Rình rập cháy rừng chết người từ đốt thực bì

Thứ hai, 20/05/2019 10:00

Hiện nay, tại các đồi núi ở tỉnh Quảng Ngãi, người dân đang tiến hành thu dọn xử lý thực bì để bước vào vụ trồng rừng mới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn xử lý tự phát theo tập quán lạc hậu đã gây liên tiếp nhiều vụ cháy rừng dẫn đến thương vong về người.

Vụ đốt thực bì gây cháy rừng dẫn đến chết người.  

Vụ cháy trên 2 ha rừng tại khu vực núi An Phong, xã Bình Mỹ, H. Bình Sơn ((tỉnh Quảng Ngãi) đầu tháng 5-2019 vừa qua làm ông Đào Chí Nam, 47 tuổi là chủ rừng tử vong. Nguyên nhân trong lúc cùng người thân đốt thực bì sau khi khai thác rừng, lửa cháy lan sang rừng khác, ông Đào Chí Nam lao vào dập lửa thì kiệt sức do khói dẫn đến tử vong. Thời gian qua trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra nhiều vụ cháy rừng làm thương vong nhiều người. Anh Phùng Hòa Phước, 44 tuổi, ở thôn Châu Me, xã Phổ Châu, H. Đức Phổ (Quảng Ngãi) theo cha ruột là ông Phùng Hòa Vui (85 tuổi) vào núi Đồi Chùa đốt dọn thực bì tại rẫy bạch đàn của gia đình. Do thời tiết hanh khô, gió mạnh nên ngọn lửa bùng phát dữ dội và nhanh chóng cháy lan sang rẫy khác. Một số người dân sống gần đó phát hiện có đám cháy lớn nên đến dập lửa thì phát hiện anh Phước bị thiêu cháy tử vong còn ông Vui bị bỏng nặng.

Hiện nay, các chủ rừng chủ quan dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu xử lý thực bì bằng lửa không đảm bảo quy trình. Thực tế đã chứng minh, có nhiều trường hợp cháy rừng, thiệt hại tài sản, thậm chí chết người do đốt thực bì trong thời tiết nắng nóng, gió to, không kiểm soát được mức độ an toàn, không báo cho Kiểm lâm và chính quyền địa phương để có phương án ứng phó. Ông Nguyễn Trọng Bá- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Nghĩa Hành chia sẻ: "Việc người dân tự xử lý thực bì bằng lửa là điều không xa lạ. Đây là một tập quán lạc hậu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Mặc dù trước đó ngành Kiểm lâm nhiều lần mời người dân đến tập huấn về các phương pháp xử lý thực bì bằng lửa an toàn, hiệu quả hơn, nhưng họ chưa thực sự quan tâm".

Do nắng nóng trên diện rộng kéo dài, một tháng qua trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra  trên 20 vụ cháy rừng thiệt hại hàng chục héc-ta rừng. Đặc biệt là thời điểm này giá cây trồng gỗ keo tăng cao, người dân tranh thủ khai thác bán và tiến hành thu dọn xử lý thực bì để bước vào vụ trồng rừng mới. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức trong phòng chống cháy rừng, không ít người dân thu dọn thực bì rồi tự đốt theo thói quen, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cả về người và tài sản. Ông Lê Hoài Vũ- Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H. Ba Tơ (Quảng Ngãi) khuyến cáo người dân nên đốt thực bì vào buổi sáng để có thể kịp thời xử lý sự cố xảy ra; khi nhiệt độ ngoài trời quá cao (buổi trưa, buổi chiều) thì không nên đốt…

Khi đốt, người dân cần lưu ý đốt từ trên xuống dưới theo chiều dốc của đồi, núi. Tuy nhiên, hiện nay một số người dân giữ thói quen lạc hậu là đốt từ dưới lên trên. Điều này rất nguy hiểm, bởi nếu đốt lửa từ dưới chân rừng lên, sau đó lại đứng trên cao để quan sát thì sẽ dễ bị ngạt khói. "Trước khi đốt, người dân phải làm đường băng cản lửa bao quanh; chỉ được đốt lúc gió nhẹ và phải bố trí người canh gác, không được để cháy lan vào rừng và phải dập tắt hết tàn lửa sau khi đốt. Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải huy động ngay lực lượng và phương tiện tại chỗ để chữa cháy rừng; đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xin hỗ trợ nếu có nguy cơ cháy lớn", ông Vũ khuyến cáo.

Hơn bao giờ hết, các cấp, các ngành cần vào cuộc hơn nữa trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người trồng rừng cần thay đổi những cách làm truyền thống, lạc hậu gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội.

T.Sự