Rong ruổi cùng ong

Thứ năm, 04/06/2015 10:32

(Cadn.com.vn) - Đây là lần đầu tiên ông Dư Văn Sinh (1964, trú H. Bù Gia Mập, Bình Phước) cùng với con trai Dư Văn Thành, con rể Trần Xuân Đức “đánh” mật ở xã miền núi Hòa Phú (H. Hòa Vang, Đà Nẵng). Riêng việc di chuyển đàn ong từ nơi này đến vùng khác cũng là điều vô cùng vất vả và đã thành nguyên tắc ngặt nghèo. Cuối tháng 5 vừa rồi, khi gió Tây-Nam thổi mạnh, cha con ông phải vội vã thuê xe vận chuyển đàn ong từ H. Quảng Điền (TT-Huế) vào đây. Nghiệp nuôi ong cùng với những long đong trong nghề đã trở thành chuyện thường như cơm bữa, cho nên mới ở tuổi 30 mà khuôn mặt của các anh Thành, Đức khắc khổ, đậm nét phong trần của người bôn ba tứ xứ trong hành trình rong ruổi tìm mật cho đàn ong.

Địa điểm cha con ông Sinh tập kết 530 đàn ong lần này là các khu rừng dọc ven sông Hội Phước có nhiều keo tai tượng và hoa màu phụ. Song, mật keo rẻ, giá không như mật hoa cà-phê nên dù có thu được nhiều nhưng giá trị tính ra bằng tiền lại thấp. Khi nghe chúng tôi thắc mắc: “Khai thác mật keo vào tháng 6, làm gì có hoa mà lấy mật?”. Ông Sinh cười: “Thế các anh tưởng chỉ có hoa mới cho mật thôi à. Nhiều người đã lầm tưởng như vậy. Mật keo được khai thác từ kẽ lá, đốt lá giống như cây cao su”. Cũng theo ông Sinh, năm nào cũng vậy, khi hết mùa mưa, cha con ông phải di chuyển đàn ong lên Tây Nguyên để lấy mật hoa cà-phê, sau Tết âm lịch phải chuyển đàn ong về Bình Phước để lấy mật hoa điều. Vào tháng 5-6, lại phải đưa đàn ra các tỉnh miền Trung để lấy mật từ cây keo lai, thậm chí có khi còn phải di chuyển ra Bắc để lấy mật từ cây vải thiều...

Anh Dư Văn Thành cần mẫn kiểm tra các cầu mật.

Anh Đức thừa nhận, người làm nghề nuôi ong lấy mật chẳng khác gì dân du mục, quanh năm vất vả, xa nhà. Hễ ở đâu có hoa, có mật là người và ong tìm đến. Tính ra, mỗi năm người nuôi ong chỉ có mặt tại gia đình khoảng 2-3 tháng. Thấy chúng tôi chưa hình dung được hết nỗi gian lao mà người nuôi ong phải đương đầu, anh Thành góp chuyện: “Nghề nuôi ong coi vậy chớ cực lắm các anh ạ! Để có được lít mật, ký phấn hoa, bọn em phải chấp nhận sống trong cảnh thiếu thốn mọi thứ. Chuyện ăn ở, sinh hoạt, ngủ nghỉ đều gặp nhiều khó khăn. Vì, sống giữa đại ngàn, rừng núi, nơi xa dân cư, làm gì có nơi để giải trí? Đó là chưa kể lúc ốm đau hay gặp tai nạn bất ngờ thì thân phận của người nuôi ong hết sức bấp bênh...”. Tuy nhiên, cũng theo anh Thành, sự cực khổ của người nuôi ong không kể hết, nhưng bù lại nghề này cũng có những thú vui riêng. Nơi nào, ở đâu, cây gì đang trổ hoa, mầm lá là người nuôi ong buộc phải nắm bắt được hết. Bởi, để có thể khai thác được mật cho kịp thời vụ, người và ong phải di chuyển liên tục...

Ông Sinh đúc kết, người nuôi ong không chỉ như người mẹ chăm sóc con nhỏ mà còn cần phải như một nhà dự báo thời tiết để lựa chọn thời điểm chia đàn, nhân đàn cho phù hợp. Trong quá trình chăm sóc, cũng cần theo dõi, phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời cho đàn ong để không làm ảnh hưởng đến năng suất mật. Tuy nhiên, những mối lo trên cũng còn có thể chủ động phòng ngừa nhưng gặp phải trường hợp ong bị trúng độc thì hết cách chữa. Nhiều lúc, ong lấy mật xong chỉ kịp bay về tổ là lăn ra chết. Biết là ong bị trúng thuốc bảo vệ thực vật nên phải nhanh chóng di chuyển đàn đi nơi khác để tránh thiệt hại. “Trong sản xuất nông nghiệp, việc con ong lấy mật sẽ rất tốt cho cây trồng. Vì, nhờ con ong mà cây sẽ tăng cường được sự thụ phấn, kết trái. Vậy mà có nhiều nơi, người dân không hiểu, khi thấy đưa đàn ong đến là họ xua đuổi bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật vào hoa màu. Giá như, những điều ấy không xảy ra thì người nuôi ong cũng đỡ vất vả, đỡ thiệt hại hơn”, ông Sinh chân tình bộc bạch.

An Dương