Rộn ràng làm đẹp cuối năm (3)
* Bài cuối: Ai quản lý các "thẩm mỹ quán"?
(Cadn.com.vn) - Với ý nghĩ "có tiền thì sẽ có nhan sắc", không ít người đã làm đẹp bằng mọi cách mà thiếu sự hiểu biết, thiếu kiến thức. Điều này có thể sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc, chẳng những không mang lại hiệu quả mà có thể sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường. Một ca làm đẹp thành công đòi hỏi rất nhiều các yếu tố như: tay nghề của bác sỹ thẩm mỹ, cơ địa... Với tâm lý, làm đẹp ở những tiệm bình dân kiểu "thẩm mỹ quán" sẽ có giá rẻ hơn, tiết kiệm hơn ở thẩm mỹ viện uy tín nên không ít chị em đã "tiền mất tật mang". Khách hàng dễ bị "dụ dỗ" bởi các hình thức quảng cáo, rất nhiều cơ sở thu hút được đông đảo khách hàng đến làm đẹp không phải vì tay nghề hay chuyên môn mà do đa số khách hàng thấy cơ sở nào quảng cáo với lời lẽ "có cánh" là tìm đến, cộng thêm thói quen chạy theo trào lưu làm đẹp nhưng lại chủ quan không tìm hiểu rõ ràng, ham rẻ, làm đẹp nhanh nên nhiều chị em đã rước họa vào thân khi đến với các cơ sở này. Đã có những trường hợp dở khóc dở cười, "lỡ" làm đẹp ở các cơ sở không đảm bảo, kết quả là nhẹ thì từ đẹp thành xấu, nặng thì bị biến chứng, nên phải "khăn gói" đến các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ có uy tín để "chữa cháy". Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cả ở các thẩm mỹ viện được cấp phép đôi khi còn rẻ hơn các cơ sở không phép.
Được biết, để thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn ở da, có chảy máu, cần phải có kiến thức về y khoa và tay nghề đảm bảo, các kỹ thuật này đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối, kim châm phải được khử trùng cẩn thận. Tuy nhiên, đối với các cơ sở làm đẹp thông thường hay các tiệm làm tóc việc khử trùng gần như không được thực hiện triệt để. Vì vậy, việc lây nhiễm các bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B... rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, khi tiến hành các phẫu thuật có dùng kim, việc sử dụng thuốc gây tê là điều không thể thiếu, nếu thao tác gây tê không cẩn thận sẽ rất dễ làm bệnh nhân bị sốc phản vệ. Một điều đáng lo nữa là phần lớn chất màu trên thị trường hiện nay đều không rõ nguồn gốc, nên có rất nhiều khả năng gây hại đến sức khỏe. Chưa kể, một số chủ cơ sở phun, xăm thẩm mỹ mặc dù không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn công khai hoạt động, hầu hết, họ chỉ theo học các khóa đào tạo phun, xăm thẩm mỹ ở các trung tâm lớn rồi về mở cửa hàng. Thậm chí, có người còn vừa học vừa làm. Để thu hút khách hàng, họ thường xuyên áp dụng phương thức giảm giá, khuyến mại hấp dẫn để lôi kéo chị em đến làm đẹp mặc dù tay nghề còn rất non kém.
Môi bị biến chứng sau khi xăm (Nguồn ảnh: Internet). |
Phẫu thuật thẩm mỹ như con dao hai lưỡi, nó có thể khiến chị em trở nên xinh đẹp, hoàn thiện hơn, nhưng nó cũng có thể làm chị em xấu đi. Vậy nên, để tự bảo vệ mình, khi sử dụng kỹ thuật phun, thêu, xăm... khách hàng nên đến các cơ sở uy tín, đồng thời yêu cầu hấp, khử khuẩn dụng cụ theo đúng quy trình. Với những bệnh nhân bị biến chứng, cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng có 2 loại hình làm đẹp: Dịch vụ spa, các cơ sở làm đẹp chưa được cấp phép như: tiệm làm tóc, các "thẩm mỹ quán" và các phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ. Đến thời điểm này, tại thành phố có 11 phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép (4 cơ sở trên địa bàn quận Thanh Khê, 7 trên địa bàn quận Hải Châu) đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ và định kỳ hàng năm tiến hành kiểm tra các điều kiện hoạt động. Còn các cơ sở spa và các "thẩm mỹ quán" không thuộc quản lý của Sở. Theo quy định tại Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về việc "Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", Sở Y tế chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ làm các dịch vụ như: Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; Tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai... Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp...
Dở khóc, dở cười với đôi chân mày xăm bị lỗi. |
Cũng theo thông tư này, Sở Y tế chỉ cấp phép cho các Phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ, thông tư chưa đề cập đến các spa và các "thẩm mỹ quán". Vậy các cơ sở này sẽ do cơ quan chức năng nào quản lý để đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi cho những người có nhu cầu làm đẹp? Nếu khách hàng bị biến chứng trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ sở làm đẹp này thì họ khiếu nại ở đâu? Trong những năm gần đây, các cơ sở làm đẹp chưa được cấp phép mọc lên ồ ạt nhưng hiện cơ chế vẫn đang bị bỏ ngỏ. Để bảo vệ cho người dân, cơ quan quản lý cần phải có biện pháp lâu dài và chặt chẽ hơn đối với các cơ sở làm đẹp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng cần được các cơ quan chức năng có liên quan chú trọng triển khai thực hiện, nhằm hạn chế thấp nhất những vi phạm trong hoạt động dịch vụ thẩm mỹ. Song, trước hết chị em cần có sự hiểu biết nhất định về vấn đề làm đẹp an toàn, lựa chọn những phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hay các bệnh viện có đội ngũ y bác sỹ có tay nghề để làm đẹp, không nên nhẹ dạ cả tin trước những lời quảng cáo hoa mỹ để rồi "tiền mất tật mang"...
Thanh Hoa