Rộ tin đồn bắt cóc, căng thẳng Trung - Ấn leo thang
Căng thẳng đang gia tăng giữa New Delhi và Bắc Kinh trong bối cảnh có thông tin cáo buộc quân đội Trung Quốc đã bắt cóc 5 thường dân Ấn Độ ở một bang biên giới vào tuần trước.
Theo các nguồn tin, Ấn Độ đã gửi quân tiếp viện đến biên giới. Ảnh: BBC |
Trung Quốc bắt cóc 5 người ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ?
Các phương tiện truyền thông ngày 7-9 cho biết, cáo buộc này lần đầu tiên được một nghị sĩ Ấn Độ ở bang Arunachal Pradesh đăng trên Twitter vào ngày 6-9. Chia sẻ với truyền thông địa phương, cảnh sát bang Arunachal Pradesh cũng cho biết đang điều tra thông tin được đăng tải trên facebook từ người thân của một trong 5 người đàn ông được cho là bị bắt cóc này. Người này cho rằng, quân đội Trung Quốc đã bắt cóc 5 người trên. Theo tờ Arunachal Times, những người đàn ông này bị bắt khi đang đi săn, nhưng vẫn chưa rõ họ mất tích vào thời điểm nào.
Ngay sau đó, một bộ trưởng trong nội các Ấn Độ cho biết, đường dây nóng quân sự nhằm xoa dịu căng thẳng ở biên giới đã được kích hoạt. Khi một nhà báo hỏi Bộ trưởng Nội các Kiren Rijiju về các thông tin trên Twitter, ông cho biết quân đội Ấn Độ đang chờ phản hồi từ những người đồng cấp Trung Quốc. “Quân đội Ấn Độ đã gửi tin nhắn qua đường dây nóng tới quân đội Trung Quốc hoạt động tại chốt biên giới ở bang Arunachal Pradesh. Chúng tôi đang chờ phản hồi”, ông Rijiju viết trên Twitter.
Lo ngại gia tăng
Theo nguồn tin, Bắc Kinh hiện vẫn chưa phản hồi, nhưng cáo buộc có thể sẽ làm leo thang căng thẳng hơn nữa giữa hai quốc gia láng giềng này.
Hơn nữa, thông tin Bắc Kinh bị nghi ngờ bắt cóc 5 người đàn ông ở khu vực tranh chấp biên giới được công bố vào đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có cuộc đối thoại bên lề một hội nghị quốc tế ở Moscow hôm 5-9 để nhằm giảm căng thẳng. Nhưng điều đáng lo ngại những hy vọng cuộc gặp mang ý nghĩa phá băng đã sớm biến thành một cuộc khẩu chiến. Sau cuộc gặp, hai Bộ trưởng Quốc phòng Trung-Ấn đều đưa ra những tuyên bố cáo buộc nhau làm bùng phát căng thẳng ở biên giới. Trung Quốc nói rằng tình trạng bất ổn ở biên giới là “hoàn toàn” do lỗi của Ấn Độ và nước này sẽ không để mất “một cen-ti-mét lãnh thổ”. Đáp trả, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh “điều thêm số lượng lớn quân đội, hành vi hung hăng và cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng”.
Cả hai ông lớn Châu Á này từng xảy ra chiến tranh vào năm 1962 ở vùng biên giới quan trọng chiến lược Arunachal Pradesh. Hồi tháng 6, căng thẳng biên giới bùng phát sau vụ đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong vào ngày 15-6. Có những báo cáo chưa được xác nhận về thương vong của Trung Quốc. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.
Cho đến nay, không có xung đột đẫm máu mới xảy ra, các cuộc giao tranh nhỏ đã được báo cáo trong đó các nhà phân tích mô tả tình hình hiện tại ở biên giới là ổn định hơn kể từ tháng 6. Và bất chấp một số vòng đàm phán ngoại giao và quân sự, cả hai nước láng giềng này đều không giải quyết được tranh chấp biên giới của họ.
KHẢ ANH