Rau xanh miền "đất góp"
(Cadn.com.vn) - Giữa Đà Nẵng tráng lệ, ít ai ngờ tồn tại những "nhà nông" bỏ sức khai bê-tông, dời sỏi đá trên những lô đất chưa làm nhà hoặc quy hoạch treo để ươm từng luống rau. Đáng nói hơn, họ trồng rau không phải để làm kiểng, hoặc thêm thắt chút tươi cho bữa ăn hàng ngày, mà là cuộc mưu sinh thực sự.
Giữa trưa, căn chòi dựng tạm của ông Phan Tá Châu (1940, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) nóng như thiêu đốt. Lão nông đã 74 tuổi nhận xét: " Quần quật suốt ngày, rau màu nó cũng như cô gái mới lớn vậy, đỏng đà đỏng đảnh, phải chăm sóc tưới tắm nó suốt ngày. Không coi sóc, chăm bẵm, lơi tay ra một tí là hư sự ngay".
Quả thực lão nông này ví von khá hay về đám rau của mình. Ông bắt tay vào nghiệp trồng rau khoảng hơn bốn năm nay. Trước kia, ông là một thợ mộc có tiếng trong vùng, đem "quân" đi đánh khắp chốn Đà thành này, hễ đâu có công trình hay nhà dân cần chế tác gỗ lạt là đến ngay lập tức. Nhưng rồi vì tuổi tác, sức khỏe phải giã từ cái nghiệp mộc. Ở nhà mãi cũng phí, ông "cơm đùm, gạo bới" ra những mảnh đất trong diện "quy hoạch treo" hoặc lô đất trống chủ nhân chưa xây nhà để trồng rau.
Chỉ tay về những luống rau hơn một sào, ông tâm sự: "Công sức, mồ hôi, nước mắt cả đó chú à. Trồng được ngọn rau xuống đây đâu phải dễ dàng gì. Đất xây dựng thì chú biết rồi đó, sỏi đá, bê-tông, đá cuội chất từng lớp, phải di chuyển hết chúng mới bòn mót được ít đất để canh tác đó chứ". Chỉ hơn một sào đất nhưng ông Châu phải mất gần tháng tròn để chuyển hết số gạch đá, bê-tông ra rìa. Gạch đá thì chất lên xe rùa đẩy đi nơi khác, còn bê-tông thì khổ vô cùng, phải dùng ve đục, búa tạ nện hết sức lực chúng mới chịu nhả ra từng miếng.
Trên cát trắng như thế này, "cọng rau, thau nước". |
Tận dụng từng thớ đất một mà mọi người gọi là "đất góp", lão nông này "nhồi nhét" vào đó đủ thứ rau cải, hành ngò. Do nằm trên cát trắng, ông Châu phải tưới tắm suốt ngày, tựa tưới bao nhiêu nước cũng không đủ, như một cái màng lọc. Vì vậy, nếu nắng nóng thì một ngày phải tưới liên tục từ sáu đến bảy lần, còn râm mát thì hai đến ba lần. Để có được nguồn nước tự nhiên, ông Châu phải thuê thợ khoan giếng ngay nơi canh tác rau. "Cái giống rau màu nó "kỵ" nhất là nước máy, càng tưới chúng càng "cùn", không chịu lớn. Trồng được thớ rau đã khó, đã khổ, công việc thu hoạch rồi chợ đò càng thêm vất vả hơn", ông Châu giải thích. 11 giờ khuya, ông Châu phải tự tay mình nhổ rau, vì nếu nhổ sớm quá rau ráng sẽ bị héo, khách hàng không vừa ý. 2 giờ sáng lại phải mang đến các khu chợ đầu mối để bỏ sỉ cho người quen. Nhưng cái sướng nhất của người trồng rau giữa thành phố có lẽ là cung không đủ cầu. Phải nhập rau từ những vùng ven hay địa phương khác về.
Ông Châu khẳng định rằng nhiều người dân đi ngang hiếu kỳ vì những luống rau xanh mát mắt giữa thành phố, ghé vào thăm hỏi, tìm hiểu. Nhận thấy quy trình trồng rau và nguồn nước tự nhiên được bơm từ giếng để tưới rau nên đặt mua rau ngay. Nhiều người đi đường sẵn sàng ghé vào mua một hai mớ về ăn trong gia đình, riết rồi cũng quen nên đến bữa lại ghé vào đây để tự tay mình trực tiếp thu hái.
Một giếng khoan chuyên phục vụ cho các đám rau. |
Tương tự, gia đình anh Đinh Thu (50 tuổi, P. Hòa Minh) huy động vợ chồng con cái "vỡ hoang" cát sỏi, bê-tông để trồng rau. Vì ít "thâm niên" trong việc trồng trọt, gia đình anh chọn được lô đất chằng chịt bê-tông. Anh bảo: "Mót phải mảnh đất toàn bê-tông chai lì, chồng đập, vợ đục, con chuyển, cả ngày mới bằng mảnh chiếu. Phải hai tháng trời mới lộ ra mảnh vườn như bây giờ đó. Đúng là làm nông dân giữa thành phố cực hơn nhà nông chính hiệu. Chúng tôi còn phải đến các bãi bồi ven sông chở đất phù sa về trồng rau. Phân tro ở đây không dùng phân hóa học mà ngược lên vùng Hòa Cầm để mua phân hữu cơ hoai mục từ các trang trại chăn nuôi.
Mỗi bao phân hữu cơ đóng có giá khoảng 16 nghìn đồng, chi phí xăng xe về đến nơi canh tác cũng đến 20 nghìn đồng. Mỗi đợt, người trồng rau ở nơi này mua đến 40, 50 bao". Rồi anh so sánh: "Này nhé, nông dân ở cái thành phố hoa lệ này mót đất để trồng rau, nhưng trồng bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu, khỏi phải lo không bán được. Còn những người làm nông ở miền quê thực thụ thì trồng nhiều nhưng hôm nào cũng nơm nớp lo ngại về đầu ra. Tôi xem thời sự có nơi người ta còn băm su hào, rau muống, xà lách cho lợn ăn nữa kia. Có nơi con bò nhìn khoai lang mà chả thèm ngó ngàng. Lạy trời, rau xanh của tôi vẫn ăn khách".
Ngược qua Sơn Trà, vùng rau có tiếng của Đà Nẵng, càng dễ bắt gặp những nông dân trồng rau trên đất góp. Rau cỏ ở đây phong phú, từ húng, quế, cải các loại cho đến khoai lang, rau muống... Ông Minh (P. An Hải Bắc) nghe kể về những đồng nghiệp ở Liên Chiểu, tỏ ra khâm phục nghị lực của họ. "Ở An Hải Bắc, Mân Thái chỗ bọn tôi đất trống còn nhiều, không đủ sức làm, sỏi đá, bê-tông cũng ít. Nước thì đào hố chứ chẳng cần giếng khoan. Nhưng, đã làm nông, mà lại trồng rau, thì phải chịu cực", ông Minh tâm sự.
Theo ông, riêng khu An Hòa thuộc An Hải Bắc, đã có khoảng trên dưới 20 hộ làm rau như ông, cũng toàn trên "đất góp", bởi rờ đâu cũng thấy khu dân cư, dự án. Vậy nhưng, trên các mảnh đất góp ấy, họ không cho đất nghỉ, có người ngày nào cũng có rau đi chợ. "Cơm ăn, áo mặc, cái chữ của con cháu nằm cả trên đám rau ấy. Ở Nhật, họ trồng rau trên sân thượng, trong thùng xốp được thì mình là dân nông, có miếng "đất góp" như vầy là tốt lắm rồi. Chỉ sợ sau này các chủ dự án triển khai, các chủ đất làm nhà hết...".
Đến các vùng An Vĩnh thuộc P. An Hải Tây, An Thượng thuộc P. Mỹ An hay vùng đất rau muống nổi tiếng Phước Mỹ, cũng không khó gặp các mảnh "đất góp" xanh mướt màu rau hoặc rực rỡ các loại hoa cúng. Loại trừ dăm bảy hộ còn giữ được vài mảnh đất màu, hầu hết cũng phải chọn phương án canh tác trên "đất góp". Cá biệt, có nơi đã chuyển hẳn sang kinh doanh ăn uống, tạp hóa như các hộ ven đường Hà Thị Thân (P. An Hải Tây, Q, Sơn Trà). Song hình như, do vẫn lưu luyến lắm cái nghề cha ông nên dù chuyển sang làm quán bánh canh, họ vẫn cố gắn vào cái nghề mới cái tên gần gũi: ruộng- bánh canh ruộng.
Nắng tháng Tám Âm lịch vẫn gay gắt. Ông Minh tay quệt mồ hôi bảo: "Khi nào người ta lấy lại đất để xây dựng thì hẵng hay, nhưng giờ thì vẫn chân lấm tay bùn cái đã. Đến lúc đó, lại đi tìm vài dự án "quy hoạch treo" nào đó mà làm...".
Bùi Đức Tú