sáu, 24/05/2019 09:05

Ngày 23-5, trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Lâm Hồng Anh – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng cho biết, buổi làm việc giữa UBND TP Đà Nẵng và các bên liên quan trong tiến trình thỏa thuận để sân vận động (SVĐ) Chi Lăng - là phần tài sản phải thi hành án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào. Quan điểm của các cá nhân, đơn vị tại cuộc họp cho thấy nguyện  vọng của người dân và mong muốn của chính quyền Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nợ, lãi các khoản vay từ sân vận động Chi Lăng lên đến gần 9.000 tỷ đồng.

Nợ các khoản vay từ SVĐ Chi Lăng gần 9.000 tỷ đồng

Theo ông Lâm Hồng Anh, Cục THADS TP Đà Nẵng đã thụ lý thi hành Bản án số 332/2016/HSST ngày 9-9-2016 của TAND TP Hồ Chí Minh và Bản án số 30/2017/HSPT ngày 24-1-2017 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh do Cục THADS TP Hồ Chí Minh ủy thác, thi hành đối với khoản: Buộc Phạm Công Danh và Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có nghĩa vụ bồi hoàn cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam số tiền nợ gốc là 3.646 nghìn tỷ đồng và tiền lãi đối với các khoản vay tính theo các hợp đồng tín dụng, buộc Cty TNHH MTV Dịch vụ Thành Thành Công phải trả cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam số tiền 300 tỷ đồng và toàn bộ lãi theo hợp đồng tín dụng. Tổng cộng số tiền nợ gốc phải thi hành là 3.946 tỷ đồng và lãi phát sinh theo các hợp đồng tín dụng. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Phạm Công Danh, Cty Thiên Thanh chưa thanh toán đủ số tiền bồi thường thì hàng tháng phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

Bản án tuyên tiếp tục duy trì lệnh kê biên để xử lý thi hành án 8 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng sân vận động Chi Lăng gồm 11 lô đất; giải tỏa kê biên 2 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất gồm 3 lô đất. Tòa án giao cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Agribank Chi nhánh Láng Hạ quản lý, xử lý theo quy định pháp luật. Số tiền còn lại (nếu có) của tất cả 14 lô đất nêu trên sẽ được tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ khác của bị cáo Phạm Công Danh và Cty Thiên Thanh trong vụ án này. “Quá trình thi hành án, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại SVĐ Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận thi hành án. Chính vì vậy, Tổng cục THADS chỉ đạo Cục THADS thành phố chủ trì, tổ chức cho các bên liên quan thỏa thuận theo đề nghị của UBND TP Đà Nẵng”, ông Hồng Anh cho biết.

Tại buổi thỏa thuận, đại diện UBND TP Đà Nẵng nêu quan điểm: Khi giao SVĐ Chi Lăng cho Cty Thiên Thanh, khu đất này vẫn chưa được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 và việc giao đất nêu trên không thông qua hình thức đấu giá theo quy định. Tại thời điểm giao đất vẫn chưa có đủ mặt bằng, hiện còn người sử dụng đất khác đang sử dụng trên đất giao cho Cty Thiên Thanh (40/98 hồ sơ chưa được bàn giao đất). Kết luận 2852 ngày 2-11-2012 của Thanh tra Chính phủ xác định việc giảm 10% tiền sử dụng đất (tương ứng số tiền 139.304.330.000 đồng) khi giao đất cho Cty Thiên Thanh là không có căn cứ, cần phải truy thu vào ngân sách. Ngoài ra, mục đích giao đất là đất thương mại dịch vụ nhưng khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xác định thời hạn lâu dài là không đúng quy định. Việc tách diện tích nêu trên thành nhiều thửa để cấp thành nhiều Giấy chứng nhận khi không có quy hoạch là trái quy định của pháp luật. “Từ những lý do nêu trên, cho thấy việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm tiền sử dụng đất là không có căn cứ pháp luật. Do đó, quan điểm của UBND thành phố là được giữ lại toàn bộ SVĐ Chi Lăng và sẽ thực hiện việc hoàn trả lại số tiền sử dụng đất cùng các khoản tài chính khác có liên quan mà Cty Thiên Thanh đã thực nộp vào ngân sách”, đại diện UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị.

Theo đại diện Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Agribank Chi nhánh Láng Hạ, tính đến ngày 30-4-2019 ông Phạm Công Danh, Cty Thiên Thanh phải trả các khoản vay và lãi được đảm bảo tài sản SVĐ Chi Lăng số tiền 8.725 tỷ đồng. Việc UBND thành phố đề nghị nhận lại SVĐ Chi Lăng với số tiền Phạm Công Danh đã nộp ngân sách là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.

Trong khi đó, đại diện ông Phạm Công Danh, Cty Thiên Thanh cho rằng, hiện nay vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 thì Ngân hàng xây dựng Việt Nam phải hoàn trả lại cho Phạm Công Danh trên 2.100 tỷ đồng theo Bản án phúc thẩm số 712 ngày 25-12-2018 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Do đó các bên cũng sẽ ngồi lại với nhau để xem xét giải quyết việc đối trừ; cách thức tính lãi đến nay. Cty Thiên Thanh đề nghị UBND TP xem xét lại số tiền hoàn lại để nhận lại Khu phức hợp SVĐ Chi Lăng đã hợp lý hay chưa để có phương án giải quyết phù hợp, đảm bảo quyền lợi của các bên. Do chưa thống nhất về số tiền thỏa thuận, đại diện ông Phạm Công Danh, Cty Thiên Thanh, Ngân hàng, UBND thành phố đề nghị tạo điều kiện thêm thời gian cho các bên liên quan đối trừ công nợ và thông tin cụ thể về số tiền phải thi hành án, có cơ sở cung cấp cho Cục Thi hành án dân sự, UBND TP xem xét.

Ngày 2-6 phải báo cáo kết quả thỏa thuận

Ông Lâm Hồng Anh cho biết, cơ quan THADS TP Đà Nẵng đã ghi nhận tất cả ý kiến trình bày của các bên và đề nghị đến hết ngày 27-5, đại diện các bên có thông tin cụ thể về số tiền phải thi hành của Phạm Công Danh, Cty Thiên Thanh cung cấp cho Cục THADS, UBND TP Đà Nẵng xem xét. Chậm nhất đến hết ngày 2-6 kết quả sẽ được thông báo. Sau thời gian này, nếu các bên không có ý kiến gì về Cục THADS thì việc thi hành án xem như không thỏa thuận được. Các vấn đề sẽ được báo cáo để Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS có ý kiến chỉ đạo.

Khi được hỏi về những khó khăn khiến không thể xử lý tài sản đã kê biên là SVĐ Chi Lăng, lãnh đạo Cục THADS TP Đà Nẵng cho biết, bản án tuyên duy trì lệnh kê biên đảm bảo thi hành án đối với quyền sử dụng đất của 11/14 lô đất, giải tỏa kê biên đối với quyền sử dụng đất của 3/14 lô đất trong SVĐ và giao cho các Ngân hàng quản lý, xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, những lô đất mà bản án tuyên giao cho các Ngân hàng nằm ở đầu và ở giữa SVĐ Chi Lăng nên không thể xử lý các lô đất nói trên theo nội dung án tuyên được. Vì SVĐ Chi Lăng là một khối thống nhất, việc chia lô, tách thửa để cấp giấy chứng nhận chỉ là hình thức, trên thực tế không có ranh giới, cắm mốc cụ thể. Mục đích sử dụng đất tại đây là để thực hiện dự án đầu tư; nếu xé lẻ các lô đất để xử lý theo các mục đích sử dụng khác nhau sẽ phân tán quy hoạch ban đầu của UBND TP Đà Nẵng khi phê duyệt dự án đầu tư. Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều không ghi rõ ranh giới, khoảng cách của lô đất đối với diện tích xung quanh, chỉ nêu vị trí và diện tích của lô đất. Mục đích sử dụng đất là đất dự án nhưng lại cấp giấy chứng nhận cho các lô đất với thời hạn lâu dài, trái với mục đích sử dụng đất theo quy định. Ngoài ra, dự án hiện nay chưa hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng; vẫn còn một số hộ dân không nhận tiền đền bù, không bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương để thi hành án. “Nếu tổ chức thi hành án theo đúng nội dung bản án tuyên thì Cục THADS không thể xử lý được tài sản kê biên là Khu phức hợp SVĐ Chi Lăng để đảm bảo thi hành án”, ông Lâm Hồng Anh cho biết.

Công Khanh