Rủi ro sau những vụ tấn công cơ sở hạt nhân Iran

Thứ sáu, 17/07/2020 11:19

Các cơ sở hạt nhân của Iran đã bị tấn công trong nhiều tuần qua nhưng vẫn chưa rõ chuyện gì đang xảy ra ở những nơi này trong khi các nhà lãnh đạo Israel hiện đang ám chỉ họ đứng đằng sau vụ hỏa hoạn lớn tại địa điểm hạt nhân Iran hồi tuần trước.

Hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs Inc. cho thấy thiệt hại đáng kể do một vụ nổ và hỏa hoạn tại một nhà máy ly tâm tiên tiến tại địa điểm hạt nhân Natanz của Iran.  Ảnh: AP

Những vụ tấn công bí ẩn

Vụ tấn công bí ẩn đầu tiên xảy ra vào ngày 26-6 tại một trung tâm sản xuất nhiên liệu lỏng nổi tiếng chế tạo tên lửa đạn đạo ở làng Khojir, gần khu quân sự phức hợp  Parchin của Iran. Mặc dù bị các quan chức phớt lờ vấn đề này, các hình ảnh vệ tinh sau đó đã cho thấy thiệt hại lớn ở kho vũ khí, cùng với toàn bộ sườn đồi bị bôi đen trong vụ nổ.

Sau đó vào ngày 30-6, có 19 người chết trong vụ nổ tại một trung tâm y tế ở Tehran. 2 ngày sau, vào ngày 2-7, nhà máy làm giàu uranium Natanz nổi tiếng, vốn là nơi chính của Iran để phát triển máy ly tâm cần thiết cho sản xuất uranium và các vũ khí hạt nhân khác đang được phát triển - đã nổ do bị tấn công. Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran (AEOI) xác nhận vụ việc và thừa nhận, đó là một cuộc tấn công nghiêm trọng buộc họ phải xem lại chương trình hạt nhân sau nhiều tháng. Một ngày  sau, một đám cháy không rõ nguyên nhân xảy ra tại một nhà máy điện ở thành phố Shiraz, gây ra sự cố mất điện trong khu vực. Ngày 4-7, lại xảy ra vụ nổ ở nhà máy điện tại thành phố Ahwaz. Vào cùng ngày, cách đó khoảng 120 km, một sự rò rỉ khí clo đã được phát hiện tại một nhà máy hóa dầu Karoun ở thành phố Mahshahr.

Hơn 1 tuần sau, ngày 12-7, nhà máy hóa dầu Shahid Tondgooyan ở tỉnh Khuzestan lại bị nhấn chìm trong lửa. Cách đó hơn 800 km, một vụ nổ khác làm rung chuyển tầng hầm của một nhà kho cũ trong một tòa nhà ở phía Bắc thủ đô Tehran. Đây là nhà ở 2 tầng, chứa ít nhất 30 bình gas được sử dụng cho mục đích không rõ ràng. Giới chuyên gia bày tỏ nhiều nghi ngại quanh những vụ việc lần này khi các vụ việc xảy ra tại những địa điểm trọng yếu của Iran. Nhiều người cho rằng, đây là những hành động phá hoại từ nước ngoài, trong đó nhắm tập trung vào Israel và Mỹ “Tất cả vụ việc đều xảy ra trên hoặc gần cơ sở hạt nhân, tên lửa hoặc quân sự”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Mỹ hay Israel?

Không tính đến những vụ tấn công nhỏ, vụ nổ bí ẩn và hỏa hoạn xảy ra tại cơ sở hạt nhân chính Natanz của Iran, có thể đã ngăn chặn Teheran xây dựng các máy ly tâm tiên tiến, và cả khả năng làm chậm chương trình phát triển kho dự trữ uranium của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đó là lý do mọi nghi ngờ đang dồn vào Mỹ và Israel. Theo AP, các nhà lãnh đạo Israel hiện cũng đang ám chỉ họ đứng đằng sau vụ tấn công này, động thái có khả năng làm bùng nổ cuộc chiến bí mật kéo dài hơn nữa. Hạn chế kho dự trữ uranium là một trong những nguyên lý chính của thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc thế giới (P5+1) đạt được với Iran 5 năm trước - một thỏa thuận hiện đang bị phá hủy sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút đi 2 năm trước. Lượng dự trữ càng lớn, thời gian phá vỡ thỏa thuận càng ngắn - và thời gian mà Iran sẽ cần để chế tạo vũ khí hạt nhân cũng vậy nếu họ chọn làm như vậy. Và trong khi Tehran khẳng định chương trình nguyên tử là vì mục đích hòa bình, họ đã gia hạn các mối đe dọa rút khỏi một hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân khi Mỹ vẫn cố gắng gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, sẽ hết hạn vào tháng 10 tới. Tất cả điều này làm tăng nguy cơ đối đầu trong những tháng tới. Các quan chức Iran có khả năng nhận ra điều này khi xác định phạm vi vụ nổ ngày 2-7 tại khu phức hợp Natanz. Ban đầu, họ đã cố giảm nhẹ vấn đề khi mô tả địa điểm này là chỉ là một nơi cung cấp dịch vụ ngay cả khi các nhà phân tích ngay lập tức nói với AP rằng, vụ nổ đã tấn công cơ sở lắp ráp máy ly tâm tiên tiến mới của Natanz.

Vài ngày sau, Iran thừa nhận vụ hỏa hoạn đã tấn công cơ sở đó và làm tăng khả năng phá hoại nghiêm trọng địa điểm này, nơi đã từng bị virus máy tính Stuxnet nhắm đến trước đó. Tuy nhiên, Iran cho đến nay vẫn cẩn thận không đổ lỗi trực tiếp cho Mỹ hay Israel, dù các quan chức của Tel Aviv đã ám chỉ rõ rằng, họ đã nhúng tay vào. Một yêu cầu chịu trách nhiệm cho vụ tấn công chỉ làm dấy lên nghi ngờ về ảnh hưởng của các nước ngoài trong vụ nổ. Một lời buộc tội trực tiếp của Tehran sẽ làm tăng áp lực buộc họ phải đáp trả, điều mà dường như quốc gia Hồi giáo chưa muốn làm lúc này.

KHẢ ANH